Phải làm gì nếu nhiệt độ toàn cầu tăng quá mức 1,5 độ C?

Thế giới hôm nay |

Hôm qua, báo cáo tổng hợp của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đã được công bố.

Báo cáo dài 20 trang chắt lọc tài liệu khoa học của gần 1 thập kỷ nhằm cảnh báo nguy cơ hiện hữu của tình trạng ấm lên toàn cầu , cũng như đề xuất những giải pháp đối với vấn đề này. Báo cáo trình bày chi tiết về các biến đổi đã được dự báo và quan sát được trong hệ thống khí hậu của Trái đất, các tác động trong quá khứ lẫn tương lai, và các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm khí thải carbon.

Hàng trăm nhà khoa học đã thu thập bằng chứng về biến đổi khí hậu từ khắp nơi trên thế giới. Họ cho thấy thực tế của biến đổi khí hậu là gì và đưa ra kế hoạch chi tiết cho hành động khẩn cấp mà thế giới cần thực hiện. Báo cáo tổng hợp này có ý nghĩa quan trọng bởi đây sẽ là tài liệu chính sách cơ bản để định hình hành động khí hậu trong thời gian tới.

Thiên tai bất thường do Trái đất nóng lên

Đây là báo cáo tổng hợp thứ sáu của IPCC kể từ khi cơ quan này được thành lập vào năm 1988, mỗi đánh giá toàn diện mất khoảng 6 đến 8 năm để biên soạn. Mỗi báo cáo này đều đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về thực tế của biến đổi khí hậu và đều nhất trí rằng hoạt động của con người đang gây ra những rủi ro mà hơn một nửa nhân loại phải đối mặt. Các tác động của biến đổi khí hậu được nhắc đến trong các báo cáo ngày càng tăng về quy mô và mức độ khẩn cấp.

Phải làm gì nếu nhiệt độ toàn cầu tăng quá mức 1,5 độ C? - Ảnh 1.

Bang California, Mỹ đang bị ngập lụt nghiêm trọng do mưa lớn kéo dài từ tháng 1. Trong khi đó, người dân xứ Catalan, Tây Ban Nha lại đang phải hứng chịu hạn hán sau 36 tháng lượng mưa liên tục thấp hơn mức trung bình.

Ông Ruben Del Campo - Người phát ngôn Cơ quan Khí tượng quốc gia Tây Ban Nha: "Biến đổi khí hậu đã hiện hữu và không may là nó sẽ còn tiếp diễn. Chúng tôi đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy Tây Ban Nha đang chịu tác động của sự nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, Tây Ban Nha và Tây Nam châu Âu nói chung, là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi vì các đợt nắng nóng ở khu vực địa lý này của Trái đất diễn ra thường xuyên hơn, tần suất gia tăng nhanh hơn so với các khu vực khác".

Một dấu hiệu rõ rệt khác của sự nóng lên toàn cầu là sự tan chảy của băng ở các vùng cực. Mới đây, một tảng băng có kích thước bằng thủ đô London của Anh đã bị nứt vỡ và tách khỏi Nam Cực. Các tảng băng trôi khổng lồ không chỉ làm mực nước biển tăng, mà còn tác động đến hệ sinh thái ở vùng nước nông hơn.

GS. Geraint Tarling - Chương trình Khảo sát Nam Cực của Anh: "Băng tan đang làm tăng một lượng lớn nước ngọt tại những nơi ít khi chứng kiến hiện tượng này. Băng trôi tới các vùng biển tương đối mặn, đưa vào lượng nước ngọt khổng lồ và làm thay đổi các điều kiện hải dương học. Điều đó có tác động lớn đến các sinh vật vốn sống dựa vào những điều kiện khá ổn định, ảnh hưởng đến khả năng phát triển và sự sinh tồn của các loài sinh vật".

Phải làm gì nếu nhiệt độ toàn cầu tăng quá mức 1,5 độ C? - Ảnh 2.

Bắc Cực đang nóng lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia Mỹ cho biết, dải băng Greenland đã mất khoảng 6 tỷ tấn nước mỗi ngày trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 17/7/2022, đủ để lấp đầy 7,2 triệu bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Các nhà khoa học cho biết, nếu toàn bộ dải băng này tan chảy thì mực nước biển toàn cầu có thể tăng thêm hơn 6 mét, đe dọa nhấn chìm nhiều khu vực ven biển và các đảo.

Khẩn cấp ứng phó biến đổi khí hậu

Nguyên nhân và hậu quả của biến đổi khí hậu đã rõ ràng, vấn đề đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, đòi hỏi những hành động cụ thể từ các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng trên toàn thế giới.

Ông Hans-otto Portner - Đồng Chủ tịch Nhóm công tác thực hiện Báo cáo của LHQ về biến đổi khí hậu: "Những gì chúng ta thấy trên thế giới là một khoảng cách lớn trong việc thực hiện hành động khí hậu. Có sự thiếu sót về hành động giảm thiểu cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu. Cần phải kết hợp những hành động này để đạt được tính bền vững trong quá trình 'phát triển thích ứng với khí hậu', bao gồm khả năng phục hồi của các hệ thống tự nhiên cũng như của con người, tất cả đều có giới hạn về thời gian".

Phải làm gì nếu nhiệt độ toàn cầu tăng quá mức 1,5 độ C? - Ảnh 3.

Bà Debra Roberts - Đồng Chủ tịch Nhóm công tác thực hiện Báo cáo của LHQ về biến đổi khí hậu: "Việc áp dụng lối tư duy gắn rủi ro về khí hậu với sự phát triển sẽ mở ra cơ hội cho hành động thực tế. Bằng cách đưa ra ý tưởng rõ ràng về những điểm chúng ta có thể hành động, tôi nghĩ rằng điều đó sẽ tạo ra đòn bẩy bổ sung cho khu vực công, khu vực tư, xã hội dân sự. Quả thật chúng ta đang sống trong một thế giới khó khăn, báo cáo không bỏ qua điều đó nhưng nó cung cấp cho chúng ta một lộ trình về cách chúng ta có thể thương lượng để tiến lên trong một thế giới đầy thách thức.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: "Thế giới của chúng ta đang ở ngã ba đường và hành tinh của chúng ta đang bị đe dọa. Chúng ta đang tiến gần đến điểm không thể quay đầu, vượt quá giới hạn quốc tế đã thống nhất đối với sự nóng lên toàn cầu là 1,5 độ C. Chúng ta đang ở đỉnh của điểm bùng phát, nhưng vẫn chưa quá muộn, như IPCC đã chỉ ra. Các báo cáo gần đây cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động ngay bây giờ".

Kỳ báo cáo tiếp theo của IPCC sớm nhất cũng phải vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa báo cáo lần này là báo cáo tổng hợp cuối cùng của IPCC trong thập kỷ then chốt để có thể khống chế mức tăng của nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5 độ C như mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Nhiều chuyên gia cho rằng nên rút ngắn chu kỳ báo cáo để các nhà hoạch định chính sách có thể nhận được khuyến nghị khoa học rõ ràng hơn trong suốt thập kỷ quan trọng này. Một câu hỏi ngày càng cấp bách cũng được đặt ra cho các nhà nghiên cứu là phải làm gì nếu nhiệt độ toàn cầu tăng quá mức 1,5 độ C.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại