Phải bán cả răng, tóc để chu cấp tiền cho con và hồi kết đau đớn của người đàn bà khốn khổ

Trần Quỳnh |

Nhờ câu chuyện đó mà giờ học đạo đức với chủ đề "lớn lên không quên ơn cha mẹ" của một giáo viên đã thành công ngoài mong đợi.

Một ngày nọ, khi đang ngồi trong phòng họp, tâm trí của tôi lúc đó bỗng trở nên rối bời. Bởi tiết học tới đây sẽ là giờ học tư tưởng đạo đức của lớp tôi chủ nhiệm.

Căn cứ vào kinh nghiệm giảng dạy của mình, hơn ai hết, tôi hiểu rằng để một giờ học đạo đức có được hiệu quả tốt nhất thì cần có sự tương tác tích cực từ phía học sinh, quan trọng hơn là phải lấy được ví dụ về những chủ đề thân quen trong cuộc sống.

Thế nhưng, điều làm tôi không khỏi băn khoăn về tiết học ấy là, lũ trẻ lớp tôi có trí tưởng tượng quá phong phú, một khi lên tiếng phát biểu sẽ rất dễ đi lạc đề. Đó là chưa kể trong lớp còn có một vài học sinh hay trốn học, thiếu chú ý.

Vì vậy, tôi chìm trong lo lắng mà tự hỏi: "Phải chăng mình giảng giải không đủ thuyết phục ư? Nên làm thế nào để tiết học quan trọng ấy mới có thể đảm bảo hiệu quả đây?"

Khi còn đang chìm trong rối bời thì chuông báo vào lớp đã vang lên. Tôi mang một tâm trạng đầy lo lắng bước vào phòng học.

Đề tài thảo luận của buổi học hôm ấy có tên là "Lớn lên không quên ơn cha mẹ", thuộc về nội dung hiếu kính. Tôi dựa trên giáo án mà kể cho các học sinh những câu chuyện hiếu thuận của người xưa, còn lấy thêm một vài ví dụ thực tế trong cuộc sống.

Nhưng không nằm ngoài dự đoán của tôi, phản ứng của các em học sinh ngồi phía dưới chẳng hề sôi nổi. 

Khi tôi dành ra thời gian thảo luận, chỉ có một vài em làm cán bộ lớp giơ tay phát biểu, kể về những câu chuyện mà cha mẹ giúp các em làm thường ngày như nấu cơm, giặt quần áo, dạy kèm bài tập…

Phải bán cả răng, tóc để chu cấp tiền cho con và hồi kết đau đớn của người đàn bà khốn khổ - Ảnh 1.

Khi giờ học trong lớp đang dần trở nên trầm lặng, một gợi ý của học sinh đã giúp người thầy giáo tìm được cảm hứng cho tiết học đạo đức. (Ảnh minh họa).

Giờ học cứ nặng nề mà trôi qua nửa tiết, một vài học sinh đã bắt đầu xao lãng, trong lòng tôi càng thêm phần lo lắng. Đúng lúc ấy, có một em học sinh nam đứng dậy hỏi tôi: 

"Thầy ơi, em kể một câu chuyện mà em đọc trong sách có được không thầy?"

"Tất nhiên là có thể rồi!" – Tôi vui mừng đáp.

Và cứ như vậy, cậu học sinh ấy bắt đầu cất giọng kể về một câu chuyện mà tôi cũng đã từng đọc trước kia:

"Xưa kia, có một người công nhân nữ sinh được một cô con gái. Khi con gái còn rất nhỏ, người mẹ ấy đã buộc phải gửi con cho gia đình khác để nhờ nuôi.

Mỗi ngày làm việc trong công xưởng, cô đều lao lực kiếm tiền, rồi lại đem tất cả số tiền kiếm được ấy gửi cho gia đình mà mình nhờ nuôi con. Thế nhưng, gia đình ấy đối xử với con gái của cô rất tàn tệ, lại thường xuyên tìm cách vòi tiền người mẹ tội nghiệp.

Cô ấy quả thực rất nghèo khổ, đến mức phải bán đi quần áo của mình. Bán xong quần áo, cô lại cắt đi mái tóc dài để kiếm thêm chút tiền. Tóc cũng đã bán rồi, cô lại phải để cho người khác đánh gãy một chiếc răng rồi đem đi bán.

Để có tiền nuôi con, người mẹ ấy đã phải bán mạng, bán đồ, bán răng, bán tóc. Từ một người phụ nữ xinh đẹp ngày nào, cô ấy đã trở thành một người đàn bà điên có vẻ ngoài xấu xí.

Khi mùa đông giá rét tới, cô ấy chẳng có tiền thuê nổi một căn phòng trọ, khoác trên mình một bộ quần áo mỏng manh, thơ thẩn mà chạy trên đường phố…"

Câu chuyện bi thương mà cậu bé kể đã thu hút sự chú ý của tất cả các học sinh trong lớp. Mọi người đều lẳng lặng nghe, không ai nỡ phát ra một tiếng động nào làm gián đoạn.

Mà cậu bé kể chuyện, chẳng biết từ lúc nào đã khóc thành từng tiếng. Nhiều em nữ sinh trong lớp cũng không kìm được mà rơi nước mắt. Một số đứa trẻ ngỗ nghịch đều cúi đầu, đắm mình vào những tình tiết bi thương của câu chuyện kia…

Thế rồi, những tiếng khóc ngắt quãng của cậu bé đã khiến em không thể kể tiếp được nữa. Tôi nhẹ nhàng đỡ lời:

"Người mẹ trong câu chuyện ấy chính là nhân vật Fantine trong tác phẩm ‘Những người khốn khổ’ của đại văn hào Pháp Victor Hugo. Và cô con gái được mẹ gửi nuôi nhà người khác năm ấy chính là Cosette.

Mỗi khi nhớ tới nhân vật Fantine, người ta không nhớ nhiều đến sắc đẹp thời son trẻ của nàng, nhưng lại khắc ghi trong tim tình mẫu tử thiêng liêng mà người mẹ ấy dành cho cô con gái Cosette.

Khép lại cuốn tiểu thuyết ‘Những người khốn khổ’, có lẽ chi tiết gây xúc động mạnh nhất đối với độc giả chính là cái cảnh người mẹ nghèo khổ bán răng, bán tóc - những tài sản duy nhất của mình – để đổi lấy tiền với niềm vui chắc mẩm trong tim rằng: 'Mình đã lấy tóc dệt cho con mặc, 'con mình sẽ không chết vì cái bệnh ác nghiệt ấy nữa, vì có thuốc rồi…"

Đớn đau thay, cuối cùng, Fantine chết vì bệnh lao mà chưa kịp nhìn mặt con gái. 

Số phận bi thảm của nàng và cô con gái Cosette ‘khốn khổ’ đúng như tên gọi của tác phẩm, đến nỗi mà ngay chính Hugo cũng đã phải thương xót mà than rằng:‘Hỡi ơi, những vận mệnh bị xô dồn như thế là thế nào nhỉ? Họ bị đẩy đi đâu? Vì sao lại thế?’

Nhưng sau tất cả những đớn đau phải chịu đựng trên cuộc đời này, thứ họ để lại cho ta chính là tình mẫu tử thiêng liêng, là thứ tình cảm gia đình quý giá mà chẳng một nỗi khốn khổ hay đau thương nào có thể vùi lấp được".

Phải bán cả răng, tóc để chu cấp tiền cho con và hồi kết đau đớn của người đàn bà khốn khổ - Ảnh 2.

Người mẹ Fantine đã từng phải bán tóc, bán răng, thậm chí bán cả thân mình để có tiền nuôi nấng người con gái bé bỏng. (Ảnh: Nguồn Internet).

Lúc tôi kể xong câu chuyện ấy, lớp học vốn đang chìm trong bầu không khí trầm lặng nay đã trở nên sôi nổi hơn hẳn. Đám trẻ tham gia thảo luận với thầy giáo vô cùng nhiệt tình.

Có đứa nói rằng: "Người mẹ ấy chính là người mẹ vĩ đại nhất trên cuộc đời này!"

Có người thì cảm thán: "Thì ra trên thế gian vẫn còn có câu chuyện bi thảm đến vậy. Chúng ta có thể lớn lên bên cạnh cha mẹ quả thực là điều quá hạnh phúc rồi…"

Có em lại quả quyết: "So với hai nhân vật trong câu chuyện ấy, mỗi bạn ngồi đây đều là những đứa trẻ may mắn".

Trong bầu không khí sôi nổi và chân thành ấy, tôi trầm giọng chia sẻ:

"Các em thân mến, thầy biết mỗi ngày các em đều phải chịu áp lực học tập rất lớn, và bố mẹ của các em càng hiểu rõ điều đó hơn thầy. 

Thế nhưng, ở trên đời vốn không có bữa trưa nào miễn phí, chúng ta phải cố gắng thành công mới có tư cách để hưởng thụ trái ngọt.

Cha mẹ cũng vì thương yêu nên mới thôi thúc các em học hành. Vì con đường trưởng thành trước mặt là con đường các em phải tự mình bước đi, không một ai khác có thể đi thay.

Hãy nhớ rằng, mỗi ngày các em được cắp sách đến trường, khi trở về lại được ngồi trong một căn phòng thư thái, tĩnh lặng mà dùi mài kinh sử, hết thảy những điều kiện tốt đẹp ấy đều dựa vào những đồng tiền mà cha mẹ cật lực kiếm được.

Cho nên, trên thế giới này không có một bậc cha mẹ nào là không tốt với con cái của mình, thậm chí họ chỉ hận rằng không thể đem tất cả những thứ tốt nhất cho con của mình mà thôi!

Vì thế, các em phải khắc ghi một điều rằng, suốt cuộc đời này, cha mẹ chúng ta không giữ cho riêng mình một thứ gì, bởi tất cả những điều trân quý nhất của họ đã dành trọn cho các em rồi…"

Phải bán cả răng, tóc để chu cấp tiền cho con và hồi kết đau đớn của người đàn bà khốn khổ - Ảnh 3.

Và cứ như vậy, một giờ học đạo đức nhờ kết hợp với một tác phẩm kinh điển đã thành công ngoài sự mong đợi. 

Cũng từ giờ học hôm ấy, tôi thấm thía được một triết lý sâu sắc rằng: Bất kể ở thời đại nào, những tác phẩm kinh điển, những câu chuyện ý nghĩa luôn đủ sức làm rung động trái tim của con người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại