Đừng chủ quan với bệnh viêm đường hô hấp
Bệnh viêm đường hô hấp là căn bệnh rất phổ biến và thường gặp. Đặc biệt, ở nước ta – nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, thời tiết hay thay đổi, kèm theo ô nhiễm môi trường do sự phát triển công nghiệp, dẫn tới tỷ lệ mắc bệnh lý đường hô hấp ngày càng tăng.
Theo Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em, bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi năm, mỗi trẻ mắc từ 5 đến 7 lần nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Đáng nói, nhiễm khuẩn hô hấp có tỉ lệ mắc và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi cao nhất trong các bệnh lý ở trẻ em Việt Nam.
PGS.TS Vũ Văn Giáp - Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam; Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết, mặc dù chưa có nghiên cứu thống kê trên người lớn nhưng số người đến khám và điều trị các bệnh hô hấp tại Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận tăng cao, nhất là vào thời điểm giao mùa.
Trong đó có 2 nhóm đối tượng là đối với những người chưa bị bệnh hô hấp, đây là thời điểm dễ nhiễm bệnh nhất vì đường hô hấp của con người mở, tiếp xúc trực tiếp với không khí bên ngoài, nên mỗi thay đổi về độ ẩm, nhiệt độ, môi trường đều ảnh hưởng trực tiếp tới hệ hô hấp.
Nếu người có sức đề kháng tốt sẽ vượt qua được quá trình thay đổi này và không mắc bệnh. Nhóm thứ hai dễ bị ảnh hưởng hơn, đó là những người có sẵn các bệnh hô hấp mạn tính hoặc đã từng mắc bệnh viêm đường hô hấp.
PGS Giáp lưu ý, ở nhóm đối tượng này, nếu gặp điều kiện thuận lợi bệnh sẽ “bùng phát”, ví dụ như ở những người vị viêm phế quản mạn tính, khi thay đổi thời tiết, phản ứng của đường thở tăng lên khiến người bệnh dễ bị mắc bệnh hô hấp mới hoặc làm nặng thêm bệnh sẵn có.
Đơn cử như ở bệnh nhân mắc bệnh hen, khi thay đổi thời tiết có thể làm bệnh hen phế quản bội nhiễm hoặc bệnh nhân bị nhiễm trùng hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính….
Tuy nhiên với bất cứ triệu chứng nào ở đường hô hấp như ho, có đờm, sốt… người dân cần đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân, điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao cho người bệnh.
Tuân thủ việc điều trị, khả năng tái phát rất thấp
Có một số bệnh hô hấp mặc dù đơn giản nhưng hiện nay việc điều trị không dễ, do tình trạng lạm dụng thuốc, sử dụng kháng sinh bừa bãi của người dân dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
Đơn cử như bệnh viêm phổi do phế cầu, nhiều trường hợp nhập viện phải điều trị dài ngày, bệnh chuyển biến nặng, thậm chí có trường hợp tử vong, đó là do bệnh nhân bị kháng thuốc, dẫn đến việc điều trị không hiệu quả, dẫn tới các biến chứng.
PGS Giáp khẳng định, phế cầu là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi mắc phải ở cộng đồng, tuy nhiên đa phần việc điều trị cho bệnh nhân đơn giản, nếu đúng phác đồ và đủ liệu trình ngay từ đầu.
Tuy nhiên nếu không điều trị đúng, đặc biệt là chủng vi khuẩn kháng thuốc việc điều trị gặp nhiều khó khăn, kéo dài, nhất là trên những người có sẵn bệnh nền, người có hệ miễn dịch kém…
Nguy hiểm hơn là nếu gặp phải chủng phế cầu kháng thuốc rất khó kiểm soát tình trạng nhiễm trùng và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
PGS.Ts.Nguyễn Thị Diệu Thúy Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội, Phó Trưởng Khoa Miễn dịch dị ứng, BV Nhi Trung ương cho biết, một khi bệnh nhi viêm phổi do phế cầu mà sử dụng kháng sinh không đáp ứng sẽ gây ra những biến chứng như tràn dịch tràn khí màng phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não mủ do phế cầu... , đây là nguyên nhân gây tử vong ở nhiều bệnh nhi.
Nên vấn đề lạm dụng kháng sinh hiện nay trở nên đáng báo động. Người dân cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ, PGS Thúy khuyên, không phải trường hợp nào cũng dùng kháng sinh, khi muốn dùng kháng sinh thì không có hiệu quả nữa.
Nếu đã điều trị đúng và đủ phác đồ, không tiếp xúc trở lại với nguồn lây bệnh viêm đường hô hấp thì khả năng tái phát bệnh là rất thấp. Nên những người bị bệnh cúm nên tránh tiếp xúc ở nơi đông người, tốt nhất nên nghỉ làm nghỉ học để tránh lây bệnh cho người khác, PGS Giáp khuyên.
Để bảo vệ sức khỏe, tránh lây bệnh viêm đường hô hấp trong cộng đồng, người dân cần có ý thức tự phòng bệnh. PGS Giáp khuyến cáo, những người tử 60 tuổi trở, nhất là những người có bệnh mạn tính cần đi tiêm vaccine phòng cúm và phòng phế cầu.
Nếu không may mắc bệnh, bệnh sẽ không diễn tiến nặng hơn. Một số nhóm đối tượng cũng được khuyến cáo tiêm vaccine như những người hay mắc bệnh cúm, người thường xuyên tiếp xúc với môi trường có nguy cơ cao như các nhân viên y tế.