Ngày 22/10, ông Vương Kỳ Sơn trên cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc đã bắt đầu chuyến công du bốn nước Trung Đông gồm Palestine, Israel, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất UAE.
Đặc biệt, ông còn xuất hiện với tư cách là Chủ tịch phái đoàn Trung Quốc tham dự Ủy ban hợp tác sáng tạo chung Trung Quốc - Israel. Chức danh mới này cho thấy vai trò điều hành quan trọng của ông về lĩnh vực ngoại giao của Trung Quốc.
So với thời gian công tác tại Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương CCDI, dấu ấn của ông trong thời kỳ đầu trở lại chính trường Trung Quốc sau Đại hội 19 (tháng 10/2017) có phần nhạt nhòa, thậm chí có ý kiến cho rằng, ông dường như đã "ở ẩn" bởi Phó Chủ tịch nước chỉ là chức danh mang tính tượng trưng tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, suy đoán này có lẽ không đúng ở trường hợp của ông Vương Kỳ Sơn. Bởi dù là trưởng đoàn đám phán Trung Quốc hội kiến các quan chức thuộc lĩnh vực tài chính Mỹ hồi tháng 9 vừa qua hay dẫn đầu phái đoàn quan chức cấp cao Trung Quốc thăm Trung Đông lần này đều phản ánh vai trò quan trọng của ông trên mặt trận ngoại giao của Bắc Kinh.
"Phó Chủ tịch thực quyền nhất"
Ông Vương Kỳ Sơn là Phó Chủ tịch TQ quyền lực nhất hiện nay khi dẫn đầu đoàn đại biểu TQ công du 4 nước Trung Đông. Ảnh: Reuters
Xét về chiến lược địa chính trị, Trung Đông là vùng đất tiếp giáp ba châu lục lớn Á-Phi-Âu, kiểm soát điểm xung yếu về giao thông giữa bán cầu Đông và bán cầu Tây, chiếm một vị trí quan trọng lâu dài trong cục diện chiến lược địa chính trị thế giới.
Những năm gần đây, kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng, sức ảnh hưởng quốc tế ngày càng được nâng cao, lợi ích hải ngoại của Trung Quốc mở rộng đến Tây Á, thậm chí cả Bắc Phi, tầm quan trọng của khu vực Trung Đông trong chiến lược láng giềng của Trung Quốc dần tăng lên.
Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất - nơi ông Vương Kỳ Sơn tới thăm lần này quốc gia Trung Đông duy nhất mà Chủ tịch Tập Cận Bình công du đầu tiên (tháng 7/2018) kể từ sau khi tái đắc cử, cũng là quốc gia mà nguyên thủ Trung Quốc tới thăm lần đầu trong vòng 29 năm qua.
Sau ba tháng, đại diện đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc lại quay trở lại UAE điều này cho thấy, Bắc Kinh rất coi trọng các quốc gia Trung Đông.
UAE nằm ở cửa ngõ phía Đông của Trung Đông, cũng là điểm giao nhau quan trọng của các tuyến đường biển, đường bộ và đường hàng không - khi Trung Quốc muốn thâm nhập vào châu Âu hay châu Phi. Ngoài ra, UAE tiếp giáp với Ả rập Saudi, đối diện Iran qua vịnh Ba Tư và Iraq muốn ra khỏi vịnh Ba Tư cũng phải đi qua UAE.
Nếu có thể đưa UAE trở thành điểm tựa ở khu vực vịnh Ba Tư, Trung Quốc có thể kết nối các quốc gia Vùng Vịnh với hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan và Iran. Đây là chiến lược vô cùng quan trọng về địa chính trị cũng như thương mại kinh tế.
Theo truyền thông Trung Quốc, trong thời gian ở thăm Israel, ông Vương Kỳ Sơn với danh nghĩa Chủ tịch đoàn Trung Quốc về Ủy ban hợp tác sáng tạo chung Trung Quốc - Israel đã tham dự hội nghị Ủy ban hợp tác sáng tạo chung Trung Quốc - Israel lần thứ 4.
Đáng chú ý, Chủ tịch đoàn Trung Quốc đầu tiên là bà Lưu Diên Đông - Phó Thủ tướng Quốc vụ viện bấy giờ nhưng nay được trao cho Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn, điều này rõ ràng cho thấy sự coi trọng tăng lên rõ rệt của Bắc Kinh đối với diễn đàn này.
Theo giới phân tích, nguyên nhân Trung Quốc chú trọng diễn đàn này là do thành tích về công nghệ vượt trội của Israel. Kể từ Đại hội 18 ĐCSTQ tới nay, Chủ tịch Tập Cận Bình thường nhiều lần công khai nhấn mạnh về sự đổi mới công nghệ. Đặc biệt sau khi chiến trương thương mại Trung-Mỹ bùng nổ, Bắc Kinh càng ý thức được tầm quan trọng về sự đổi mới công nghệ.
Còn Ai Cập lại là quốc gia quan trọng trong chiến lược Vành đai và con đường của Trung Quốc. Đây cũng là quốc gia Ả rập thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình từng đến nước này vào năm 2016.
Được biết, Ai Cập có thể chấp nhận nhiều dự án thuộc sáng kiến Vành đai và con đường bởi cơ sở hạ tầng ở nước này tương đối kém phát triển. Ai Cập đang rất cần vốn, công nghệ và trang thiết bị từ Trung Quốc.
Theo báo tiếng hoa Đa chiều, như vậy có thể thấy thông qua việc được cử đi công du Trung Đông, ông Vương Kỳ Sơn đã trở thành Phó Chủ tịch nước có thực quyền nhất cho đến nay kể từ khi nước Trung Quốc được thành lập (1949). Người tiền nhiệm của ông - cựu Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều chưa từng đến thăm Trung Đông trên cương vị này.
Và vai trò trong lĩnh vực ngoại giao
Phó Chủ tịch TQ Vương Kỳ Sơn trong chuyến thăm Palestine. Ảnh: Reuters
Trên thực tế, ngoài công du bốn nước Trung Đông, Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn chưa từng rời khỏi sân khấu ngoại giao của Bắc kinh, thậm chí ông còn đóng vai trò quan trọng như một nhà hoạch định và thực hiện chính sách.
Trước thềm Đại hội 19 ĐCSTQ (tháng 10/2017), đã có nhiều dự đoán về sự "đi hay ở" của ông Vương Kỳ Sơn. Đến khi ông đắc cử vị trí Phó Chủ tịch nước Trung Quốc, giới quan sát tiếp tục thắc mắc về vai trò và trách nhiệm của ông: Chịu trách nhiệm xử lý quan hệ Trung-Mỹ hay lĩnh vực khác?
Cho đến tháng 5 năm nay, khi ông tham dự phiên họp đầu tiên của Ban đối ngoại trung ương ĐCSTQ với vai trò Ủy viên Ban đối ngoại trung ương, giới phân tích mới chắc chắn rằng, Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn thực chất chưa bao giờ rời xa chính trường Trung Quốc dù ông không xuất hiện công khai ở nhiều hội nghị quốc tế.
Hồi tháng 8 vừa qua, trong cuộc gặp với nghị sĩ Nhật Bản Takeshi Noda, ông khẳng định, mâu thuẫn thương mại Trung-Mỹ không được coi là cuộc chiến thương mại. Ông còn tiết lộ, Bắc Kinh đang phân tích tình hình và bối cảnh nội bộ Mỹ để triển khai phương án đối phó.
Phát biểu này cho thấy, ông Vương Kỳ Sơn không hề sao nhãng sự quan tâm đối với mối quan hệ Trung-Mỹ, chỉ là ông sẽ căn cứ vào sự thay đổi của tình hình và dựa vào quyền lực của bản thân để phát huy tầm quan trọng một cách thích hợp nhất.
Cách đây không lâu vào tháng 9, thể hiện của ông trong cuộc đàm phán với đội ngũ đại diện tài chính Mỹ càng cho thấy, ông không rời bỏ "sân chơi" trong quan hệ Trung-Mỹ.
Tất nhiên, trong các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc hiện nay, ngoài quan hệ Trung-Mỹ, ông Vương cũng có tầm ảnh hưởng nhất định đối với những mối quan hệ ngoại giao khác của Trung Quốc.
Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ông Vương Kỳ Sơn tuy không phải là người chịu trách nhiệm về quan hệ Trung-Mỹ nhưng ông là nhân vật quan trọng đứng sau hậu trường, lên chính sách về quan hệ này.
Tuy vai trò của ông trên cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc không nổi bật như khi đứng đầu CCDI nhưng vai trò của ông trong ngành ngoại giao Trung Quốc lại rất quan trọng. Bởi sau chiến dịch chống tham nhũng thì ngoại giao Trung Quốc đã trở thành chiến trường thứ hai của ông và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nếu coi sự triển khai các chính sách trên toàn cầu của ông Tập như một bàn cờ thì chúng ta có thể nhận ra một thế trận rõ ràng. Vành đai và con đường là cốt lõi của thế trận này. 2000 năm trước, con đường tơ lụa của Trung Quốc đã nối liền địa lục Á Âu, trở thành tuyến đường quan trọng của sự trao đổi văn hóa Đông Tây.
Như hiện nay, ông Tập cũng kỳ vọng Trung Quốc trở thành đối tượng trung tâm nối liền Á Âu dựa trên sáng kiến Vành đai và con đường.
Trong khi đó, ông Vương Kỳ Sơn chính là đại diện của nhà lãnh đạo Trung Quốc và chuyến công du Trung Đông lần nữa khẳng định, ông không chỉ là Phó chủ tịch nước tượng trưng, Đa chiều bình luận.