Quyết tâm làm giàu của cậu bé từng phải nhịn đói vì nhà nghèo, không có cơm ăn
Nửa đầu cuộc đời của Pan Jibiao có thể nói là một hình mẫu truyền cảm hứng tiêu biểu về tinh thần hiếu học, vượt khó mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng được nghe trên ti vi, đọc trên báo đài.
Pan Jibiao sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ tại tỉnh Hồ Nam vào năm 1973. Từ nhỏ, gia đình Pan Jibiao đã rất nghèo khó. Trong suốt những năm tháng tuổi thơ, Pan Jibiao chưa từng có ký ức về việc được mặc một bộ quần áo mới, giày dép, balo hay những món đồ chơi đều là thứ quá xa xỉ. Điều duy nhất mà Pan Jibiao nhớ được chỉ là cảm giác đói. Nay cơm chan nước lọc, hôm nào có cơm độn khoai lang hay khoai tây, đó đã được coi là một bữa ăn hơn hẳn ngày thường.
Tuy nhiên, bố mẹ Pan Jibiao là những người có tư duy tân tiến, dù cuộc sống khó khăn đến đâu, họ cũng cố gắng cho con đi học bằng mọi giá. Pan Jibiao cũng là đứa trẻ rất biết thương bố mẹ. Từ lớp 1 tới lớp 12, không có năm nào, Pan Jibiao để vuột mất danh hiệu học sinh xuất sắc. Tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Pan Jibiao không chỉ thi đỗ vào Đại học Trung Nam, mà còn thành công xin được học bổng cho cả 4 năm chinh chiến lấy bằng cử nhân.
Tốt nghiệp Đại học Trung Nam, Pan Jibiao không dừng lại chặng đường đèn sách mà tiếp tục ghi danh vào chương trình đào tạo Thạc sĩ Luật kinh tế tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp Luật.
Cầm trong tay tấm bằng Thạc sĩ, Pan Jibiao tràn đầy tự tin, nhiệt huyết và hứng khởi vào tương lai phía trước của mình, cũng không mất nhiều thời gian để Pan Jibiao tìm được một công việc hành chính với mức thu nhập đủ để trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, vì xuất thân nghèo khó nên Pan Jibiao không hài lòng với việc “chỉ đủ sống”. Anh muốn báo hiếu cha mẹ, muốn cha mẹ được sống trong nhà cao cửa rộng và vi vu ngắm nhìn thế giới tươi đẹp, thay vì cả đời chỉ chôn chân ở vùng quê hẻo lánh.
Với suy nghĩ ấy, Pan Jibiao nhanh chóng nhận ra nếu cứ đi làm công ăn lương, thì cả đời sẽ chẳng thể giàu nổi. Chỉ người vốn đã có nền tảng tài chính tốt mới hài lòng với việc đủ sống, còn những đứa trẻ lớn lên từ nghèo khó như Pan Jibiao, bản thân mình đủ sống chưa bao giờ là chuyện đáng tự hào.
Một nước đi sai dẫn tới kết cục bi thảm, quá khứ thành công vang dội cũng không cứu vãn nổi
Khát khao làm giàu chưa bao giờ là điều sai trái, cái sai nếu có, chỉ có thể là vì lòng tham mà bất chấp bỏ qua mọi vấn đề về đạo đức. Tiếc thay, Pan Jibiao lại là một trong số những người ôm mộng làm giàu với tư duy sai lệch như vậy.
Những thập niên đầu tiên của năm 2000 được coi là khoảng thời gian “đẹp tựa như mơ” của thế hệ thanh niên trẻ khởi nghiệp ở Trung Quốc. Có rất nhiều người bắt đầu kinh doanh và kiếm được hàng chục tỷ trong khoảng thời này. Thành công của những người đi trước càng củng cố suy nghĩ trong đầu Pan Jibiao, rằng kinh doanh không có gì cao siêu ngoài việc cung cấp dịch vụ có 1-0-2 và thu phí với mức giá cũng… có 1-0-2.
Với lối tư duy ấy, Pan Jibiao quyết định hợp tác cùng 4 người khác, thành lập một công ty bảo lãnh tín dụng tài chính ở tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc).
Với tư duy nhạy bén cùng khối kiến thức về Kinh tế và Luật đã trau dồi từ trước, công ty của Pan Jibiao nhanh chóng tìm được chỗ đứng trong lĩnh vực tài chính. Từ một đứa trẻ không biết bộ quần áo mới có mùi thế nào, hàng ngày phải ăn cơm chan nước lọc, Pan Jibiao đã trở thành tỷ phú.
Năm 2010, Pan Jibiao trở về quê hương Hồ Nam và quyên góp hơn 3 triệu NDT (10,6 tỷ đồng) cho người nghèo địa phương. Cùng trong năm đó, Pan Jibiao được trao tặng danh hiệu cao quý “Doanh nhân tư nhân xuất sắc của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, tất cả những thành tựu ấy vẫn chưa khiến Pan Jibiao hài lòng. Để đưa sự nghiệp của mình lên một tầm cao hơn, Pan Jibiao đã thành lập "Tập đoàn đầu tư Shanda Golden Jubilee". Pan Jibiao tuyên bố rằng tập đoàn có thể thu được lợi nhuận cao với chi phí đầu vào cực thấp, đảm bảo lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu tư.
Việc kêu gọi đầu tư cho tập đoàn mới thành lập diễn ra khá thuận lợi, một phần vì mọi người đều tin tưởng vào những danh hiệu mà Pan Jibiao đã từng đạt được, cũng như các hoạt động thiện nguyện của ông.
Tuy nhiên trên thực tế, việc kêu gọi đầu tư này chỉ là vỏ bọc của hành vi gây quỹ trái phép mà Pan Jibiao đã cố tình lách luật để thực hiện.
Mặc dù tập đoàn Shanda của Pan Jibiao hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính nhưng Pan Jibiao đã không xin giấy phép kinh doanh, cũng không thực hiện đủ việc đăng ký các hồ sơ tài chính tương ứng. Chính vì vậy, hành vi kêu gọi đầu tư của ông thực chất chính là hành vi lừa đảo.
Nhưng vì hình ảnh "doanh nhân thành đạt" mà Pan Jibiao xây dựng trước đó đã quá thành công, nên chẳng ai mảy may nghi ngờ rằng ông đang lừa đảo. Hàng ngàn nhà đầu tư đã giao toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời của mình cho Pan Jibiao với niềm tin “ông ấy sẽ giúp mình trở nên giàu có”.
Pan Jibiao đã bỏ túi gần 20 tỷ USD trước khi thực hiện kế hoạch tẩu thoát. Vào tháng 11 năm 2022, Pan Jibiao đưa ra một thông báo có tiêu đề "Chúng tôi đang bỏ chạy" trên website của công ty. Trong thông báo, ông “hiên ngang” thừa nhận bản thân đã bỏ trốn ra nước ngoài cùng với số tiền của các nhà đầu tư. Đến tận lúc ấy, mọi người mới ngớ người nhận ra không có khoản đầu tư lãi suất cao nào cả, mọi thứ chỉ là chiêu trò của một doanh nhân lừa đảo.
Tuy nhiên, luật nhân quả không chừa một ai. Sau một cuộc truy lùng gắt gao của cảnh sát, Pan Jibiao cuối cùng cũng lộ rõ bộ mặt thật của mình. “Chạy trốn ra nước ngoài” chỉ là một thủ đoạn đánh lạc hướng cảnh sát của Pan Jibiao. Nơi ẩn náu thực sự của ông là ở quê hương Hồ Nam.
Cuối cùng, sau một tháng trốn chui trốn lủi, Pan Jibiao đã bị cảnh sát bắt giữ và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tòa tuyên bố Pan Jibiao phải nhận án tù chung thân vì tội lừa đảo gây quỹ, đồng thời, tịch thu toàn bộ tài sản của ông.
Từ một cậu bé nghèo chăm chỉ học hành, tới doanh nhân đóng góp hơn 10 tỷ cho quê hương, cuối cùng, Pan Jibiao lại chỉ có thể “tận hưởng” cuộc sống trong phòng giam suốt phần đời còn lại! Thật bi thảm, nhưng cũng thật xứng đáng!