Trong lịch sử Trung Hoa, có hai loại hành vi dã man khiến người đời cảm thấy phản cảm. Đó là giết kẻ đầu hàng và tàn sát hàng loạt. Vậy nhưng, một bậc minh quân nổi tiếng như ĐườngThái Tông Lý Thế Dân lúc sinh thời đều từng "phạm" phải hai điều đại kỵ này.
Điều đáng nói là, Lý Thế Dân có gan làm nhưng không có gan chịu, quy mọi tội lỗi cho cha ruột của mình, tức Đường Cao Tổ Lý Uyên.
Điều gì đã khiến cho vị Hoàng đế nổi tiếng "nhân nghĩa" của Trung Hoa tự "nhúng chàm" chính mình bởi những hành vi man rợn như vậy?
Cuộc thảm sát "tắm máu" Hạ huyện
Dựa vào trình tự thời gian, sự kiện thảm sát bách tính trong thành Hạ huyện là thảm kịch đầu tiên gây ra bởi tay Lý Thế Dân. Theo "Tư trị thông giám" của Tư Mã Quang, vào tháng 5 năm 620, "Tần vương Lý Thế Dân dẫn quân tấn công Hạ huyện, tiến hành tàn sát."
Vậy nhưng điều gì đã khiến cho vị Tần vương này ra tay tàn bạo và vô tình đến vậy?
Nguyên nhân bắt nguồn từ những năm cuối thời nhà Tùy, khi thiên hạ đại loạn, Hạ huyện là mảnh đất đã sinh ra một vị hào kiệt có tên Lữ Sùng Mậu.
Sau khi nhà Đường thành lập, thế lực của Lưu Vũ Chu tiếp tục chống lại triều đình. Trải qua nhiều lần đại bại, quân Đường thực hiện kế sách "vườn không nhà trống", đốt hết lương thảo của bách tính, khiến nhân dân người người oán hận.
Lũ Sùng Mậu nhân cơ hội đó khởi binh ở Hạ huyện, tự xưng là Ngụy vương, công khai ủng hộ Lưu Vũ Chu. Đường Cao Tổ Lý Uyên từng phái binh đi đánh họ Lữ, nhưng đều bị viện quân của Vũ Chu đánh bại.
Tới năm 620, Lý Uyên lần thứ hai phát binh thảo phạt, Lưu Vũ Chu phái đại tướng Uất Trì Kính Đức dẫn quân viện trợ cho Hạ huyện.
Khi ấy, Cao Tổ âm thầm phái người chiêu hàng Lữ Sùng Mậu hòng diệt trừ Uất Trì Kính Đức. Vậy nhưng họ Lữ một lòng kiên trung,đem kế hoạch này của quân Đường tiết lộ ra ngoài, giúp Uất Trì tướng quân một phen thoát chết.
Sau khi Uất Trì Kính Đức an toàn rời đi, Hạ huyện tiếp tục chống lại Đường triều, ủng hộ Lưu Vũ Chu.
Chính Lý Thế Dân là người đã hạ lệnh "tắm máu" Hạ huyện, giết chết nhiều bách tính vô tội trong thành. (Ảnh minh họa).
Chính vì vậy, sau khi phụng mệnh vua cha tiêu diệt Lưu Vũ Chu, bình định vùng Sơn Tây, Lý Thế Dân đương nhiên không bỏ qua cho Hạ huyện. Thành trì nơi này vốn đã nhỏ bé, hiển nhiên không thể ngăn cản đại quân của triều đình.
Quan quân nhà Đường sau khi công phá thành Hạ huyện đã tiến hành thảm sát, giết chết vô số bách tính trong thành. Mang tính chất "ăn miếng trả miếng", hành động trả thù này của Lý Thế Dân đã hại chết không ít người vô tội.
Tới lúc đăng cơ, Đường Thái Tông lại tìm mọi cách bưng bít cho hành vi "tắm máu" trên. Ông ta "đổi trắng thay đen", quy hết trách nhiệm cho tiên đế. Thậm chí, vị minh quân này lúc đó còn khôn ngoan viện cớ bằng cách vin vào thánh chỉ của vua cha lúc sinh thời.
Theo đó, trong thánh chỉ có đoạn: "…không giết nô tặc, ắt sẽ sinh phiến loạn, nếu không trừng phạt tất cả những kẻ đó, tất sẽ sinh ra hậu họa sau này." Bởi vậy, Đường Thái Tông một mực dùng lý lẽ "phụng chỉ hành sự" để bao biện cho hành vi tàn ác của mình.
Giết người quy hàng vì tư thù
Nạn nhân của hành động này chính là Đan Hùng Tín – một viên tướng phản Đường nổi tiếng.
Vào năm 621, thế lực cát cứ của Vương Thế Sung ở Lạc Dương quy hàng nhà Đường, trong đó có Đan Hùng Tín.
Sinh thời, họ Đan này từng có mối giao tình với đại tướng Đường triều là Từ Thế Tích. Vậy nhưng, mặc cho Từ tướng quân một mực cầu xin, Lý Thế Dân vẫn sai thuộc cấp xử tử Đan Hùng Tín.
Vào thời điểm lúc bấy giờ, hành động này vô cùng bất lợi đối với quân triều đình. Cái chết của Đan Hùng Tín đã khiến nhiều thủ lĩnh của các nghĩa quân vốn có ý định quy hàng, nay lại liều chết nổi dậy chống phá triều đình.
Hành động trên đã làm cho Hà Bắc tiếp tục chìm trong chiến loạn suốt một thời gian dài, đồng thời còn là nguyên nhân gây nên cái chết của viên tướng nổi danh của Đường triều – La Sĩ Tín.
Lý Thế Dân giết kẻ quy hàng là Đan Hùng Tín chủ yếu nhằm mục đích... rửa hận! (Ảnh: nguồn Qulishi.com)
Việc làm bốc đồng này xuất phát từ tư thù của Cao Tổ đối với Đan Hùng Tín. Khi còn chưa lên ngôi, trong những trận giao chiến với quân của Vương Thế Sung, Đan Hùng Tín đã hai lần suýt lấy mạng của Lý Thế Dân.
Xuất phát từ mục đích trả thù cá nhân, Lý Thế Dân đã bỏ ngoài tai mọi lời khuyên can, bất chấp hậu quả, kiên quyết xử tử người đã xin hàng là Đan Hùng Tín để rửa mối hận năm xưa.
Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông lại một lần nữa để dư luận chĩa mũi nhọn vào Cao Tổ Lý Uyên. Theo đó, Lý Thế Dân tiếp tục viện cớ,khẳng định việc xử tử Đan Hùng Tín là do vâng lệnh vua cha.
Vậy nhưng, thân là chủ tướng trên chiến trường, bản thân Lý Thế Dân mới đích thực là người nắm quyền sinh quyền sát đối với kẻ quy hàng.
Về hành động bóp méo sự thật của Thái Tông Lý Thế Dân, sử gia Hồ Tam Tỉnh thời Nam Tống từng bình luận:
"Khi quan chép sử ghi chép các sự kiện này ở thời Cao Tổ (chỉ Lý Uyên – cha của Lý Thế Dân), Thái Tông vì sợ đánh mất lòng người, ép họ phải ghi thành ‘phụng mệnh của Cao Tổ’ để che đậy các sai lầm của mình."
Nói một cách khác, hành động của Lý Thế Dân không chỉ mang tính chất trốn tránh trách nhiệm, mà còn là việc làm "gài bẫy" cha ruột của mình.
Lịch sử giống như một tấm gương, chúng ta không thể chỉ biết tôn vinh công trạng của cổ nhân mà phủ nhận những vết đen trong cuộc đờicủa họ.
Hơn nữa, dù Lý Thế Dân là một vị minh quân, nhưng cũng không phải thánh nhân. Phàm là con người, liệu mấy ai chưa từng phạm sai lầm?
Bởi vậy, ta cần nhìn thẳng vào lỗi lầm của các vĩ nhân để đánh giá họ với tư cách là một con người hoàn chỉnh, chứ không phải nhìn nhận họ giống một bức tượng mà ảo vọng thái quá.