Sau vụ việc hơn 400 học sinh tiểu học tại Hậu Giang phải cấp cứu sau khi uống sữa pha sẵn, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ra nguy cơ ngộ độc cấp từ sữa pha sẵn.
Nguyên nhân có thể do dụng cụ chứa đựng sữa (bình, chai, lọ…), dụng cụ pha sữa không đảm bảo bị nhiễm vi sinh vật.
Nguồn nước dùng để pha sữa nếu không phải là nước sạch hoặc nhiễm vi sinh vật cũng có thể gây ngộ độc. Thậm chí, bàn tay của người pha sữa có nhiễm vi khuẩn cũng khiến người uống gặp nguy hiểm.
Ngoài ra, việc bảo quản không đúng cách sữa bột sau khi mở nắp cũng có thể khiến vi sinh vật trong không khí xâm nhập vào bên trong và gây ngộ độc cấp khi sử dụng.
Bệnh nhân khi bị ngộ độc cấp thường có những triệu chứng điển hình như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Sữa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi hết hạn hoặc bị hỏng. Khi đó, các thành phần trong sữa biến đổi thành các chất nguy hiểm.
Đặc biệt, nếu bảo quản ở nơi điều kiện không đảm bảo, sữa chưa hết hạn vẫn có thể hỏng và gây ngộ độc cho người sử dụng.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người lớn cần rửa tay sạch trước khi pha sữa, tiệt trùng dụng cụ pha sữa bằng nước sôi, nên cho trẻ uống sữa ngay sau khi pha, lượng sữa dư nên đỏ bỏ, không pha chung hai loại sữa với nhau vì có thể gây ra sự tương tác giữa các loại sữa, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ; sau khi mở nắp lấy sữa cần phải đóng kín để tránh hấp thu độ ẩm từ môi trường bên ngoài.
Hộp sữa nên để ở nơi thoáng mát, không bảo quản trong tủ lạnh làm tăng nguy cơ nhiễm chéo vi khuẩn từ các thực phẩm khác trong tủ. Sữa sau khi mở nắp chỉ nên dùng trong thời gian từ 15-30 ngày. Khi thấy sữa có dấu hiệu bất thường thì cả người lớn và trẻ em đều không nên uống để tránh nguy cơ ngộ độc.