Cặp đôi Hanna Larsen (người Mỹ) và Lương Thanh Đức (Việt Nam) hẹn hò tại Việt Nam và đã có những lúc sống cách xa nhau nửa vòng Trái đất. Hanna một thân một mình với em bé trong bụng, từ Mỹ sang Ecuador ở vì muốn con lớn lên trong môi trường trong lành. Thanh Đức, sau bao gian nan cũng tìm được lối đến với hạnh phúc, đoàn tụ cùng người yêu và con gái ở xứ nhiệt đới Nam Mỹ. Hiện tại em bé đã gần 2 tuổi, cả gia đình đang sống tại thung lũng Loja, Ecuador.
Ở thiên đường Nam Mỹ, vẫn “tơ tưởng” Việt Nam
Hanna và Thanh Đức vẫn chưa kết hôn, nhưng tận thẳm sâu trong Hanna, cô biết mình không cần một cam kết giấy tờ nào để hạnh phúc. Không dễ dàng gì để hai con người ưa xê dịch, khao khát khám phá, yêu thích cuộc sống thuận tự nhiên, nương dựa vào đất mẹ có thể “va” vào nhau, và cũng không dễ gì họ tìm được một nơi ở rất gần với lý tưởng của mình như vậy. Những thấu hiểu và gắn bó ấy, với Hanna đã là quan trọng nhất rồi.
Họ thuê một căn nhà gỗ xinh xắn ở thung lũng để ở. Điều thú vị là nhà dân ở đây nhà nào cũng có vườn. Nhà Hanna và Đức thuê có cây ăn trái mọc hoang đầy vườn, gia chủ chỉ tốn công chăm sóc là có thể thu hoạch được.
Cứ mỗi cuối tuần thu hoạch, Hanna sẽ mang những loại rau trái trong vườn nhà, ra chợ đổi lấy rau, trái cây nhà không có để thay đổi bữa ăn. Chi phí sinh hoạt tốn rất ít vì cả hai chỉ mua những thứ không đổi được ở cửa hàng.
Hanna tiết lộ: “Hiện Hanna đã có công việc ở Việt Nam, Hanna vui lắm. Đó là một trang web chuyên về cách ăn chay, rất hợp với Hanna. Thỉnh thoảng Hanna cũng nhận làm huấn luyện viên lối sống, mở workshop chia sẻ về sức khỏe và hướng dẫn ăn chay”. Làm việc trên nền tảng online, nên từ Ecuador, Hanna có thể gặp gỡ khách hàng trên toàn thế giới. Còn Thanh Đức dạy nhảy salsa và điều hành công ty ở Việt Nam nên vẫn có thu nhập.
Tại nơi họ sống, có khoảng 50% là người địa phương, 50% còn lại là người dân từ nơi khác đến định cư. Vì thế, họ được sống trong môi trường đa văn hóa với những trải nghiệm mới lạ. Hanna bảo, hàng xóm tại đây cũng thân thiện, thường cho con Hanna trái cây, chơi cùng em bé.
Thanh Đức cũng thấy dễ chịu, hòa hợp với cuộc sống nơi thung lũng Ecuador, vì nhiều lẽ, trong đó quan trọng nhất là ít áp lực chi dùng. “Ở đây, mọi người cũng không có nhu cầu phải mặc quần áo hợp thời trang, mẫu mới như ở thành phố, chúng tôi thường mặc đồ cũ hoặc mang đi đổi đồ với người khác để hạn chế thải quần áo cũ ra môi trường nên tiền không áp lực”.
Từ lâu Hanna đã chọn chế độ ăn thô, cô không khó khăn gì khi cả gia đình ra ngoài chơi hay di chuyển đâu đó, ở đâu có nước sạch, trái cây, có chỗ che mưa che nắng là gia đình có thể sống được. Họ vừa trải qua 1 tháng sống cùng với cộng đồng người ăn chay thuận tự nhiên tại Amazone, hoàn toàn không nấu nướng mà chỉ ăn thô, chế biến nhanh các loại rau củ. Cả gia đình đều cảm thấy tràn đầy năng lượng và hứng khởi.
Duy có điều, với Hanna, cô vẫn yêu thích Việt Nam hơn một chút. Dù trái cây ở đây rất đa dạng, phong phú, có đủ nho, thanh long vàng, táo, lê, chuối, mận, đu đủ, bơ, mãng cầu, và cherimoya (một loại trái cây giống như na), Hanna vẫn cho rằng cô chưa đến một nơi nào có trái cây ngon như Việt Nam.
Hanna cũng thích làm các món chay mang phong cách ẩm thực Việt Nam, vì dụ như gỏi cuốn. “Gỏi cuốn là một món mình cực kỳ thích. Khi mình có nhiều rau trong tủ lạnh, mình thường làm gỏi cuốn cho gia đình hay bạn bè. Mình cũng thích làm xốt từ bơ đậu phộng và nước chanh”.
Nàng dâu Mỹ sử dụng tiếng Việt lưu loát cả 4 kỹ năng, và vẫn đợi dịp về Việt Nam để thỏa thích gặp gỡ mọi người, được giao tiếp bằng tiếng Việt với nhiều người, được ăn loại quả mà cô say mê: sầu riêng.
Nuôi dạy con thuận tự nhiên
Là một người ăn chay và chọn phong cách sống thuận tự nhiên, Hanna đã sinh con tại nhà nhờ sự hỗ trợ của những người bạn ở Ecuador. Hanna không cắt dây rốn cho con mà dùng muối và hoa oải hương để ủ bánh nhau rồi để rốn tự rụng. Cô đã cùng bạn trai thả bánh nhau của con xuống con sông gần nhà. Hanna cho rằng, nhiều văn hóa coi nhau thai như luân xa thứ 8 của con người nên cô muốn tôn trọng nó.
Từ khi mang bầu em bé được 5 tháng, Hanna đã chọn sống ở Ecuador, vì muốn em bé được sinh trưởng trong môi trường trong lành nhất có thể. Hanna luôn nghĩ rằng: Cuộc sồng gần gũi thiên nhiên là tuyệt nhất. Không cần nhiều đồ, chỉ cần trái cây, nước sạch, rau củ là sống rồi. Mẹ thiên nhiên luôn chào đón chúng ta.
Cô tiết lộ: “Mình không muốn con lớn lên ở Mỹ vì đất nước của mình có quá nhiều công nghệ, phụ nữ không được thoải mái cho con bú ở nơi công cộng và chi phí sống cao. Trong khi đó, để sống trong thế giới này, trẻ con thực sự cần gì? Cơ hội kết nối thiên nhiên; sự tự do khám phá; tình yêu thương vô điều kiện, thế là đủ cho một em bé rồi!”.
Em bé của Hanna cũng được mẹ “cách ly” với điện thoại, máy tính, chỉ trừ khi video call với người thân. Cô lý giải, điện thoại sẽ làm giảm sự sáng tạo của trẻ; điện thoại làm bé khó ngủ, quấy khóc; điện thoại khiến trẻ em tăng nguy cơ mắc các vấn đề về giảm chú ý và trẻ dùng điện thoại có nhiều hành động thiếu kiểm soát hoặc ồn ào hơn, thiếu kiên nhẫn hơn.
Do đó, Hanna thường chọn cách chơi cùng con, địu con đi rừng, mang con ra chợ, cho con chơi với những em bé khác. Hanna nhấn mạnh rằng, trẻ em học bằng cách quan sát người lớn trò chuyện, đọc nét mặt của người khác. Bố mẹ cũng cần làm theo, con sẽ bắt chước tất cả hành động của bố mẹ.
Họ sống trong một khu vực đa văn hóa, nhiều con lai nên bọn trẻ tụ tập, bày trò chơi cùng nhau. Hanna và Thanh Đức đang nuôi dạy một em bé dùng 3 ngôn ngữ, dạn dĩ, thân thiện với thiên nhiên và có sức đề kháng tốt, điều đó khiến họ rất hài lòng.