Hai đối tượng cầm đầu trong đường đây mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Mới đây, Công an tỉnh Nam Định đã bắt giữ Bùi Thị Hiền (33 tuổi, trú tại số nhà 63 Nguyễn Khánh Toàn, phường Lộc Hòa, TP Nam Định) và Khổng Thị Lan (34 tuổi, quê xã Văn Lãng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) – là 2 đối tượng cầm đầu đường dây đẻ thuê – để điều tra hành vi "tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại".
Lúc bị bắt, Hiền và Lan đang nuôi, chăm sóc 9 người phụ nữ đẻ thuê, trong đó có 3 người đang mang thai từ 12 đến 16 tuần tuổi. Qua điều tra, cơ quan chức năng đã xác định quy trình điều hành đường dây phạm tội của nhóm người này.
Đạt được thỏa thuận, Hiền đưa những phụ nữ đẻ thuê tới các bệnh viện dưới "vỏ bọc" mẹ đơn thân đi xin phôi để sinh con. Sau khi thực hiện các bước, cấy phôi thành công, Hiền đưa những phụ nữ đẻ thuê về sống, chăm sóc tại nhà mình ở tổ 29, phố Thành Nam, phường Trần Tế Xương, TP Nam Định.
Khổng Thị Lan được Hiền thuê làm nhiệm vụ lên mạng xã hội, truy cập vào các hội nhóm liên quan đến việc mang thai hộ để tìm những cô gái trẻ muốn kiếm tiền bằng nghề đẻ thuê. Tìm được một người đồng ý mang thai hộ, Hiền sẽ trả cho Lan 10 triệu đồng. Sau đó, Lan "kiêm" thêm việc chăm sóc những cô gái đẻ thuê và được Hiền trả thù lao thêm 10 triệu đồng.
Chia sẻ với PV về vụ việc này, luật sư Phạm Thu Hà (VPLS Trung Hòa, Hà Nội) cho biết: “Sự phát triển của y học đã đóng góp rất nhiều vào việc khám chữa bệnh và thực hiện nhiều mục đích nhân đạo. Một trong những sự phát triển của nền y học là việc mang thai hộ, giúp đỡ những cặp vợ chồng, gia đình gặp khó khăn trong vấn đề hiếm muộn.
Tuy nhiên, phải khẳng định một lần nữa rằng, việc mang thai hộ là vì mục đích nhân đạo, không phải mục đích thương mại, kiếm lời thì mới không vi phạm pháp luật.
Còn tất cả các hành vi lợi dụng việc mang thai hộ nhằm mục đích thương mại đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về việc cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ.
Tiếp đến là trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng và đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ: Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: đối với 02 người trở lên và phạm tội 02 lần trở lên, lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức, tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
“Theo những quy định này thì những người tổ chức mang thai hộ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh "mang thai hộ". Những người thực hiện mang thai hộ và người có nhu cầu mang thai hộ không phải chủ thể của tội này.
Vụ việc này hiện tại xác định có 02 người thực hiện. Do đó, có căn cứ để xác định đồng phạm trong vụ việc. Tùy vào tính chất và vai trò của 02 nghi phạm, khi tiến hành tố tụng sẽ xem xét áp dụng hình phạt phù hợp.
Người mang thai hộ vì mục đích thương mại thì có thể bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Nghị định 82 ngày 15/7/2020 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự...
Những người nhờ mang thai hộ cũng phải chịu chế tài xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Nghị định 82 ngày 15/7/2020, mức phạt là từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Việc mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ dẫn đến rất nhiều rủi ro như tranh chấp quyền nuôi con, tranh chấp về tài sản thừa kế và những vấn đề khác liên quan. Hoặc cũng đã có rất nhiều trường hợp người nhờ mang thai hộ không nhận con thì người mang thai hộ phải nuôi đứa trẻ khi mà kinh tế thường là những người khó khăn nên mới nhận mang thai hộ”, luật sư Thu Hà phân tích.