Phải làm gì khi bị ngứa tai?

PGS TS BS Phạm Thị Bích Đào BV ĐH Y Hà Nội |

Ngứa tai thường xảy ra do nhiều nguyên nhân. Nếu ống tai ngoài không tiết đủ chất nhày, da sẽ trở nên khô và ngứa. Ngoáy tai là động tác kích thích làm cho tai khô thêm, vì vậy không nên ngoáy tai mà hãy nhỏ các thuốc chống khô da cho ống tai.

Ngứa tai là một biểu hiện thường gặp, và giải quyết thường thấy của mọi người là… ngoáy tai. Người ta ngoáy tai bằng tăm bông, bằng đầu ngón tay, bằng que sắt, bằng tăm… Ngoáy mãi, cho đến khi thành quen, cứ dừng ngoáy là lại thấy ngứa. Dần dần tai bắt đầu đau. Mức độ đau tai tăng dần rồi xuất hiện chảy dịch tai, đôi khi lẫn máu kèm sưng tấy tai hoặc thậm chí lan ra nửa mặt.

Lúc này những người ngứa tai mới nhận thấy cần tới bác sĩ Tai Mũi Họng. Bác sĩ khám thường thấy viêm tấy lan toả ống tai ngoài, nhọt tai ngoài, chấn thương tai ngoài, thủng màng nhĩ, viêm tai ngoài ác tính, nghe kém do chấn thương, hay thậm chí liệt mặt…

Phải làm gì khi bị ngứa tai? - Ảnh 1.

Ngoáy tai sâu bằng tăm bông sẽ làm cho tai khô thêm, không giảm ngứa thậm chí còn gây tổn thương

Nguyên nhân gây ngứa tai là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây ngứa tai. Chủ yếu là những nguyên nhân dưới đây:

* Nguyên nhân từ khô da: nếu ống tai ngoài không tiết đủ chất nhày, da sẽ trở nên khô và ngứa.

Ngoáy tai là động tác kích thích làm cho tai khô thêm, vì vậy tốt nhất bạn hãy nhỏ các thuốc chống khô da cho ống tai, làm thường xuyên trong 2 tuần mỗi đợt.

* Do viêm da cơ địa: trong đó ống tai ngoài là một cơ quan bị ảnh hưởng, quá trình viêm da sẽ làm cho da trở nên ngứa, chảy nước.

Thuốc điều trị chàm như oxyt kẽm, hồ nước… sẽ chữa những cơn ngứa này.

* Do có quá nhiều ráy tai hay nút ráy: hiện tượng này sẽ làm mất đi chức năng vận chuyển thải chất bẩn của da ống tai, từ đó tích tụ các chất gây viêm da ống tai ngoài và ngứa.

Bác sĩ Tai Mũi Họng sẽ giúp bạn lấy ráy tai và bôi các thuốc chống viêm làm giảm tiết ráy tai. Với những bệnh nhân này, cứ mỗi 3 tháng cần đến bác sĩ để lấy ráy tai một lần.

* Do sử dụng máy trợ tính, tai nghe… Máy trợ thính làm cho các chất tiết ra không vận chuyển được dẫn đến ứ đọng. Da ống tai dị ứng với núm của máy trợ thính, hay núm máy trợ thính quá to cũng gây tỳ đè lên vùng da tai ngoài dẫn đến viêm… tất cả các nguyên nhân này đều gây ra ngứa tai.

Người sử dụng tai nghe, máy trợ thính có thể khắc phục bằng cách tháo ra từng lúc, làm sạch tai (bằng thuốc nhỏ hoặc đến gặp bác sĩ chuyên khoa…) hoặc đúc chỉnh lại núm tai cho vừa với kích thước ống tai ngoài.

* Do viêm tai ngoài: vi khuẩn, nấm, vi rút … đều có thể gây viêm tai ngoài nếu nhiễm trùng thâm nhập sâu vào lớp tổ chức dưới da.

Làm gì khi bị ngứa tai?

Cần dừng ngoáy tai khi ngứa tai và thực hiện theo hai bước như sau:

Bước 1: Day nhẹ phía ngoài tai tại vị trí nắp bình tai cho đỡ ngứa. Nếu do viêm da thông thường sẽ hết sau 2-3 ngày.

Bước 2: Nếu sau 2-3 ngày, biểu hiện không thuyên giảm, bạn cần đến các cơ sở chuyên khoa Tai Mũi Họng để các bác sĩ hỗ trợ tìm nguyên nhân và điều trị.

Phải làm gì khi bị ngứa tai? - Ảnh 2.

Không nên thọc sâu ngón tay vào tai để ngoáy cho đỡ ngứa như thế này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại