Trước những sự quan tâm về vấn đề ung thư và những lo lắng về thực phẩm bẩn trong xã hội hiện nay, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hoá học - Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN) về một số vấn đề liên quan.
Họa ung thư không chỉ vào từ miệng
PV: Hiện nay, mọi người đều sợ ung thư và các cụ ta vẫn có câu: "Hoạ từ miệng mà vào". Ông có thể nói gì về mối quan hệ giữa ung thư và vấn đề thực phẩm bẩn đang làm nóng xã hội hiện nay?
PGS, TS Trần Hồng Côn: Từ trước đến nay căn bệnh ung thư đã có nhưng việc phát hiện không được thực hiện tốt như bây giờ và không có thống kê số lượng người chết do ung thư như thế nào. Vì thế cũng khó có thể khẳng định số người chết do ung thư hiện nay nhiều hơn hay ít hơn ngày trước.
Nhưng có điều chắc chắn chúng ta có thể biết là mọi thứ xung quanh ta, kể cả những thứ chúng ta ăn, uống, hít thở đều bị ô nhiễm hơn trước rất nhiều. Và hiện nay, hoạ (ung thư) không chỉ từ miệng vào mà còn có thể qua da, qua đường hô hấp...
Một trong những nguyên nhân của việc này chính là do nền công nghiệp phát triển, do nhu cầu của con người về tiện nghi và mức sống cao hơn. Đồng hành cùng với đó là việc thải ra những chất nhân tạo, những chất thải không có trong môi trường tự nhiên.
Và những thứ không có trong tự nhiên khi xâm nhập vào cơ thể con người thì buộc cơ thể con người phải thích ứng. Nhưng quá trình thích hợp này có khi phải mất hàng chục, hàng trăm năm thậm chí hàng nghìn năm chứ không chỉ trong thời gian ngắn.
Khi cơ thể chưa thích nghi được thì cơ thể phải chống chọi lại với những thứ đó, khả năng biến đổi gen gây ung thư rất lớn.
Hiện nay khoa học đã chỉ ra rất nhiều thứ có khả năng gây ung thư nên việc tránh và phòng ung thư rất khó. Cho đến bây giờ mới có một giải pháp gọi là phát hiện sớm để điều trị chứ chưa có cách phòng tránh bài bản.
Bây giờ, khi các nhà khoa học phát hiện ra một chất có khả năng gây ung thư thì lại đi kèm với một khuyến cáo là tránh xa hoặc không nên dùng thực phẩm có chứa chất có khả năng gây ung thư đó. Vì thế, nếu nhìn lại có thể thấy hầu hết chúng ta đều phải tránh.
Ví dụ như đồ nướng hun khói thì không nên ăn vì những thứ đó có thể có những sản phẩm hữu cơ chưa cháy hết có chứa các vòng benzen có nguy cơ gây ra biến đổi gen, gây ra ung thư...
Nhưng nếu chúng ta làm theo tất cả những khuyến cáo đó thì chúng ta chẳng có gì để mà ăn. Và chúng ta cũng không thể trở với những thứ tinh khôi của tự nhiên vì như cầu phát triển của nhân loại là tất yếu. Và nhân loại phải trả giá cho nhu cầu của mình bằng việc thải ra tự nhiên những chất không có sẵn. Những chất không có sẵn đó lại tác động trở lại con người.
Nếu vị ngã của chúng ta giảm đi một chút thì ta biết làm đến đâu, phải xử lý ô nhiễm môi trường đến đó. Cái này chúng ta có thể làm được.
Nhưng việc xử lý môi trường cho đến bây giờ vẫn là vấn đề nóng muôn thuở bởi nhu cầu của con người luôn cao hơn so với những gì chúng ta có thể làm để khắc phục ô nhiễm cho môi trường.
PV: Hiện nay, trước số người bị ung thư khá nhiều, đã có người nói rằng gia đình nào ở VN cũng có người bị ung thư. Giáo sư thấy nhận định này thế nào?
PGS, TS Trần Hồng Côn: Nhận định như vậy thì hơi quá. Ngoài yếu tố di truyền rất khó thể hiện ở các thế hệ sau do không kết hôn cận huyết, chủ yếu ung thư đến từ môi trường trong đó có thức ăn. Chính vì vậy mà có những vùng ung thư, làng ung thư. Còn dòng họ, gia đình, vì một lý do nào đó ngẫu nhiên thì có hiện tượng có nhiều người mắc ung thư thôi.
PV: Quay trở lại vấn đề thực phẩm bẩn hiện nay, trong một lần trả lời báo giới gần đây, GS Nguyễn Lân Dũng đã từng đưa ra nhận xét: "Đối với việc đất bị ô nhiễm, nước bị ô nhiễm và không khí bị ô nhiễm thì không thể có rau sạch". Ông đánh giá nhận định này như thế nào?
PGS, TS Trần Hồng Côn: Nhận định đó hoàn toàn đúng bởi cây rau muốn phát triển được thì nó cần nước, khoáng chất trong đất, khí cacbonic trong không khí. Nếu cả 3 thứ đó ô nhiễm thì đương nhiên không có rau sạch.
Nhưng chúng ta có thể hạn chế đến một mức nào đó thì chúng ta vẫn có rau sạch. Ví dụ: Dù không khí bẩn (có những khí độc hại khiến cây rau chậm hoặc không phát triển hoặc gây bệnh cho cây rau), đất có kim loại nặng (một số kim loại gần giống kim loại mà cây rau cần để tạo ra tế bào) nhưng cây rau sẽ chọn lọc chứ không phải hấp thu hoàn toàn.
Đó là một đặc điểm của chuỗi thức ăn. Các mắt xích phía sau của chuỗi thức ăn sẽ hấp thu ít chất độc hơn so với những mắt xích trước đó.
Có điều muốn có rau sạch thì không phải chúng ta cứ trồng mà không phun thuốc sâu, không bón phân hữu cơ là có rau sạch. Vấn đề là chúng ta phải có đất, phân phải đạt tiêu chuẩn về kim loại nặng. Đến khi cây sử dụng đất ấy, phân ấy thì hàm lượng kim loại nặng sẽ dưới mức cho phép...
"Chống thực phẩm bẩn là cuộc chiến dài hơi"
Nhiều gia đình ở thành phố tự trồng rau trên sân thượng để có nguồn thực phẩm sạch cho gia đình (Ảnh minh họa: Internet)
PV: Thưa giáo sư, vấn đề thực phẩm hiện nay đã được cả xã hội chú ý. Với những người tiêu dùng, thực phẩm bẩn chính là kẻ thù. Để cuộc chiến chống thực phẩm bẩn có hiệu quả thì chúng ta phải chú ý đến điều gì?
PGS, TS Trần Hồng Côn: Để có thực phẩm sạch thì phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên phải là người sản xuất, sau đó là những khâu bảo quản, vận chuyển, kinh doanh.
Tất cả những yếu tố này, nếu có một khâu nào đó việc đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn của người tiêu dùng đều có thể dẫn đến tình trạng thực phẩm bị bẩn.
Vấn đề thực phẩm bẩn hiện nay đang khiến dư luận quan tâm đặc biệt bởi dù nhà nào dù chưa có điều kiện để mua toàn bộ thực phẩm cho gia đình mình ở các cửa hàng thực phẩm sạch thì khi nhà có con nhỏ cũng đều cố gắng để có nguồn thực phẩm sạch.
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà một số người dân đã mất niềm tin vào thực phẩm ở chợ nên họ phải tự cứu mình bằng cách nhờ mua thực phẩm sạch ở quê, hoặc tự trồng rau. Nhiều nhà ở Hà Nội cũng đã cố gắng có những thùng đất để trồng rau ở ban công hoặc tầng thượng.
Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn là cuộc chiến dài hơi. Dù chúng ta đã vào cuộc nhưng kết thúc sớm hay muộn thì việc này là của cả xã hội chứ không chỉ một ai có thể làm.
PV: Giáo sư có thể chia sẻ kinh nghiệm chọn rau sạch của mình?
PGS, TS Trần Hồng Côn: Trước khi cuộc chiến có dấu hiệu kết thúc thì chúng ta cũng phải tự giúp mình. Tôi chỉ có một lời khuyên đối với những người tiêu dùng, đó là: Hãy chọn thực phẩm rõ nguồn gốc. Đây là một trong những việc quan trọng nhất để có thể có thực phẩm an toàn để sử dụng.
Ngoài ra, sau khi mua rau về nhà thì tôi rửa bằng nước sạch ít nhất 3 lần và ngâm trong nước sạch (không cho muối) hoặc rửa bằng xà phòng dầu dừa (tức là muối Natri của dầu dừa, có thể rửa sạch tương đối rau, quả tức là có thể rửa hết những loại thuốc sâu bám trên bề mặt).
Còn rau quả mà có thuốc sâu - loại thuốc sâu tác dụng lên sâu bệnh theo cơ chế nội hấp (thuốc sâu ngấm vào rau quả, con sâu ăn rau quả đó sẽ chết) thì buộc phải có thời gian cách ly chứ không có cách nào để rửa sạch.
Rau phun thuốc sâu có là rau an toàn?
PV: Nhiều người hiện nay thường nghĩ rau không phun thuốc trừ sâu là rau sạch, rau phun thuốc sâu là rau bẩn. Suy nghĩ này đúng hay sai thưa giáo sư?
PGS, TS Trần Hồng Côn: Không đúng. Ngoài những yếu tố khác như môi trường sạch chúng ta tạm không bàn đến, nếu phun thuốc trừ sâu đúng chủng loại, được phép sử dụng, đủ thời gian cách ly thì rau đó an toàn.
Còn nếu không đúng thuốc, thuốc không được phép sử dụng hoặc không đủ thời gian cách ly thì đó là rau không an toàn. Ngay cả tôm cá được nuôi cũng như vậy. Nếu chúng ta đưa thuốc diệt nấm hay thuốc khác xuống hồ ao để trừ bệnh, đủ thời gian cách ly thì tôm cá đó cũng được coi là sạch.
PV: Người nông dân hay mắc sai lầm "chết người" nào trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thưa ông?
PGS, TS Trần Hồng Côn: Sử dụng cần đúng thuốc, tránh những thuốc không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục.
Những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục thường là những thứ thuốc kịch độc, phun lên thì sâu chết ngay lập tức. Nhưng người dân lại thích loại này vì có thể một phần do tâm lý của họ và cũng có thể trước đây họ đã mua phải thuốc giả, sâu bệnh không chết nên họ muốn thấy hiệu quả ngay.
Hiện nay, có những loại thuốc trừ sâu khi mới phun thì sâu bệnh không chết luôn nhưng một vài ngày sau thì chết hoàn toàn. Những loại thuốc này cần thời gian để phát huy tác dụng. Ví dụ như có một số loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ một chủng nấm nào đó. Khi phun lên thì nấm sẽ phát triển trên con sâu khiến con sâu bị chết. Do đó, những loại thuốc này cần thời gian.
Và khi đủ thời gian cách ly thì rau quả được phun hoàn toàn an toàn.
PV: Giáo sư có lời khuyên nào đối với các bà nội trợ trong việc mua rau hàng ngày?
PGS, TS Trần Hồng Côn: Khi một chất độc vào trong cơ thể ta (trong mức cho phép) thì cơ thể sẽ có cơ chế đào thải. Tuy nhiên, nếu chúng ta tích một loại chất độc thường xuyên thì cơ thể chưa đủ thời gian đào thải lại phải tiếp nhận thêm nên dễ bị ung thư hơn.
Nhưng nếu thay vì một loại chất độc mà là nhiều loại chất độc khác nhau thì với các cơ chế thải độc khác nhau (có chất mất nhiều ngày để thải, có chất mất ít ngày để đào thải), các chất độc đó sẽ lần lượt bị đào thải.
Ví dụ nếu thích ăn rau cải, suốt ngay chỉ ăn một loại rau thì có khả năng ngày nào chúng ta cũng tích nạp thêm thuốc trừ sâu chuyên dùng cho rau cải. Khi đó cơ thể chúng ta thải độc rất khó.
Nhưng nếu chúng ta chọn các loại rau khác nhau thì cơ thể chúng ta cũng không tích luỹ quá nhiều một loại chất độc từ dư lượng thuốc trừ sâu. Và khi chọn nhiều loại rau thì cơ thể chúng ta cũng tiếp nhận được nhiều loại khoáng chất có ích hơn thay vì những loại trong một loại rau.
Xin cám ơn ông!
Sáng 28.12.2016, tại khách sạn Equatorial, TP.HCM, sẽ diễn ra Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng: THỰC PHẨM SẠCH DÀNH CHO AI? Diễn đàn có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia có uy tín: ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An ; ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT; - GS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp hàng đầu); - TS Trần Quang Trung (Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thực phẩm, Nguyên Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế); - Bà Vũ Kim Hạnh (Người sáng lập Hàng Việt Nam chất lượng cao); - Đại diện tập đoàn Nestle - tập đoàn theo đuổi triết lý phát triển bền vững, sản xuất thực phẩm an toàn và hỗ trợ nông dân Việt Nam; - Ông Nguyễn Lâm Viên, TGĐ Vinamit; - MC Phan Anh(đại diện người tiêu dùng); - Ông Vũ Thế Thành (Chuyên gia quản trị chất lượng); - TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam. Tất cả những thông tin hữu ích, lý thú tại diễn đàn sẽ được 80 - 100 cơ quan thông tấn báo chí đưa tin, phân tích, bình luận.
Cá nhân, doanh nghiệp muốn tham dự Diễn đàn có thể đăng ký TẠI ĐÂY