Từng bị bác sĩ mắng vì muốn dừng điều trị
Cô Phan Ánh Tuyết (59 tuổi tại Hà Nội) được mọi người biết tới với biệt danh "nữ hoàng cháo" và nghị lực vượt qua căn bệnh ung thư dạ dày một cách phi thường. Hiện tại, sau 7 năm cắt bỏ toàn bộ dạ dày, dù đi chơi, đi du lịch hay ăn cỗ, cô Tuyết luôn mang theo những chai cháo bên mình.
Cô Tuyết kể lại, vào năm 2017, cô thường có triệu chứng xót ruột khi ăn uống. Nghĩ có vấn đề về dạ dày nhưng cô chưa vội đi khám. Một người quen khuyên cô rằng, nếu thấy xót ruột thì ăn một chút thức ăn gì đó, triệu chứng này sẽ giảm đi. Cô áp dụng thì thấy triệu chứng này có giảm.
Vốn là người khỏe mạnh nên cô Tuyết cho rằng chỉ điều chỉnh chế độ ăn thì dạ dày sẽ ổn. Cho tới một hôm, cô nghi mình bị cảm vì có triệu chứng nôn, đi ngoài phân đen. Các triệu chứng này kéo dài vài ngày thì có thêm triệu chứng vàng môi, mệt mỏi. Lúc ấy, cô Tuyết mới quyết định đi khám.
Kết quả khám cho thấy cô bị thiếu máu, nội soi dạ dày có ổ loét (không sinh thiết), bác sĩ kê thuốc và hẹn cô tái khám sau 1 tháng. Trong thời gian chờ tái khám, ở nhà cô Tuyết lại nôn ra máu và phải vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
"Kết quả nội soi sinh thiết cho thấy tôi mắc ung thư và có chỉ định cắt toàn bộ dạ dày. Khi biết mình bị ung thư, tôi không sợ mà chỉ lo cho 2 con vì chúng còn nhỏ mà tôi lại là lao động chính trong gia đình. Nhà không có tài sản lớn nên xác định mắc bệnh là chết chứ không có điều trị gì thêm", cô Tuyết nói.
Cô Tuyết muốn buông bỏ điều trị để giữ chút tài sản còn lại lo cho tương lai của 2 con.
"May mắn tôi có những người bạn tốt. Họ vào thăm, động viên tôi tiếp tục điều trị, đừng bỏ cuộc. Về vấn đề tài chính, họ sẽ giúp. Tôi hỏi bác sĩ mình có thể sống được bao nhiêu để quyết định có nên điều trị tiếp hay không, bác sĩ đã mắng và nói: 'Bệnh của chị vẫn còn cơ hội điều trị, cứ điều trị đi'. Tôi quyết định cho mình thêm một cơ hội sống, quyết định đứng lên chiến đấu với căn bệnh ung thư", cô Tuyết nói.
Sau khi mổ cắt toàn bộ dạ dày, cô Tuyết điều trị thêm 8 kỳ hóa chất. May mắn mọi thứ đều tốt đẹp. Sau 7 năm cắt hết dạ dày, cô Tuyết vẫn sống khỏe mạnh. Bằng những kinh nghiệm đã trải qua trong quá trình chữa bệnh, cô còn trở thành chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cho những bệnh nhân ung thư khác.
Vượt qua ung thư bằng sự thông thái
Theo cô Tuyết, sau khi biết mình mắc ung thư dạ dày, cô về đã vứt bỏ bao lá xạ đen ra thùng rác. Vì trước đó, cô thường uống xạ đen thay nước để bảo vệ gan.
Cô bắt đầu tìm hiểu các kiến thức về ung thư để trở nên thông thái, tránh sai lầm khiến tiền mất tật mang. Khi vào viện điều trị ung thư, cô Tuyết cũng được rất nhiều người khuyên ăn yến, nấm lim xanh, xạ đen, đông trùng hạ thảo… nhưng cô nhất quyết không áp dụng.
"Tôi chỉ tuân thủ theo thuốc bác sĩ kê nên suốt thời gian điều trị, các chỉ số xét nghiệm chức năng gan của tôi đều đảm bảo", cô Tuyết nói.
Bên cạnh tuân thủ điều trị, cô Tuyết cũng xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Cô chỉ ăn cháo xay. Suốt 7 năm qua, ngày nào cô cũng ăn cháo nên cô được những người đồng bệnh đặt cho biệt danh "nữ hoàng cháo". Khi đi chơi xa, hành lý của cô luôn có một chiếc máy xay nhỏ và một thùng xốp cháo.
"Trong ăn uống, tôi không kiêng ăn chất đạm. Đặc biệt, sau phẫu thuật tôi ăn nhiều thịt bò để tăng cường sắt. Tôi ăn nhiều đạm từ hải sản, tôm, cua, cá. Tôi uống nước ép củ quả hàng ngày để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất", cô Tuyết tâm sự.
Nhờ có hướng điều trị đúng, tinh thần lạc quan, dinh dưỡng hợp lý mà cô Tuyết có thêm động lực để chiến đấu với ung thư.
Cô Tuyết chia sẻ: "Bây giờ tôi có thể chạy xe đi phượt 100km liên tục không nghỉ. Vì lúc nào tôi cũng có năng lượng tiếp tế bên người (bình cháo)".
Lời nhắn nhủ với các bạn trẻ
Bất cứ ai khi biết mắc bệnh ung thư thường sẽ hoang mang tìm lý do vì sao mình lại mắc bệnh. Cô Tuyết cũng vậy. Cô luôn khoe với mọi người rằng mình rất khỏe. Chính vì thế, khi biết mình mắc ung thư, cô đã khá bất ngờ.
Khi ngẫm về nguyên nhân mắc ung thư của mình, cô Tuyết cho rằng do cô bị viêm dạ dày lâu nhưng không điều trị nên mới sản sinh tế bào bất thường tại cơ quan này.
Qua câu chuyện của mình, cô Tuyết cũng muốn nhắn nhủ tới người đồng bệnh hãy luôn lạc quan chiến đấu với bệnh tật, tin tưởng vào y học hiện đại để có kết quả điều trị tốt. Đối với những người chưa mắc bệnh, đặc biệt là các bạn trẻ nên có lối sống lành mạnh; hạn chế ăn hàng quán, đồ ăn nhanh, các loại lẩu rẻ tiền, đồ ăn quá cay. Đặc biệt, nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường.