img
PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 1.
PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 2.

Bùi Ngọc Hải: Trong bài trả lời phỏng vấn về tỉ phú Phạm Nhật Vượng, ông có đề cập đến một cụm từ mới mẻ “doanh nhân dân tộc đích thực”. Rất nhiều năm, chúng ta vẫn thường kể cho nhau nghe chuyện cụ Bạch Thái Bưởi – vua tàu thủy Việt Nam - với triết lý kinh doanh “kiếm được 10 đồng thì chỉ giữ lại 7 để tái đầu tư, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức”; chuyện vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ hiến tới 5.147 lượng vàng cho cách mạng; chuyện vua sơn nước Việt Nam Nguyễn Sơn Hà cả đời cống hiến cho việc khai sáng dân trí, kháng chiến kiến quốc… Doanh nhân dân tộc đích thực thời 4.0 hôm nay, sẽ giống gì và phải khác gì những tấm gương đã truyền cảm hứng cho khát vọng thịnh vượng của dân tộc, thưa ông?

PGS. TS Trần Đình Thiên: Kinh doanh là để làm giàu, trước hết là làm giàu cho mình. Động cơ này mạnh đến mức dễ đẩy người ta đến việc dùng mọi thủ đoạn để kiếm tiền, kể cả việc giẫm đạp lên lợi ích của người nghèo, tận dụng khe hở cơ chế, chính sách, tạo lập liên minh lợi ích nhóm để trục lợi, đục khoét ngân khố quốc gia. 

Để trở thành doanh nhân dân tộc thì phải đủ bản lĩnh, đủ cam đảm và sự hiểu biết để vượt qua động cơ “ròng cá nhân” đó, biết đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của đồng bào, sự tự cường dân tộc, thành mục tiêu, động cơ chi phối việc làm giàu cá nhân. Đây thực sự là việc không dễ dàng, đặc biệt là trong điều kiện cơ chế, chính sách còn “tranh tối, tranh sáng”. 

Trước đây, trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhiều tấm gương doanh nhân dân tộc đặt mục tiêu làm giàu để có điều kiện góp tiền của cho cách mạng, giúp người nghèo, nuôi cán bộ, qua đó, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc, tháo bỏ gông xiềng áp bức cho đồng bào mình.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 3.

Ngày nay, trong bối cảnh cạnh tranh thị trường, toàn cầu hóa, công nghệ cao, mục tiêu của các doanh nhân dân tộc tuy không thay đổi bản chất nhưng có sự khác biệt căn bản về nội dung và cách thực hiện. 

Giờ đây, những mục tiêu như “Thương hiệu quốc gia”, “Năng lực cạnh tranh quốc gia”, “Sản phẩm Việt”, “Tập đoàn kinh tế Việt Nam”, “Doanh nhân Việt Nam”, “Tỷ phú Việt Nam”, v.v… trở thành đích hành động của các doanh nhân dân tộc Việt. 

Hợp những thành phần đó lại, hình thành chân dung nền kinh tế Việt hiện đại. Đây chính là những nội dung làm mới định nghĩa “doanh nhân dân tộc Việt Nam”. 

Tất nhiên, doanh nhân dân tộc vẫn phải là người không làm giàu bằng cách đục khoét ngân khố, trục lợi tài sản công. Ngược lại, họ vẫn phải mẫu mực đóng thuế, tôn trọng luật lệ, sẵn sàng giúp người nghèo. Nhưng hơn thế, họ còn phải là những người tiên phong đổi mới - sáng tạo, đi đầu trong cạnh tranh quốc tế, tạo thương hiệu quốc gia và danh tiếng quốc tế cho sản phẩm Việt, cho đất nước Việt Nam. Và bản thân họ phải trở thành niềm tự hào Việt Nam trên vũ đài quốc tế.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 4.

Bùi Ngọc Hải: Theo như ông nói, họ phải gánh trên vai sức nặng ngàn cân. Ai sẽ đồng hành và giúp đỡ họ? 

PGS. TS Trần Đình Thiên: Đúng vậy. Đó là một sứ mệnh. Trong điều kiện nền kinh tế còn ở thế “đi sau, tụt hậu”, những doanh nhân đó phải đương đầu với ít nhất ba thách thức lớn. Một là hệ thống cơ chế, chính sách, sau 30 năm đổi mới, vẫn còn tình trạng “tranh tối, tranh sáng”. Hai là cạnh tranh với các đối thủ quốc tế hùng mạnh gấp bội. Ba là phải vươn nhanh tới quản trị và công nghệ hiện đại. 

Đối mặt với những thách thức đó, nhiều doanh nhân Việt đang nỗ lực chứng minh năng lực “vượt trước” của “kẻ đi sau”. Để cất cánh, để Việt Nam cần có lực lượng doanh nhân hùng mạnh chứ không chỉ một vài tấm gương đơn lẻ. Và họ cần sự hậu thuẫn tích cực, đầy tinh thần dân tộc, của cả xã hội, của nhà nước Việt Nam.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 5.

Bùi Ngọc Hải: Trung Quốc vừa kỷ niệm 40 năm cải cách, mở cửa. Sau 40 năm ấy, họ đã có rất nhiều doanh nhân tầm cỡ toàn cầu: Jack Ma của Alibaba, Pony Mam của Tencent, Nhậm Chính Phi của Huawei, Robin Li của Baidu… Đã 32 năm kể từ khi chúng ta bắt đầu bước chuyển lịch sử: Đổi Mới và Cởi Trói (1986). Nếu được gọi tên những doanh nhân Việt Nam ấn tượng nhất trong vòng 32 năm trở lại đây, PGS, TS Trần Đình Thiên sẽ gọi những ai? Và ông thấy tiếc nuối, thấy ấn tượng về mỗi người đó ở những điểm gì? 

PGS. TS Trần Đình Thiên: Trong một hệ thống đang chuyển đổi, sự phán xét cá nhân luôn là điều khó khăn. Điều đó càng khó khăn hơn trong xã hội, nơi tính đố kỵ, xoi mói và sự kèn cựa vẫn là cách đo lường giá trị sống khá phổ biến. 

30 năm qua, đã xuất hiện nhiều doanh nhân xuất sắc. Khó mà kể hết tên họ ra đây. Đành phải chọn, có phần chủ quan, mấy người tiêu biểu, có những phẩm chất doanh nhân nổi bật hơn cả trong thời chuyển đổi - hội nhập đầy bão táp vừa qua. 

Tất cả họ đều có những phẩm chất và năng lực vượt trội, cơ bản giống nhau. Đó là khát vọng làm giàu mãnh liệt kết hợp với mong muốn cháy bỏng đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi thân phận nghèo hèn; là năng lực tiên phong - đột phá và khả năng tận dụng thời cơ, để khẳng định mình và góp phần định dạng tương lai đất nước. Dĩ nhiên là mỗi người một vẻ.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 6.

Họ là những ai? 

Là Phạm Nhật Vượng - Vingroup, người có tầm nhìn xa và năng lực tổ chức “cuộc chơi lớn” đầy sáng tạo. 

Là Thái Hương - TH, người phụ nữ can đảm, “cháy” lên từ đất. 

Là Trương Gia Bình của FPT, người tiên phong đi đầu công nghệ. 

Là Trần Bá Dương - Trường Hải, người chứng minh “không điều gì là không thể”. 

Là Đoàn Nguyên Đức, sáng lập Hoàng Anh Gia Lai, dấn thân và nghĩa khí. 

Là Nguyễn Thị Phương Thảo của VietJet, người biết cách tạo cơ hội bay cho tất cả.  

Nhưng bên cạnh những cá nhân – doanh nhân, đã nổi đình nổi đám, có một nhóm người tôi muốn nhấn mạnh nhưng lại không thể, chưa thể kể tên cụ thể. Đó là những bạn trẻ chưa thành danh nhưng đang “lập chí”, hiện đang dấn thân vào sự nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cần phải đặc biệt chú ý đến nhóm người này. Họ là những người kế nghiệp thế hệ trước, nhưng quan trọng hơn, họ là hiện thân của tương lai. 

Còn bạn hỏi tôi tiếc nuối điều gì cho những doanh nhân được kể tên ở trên ư? Xin trả lời: Tiếc vì họ vẫn chưa được tạo đường băng to rộng và vuột mất nhiều cơ hội để bay cao hơn, xa hơn, mạnh hơn. 

Lý do ư? Như Lý Quang Diệu từng nhận xét, Việt Nam vẫn đang bỏ phí hai nguồn tài nguyên lớn nhất - con người và cơ hội. Còn nhà thơ Trần Dần đã từng khóc và tiếc “những chân trời không có người bay” và “những người bay không có chân trời”. Muốn có tàu lớn ra khơi thì phải có biển lớn. Những giấc mơ vươn khơi sẽ mắc cạn trong cái ao làng về tư duy và cơ chế.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 7.

Bùi Ngọc Hải: Nhìn những cái tên ông gọi ra, có thể thấy một điều là chỉ có 1/3 là phụ nữ. Tôi cũng đã nghe không ít chuyên gia kinh tế kêu lên rằng: Nam giới kinh doanh ở Việt Nam đã khổ, phụ nữ kinh doanh còn khổ gấp đôi vì phải chu toàn cả chuyện gia đình con cái. Tuy nhiên, thống kê mới đây của VCCI lại đưa ra một con số ngạc nhiên: Tỷ lệ nữ giữ vai trò điều hành doanh nghiệp ở Việt Nam hiện cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mức xấp xỉ 25% (trong khi bình quân thế giới chỉ là 10%). Nghĩa là là cứ 4 doanh nghiệp thì có một nữ chủ nhân. Câu hỏi đặt ra là: Phụ nữ Việt Nam có tố chất kinh doanh, hay lợi thế về giới (mềm mại, uyển chuyển, bền bỉ) đã giúp họ thuận lợi hơn trong kinh doanh ở trong một môi trường cũng cần đến rất nhiều sự “mềm mại”?   

PGS. TS Trần Đình Thiên: Tỷ lệ nữ được tôi kể ra trong danh sách hẹp nêu trên, thế là cũng nhiều đấy chứ, 2/6, tức 33% cơ mà. Nếu kể thêm thì có thể tỷ lệ nữ sẽ giảm đi. Song dù sao thì xu hướng phụ nữ tham gia kinh doanh và thành đạt ở Việt Nam vẫn đang tăng lên. Xu hướng này có cơ sở cả trong lịch sử lẫn hiện tại. 

Trong xã hội tiểu nông – gia trưởng trước đây, nơi đàn ông đóng vai “thống trị”, phụ nữ phải “tam tòng, tứ đức”, ít có chỗ để tài năng phụ nữ kinh doanh phát lộ. Mà nam giới cũng thế thôi.

Nhưng tôi muốn lưu ý một hiện tượng văn hóa – kinh tế: tuy là trong xã hội gia trưởng đó, phụ nữ dường như luôn là nhân vật tham gia, thậm chí chính là người “ra” các quyết định “cơm áo gạo tiền” của gia đình. Trên thực tế, họ đóng vai trò điều hành cuộc sống gia đình – nhưng theo cách rất khôn ngoan - “đứng sau”, “giấu mình” không lộ diện. Còn người đàn ông “sỹ diện và oai phong”, thực chất chỉ cơ bản đóng vai “ký” và “đọc” các quyết định.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 8.

Lịch sử là vậy. 

Còn thời nay, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng trong thời đại công nghệ cao, toàn cầu hóa, xã hội biến động nhanh, rủi ro nhiều thì phụ nữ càng chứng tỏ năng lực vượt trội so với đàn ông – điềm tĩnh và bình tĩnh, kiên trì và cẩn thận, dịu dàng để thuyết phục và chinh phục, hòa đồng và năng lực tập hợp, cụ thể và bao quát, v.v. – toàn những đức tính “trội” mà thời đại cần. 

Doanh nhân nữ Việt Nam đang chứng minh những ưu thế đó. Cho nên việc tỷ lệ nữ chiếm 25-30% trong số các doanh nhân thành đạt không có gì đáng ngạc nhiên. Tôi nghĩ rằng tỷ lệ đó là giới hạn sẽ sớm bị vượt qua. 

Chỉ có nam giới chúng ta – hãy coi chừng và phải phấn đấu mạnh lên.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 9.

Bùi Ngọc Hải: Đã có lần, trong buổi trò chuyện với tôi, ông đã từng nói: “Thái Hương là một phụ nữ kinh doanh đặc biệt”. Không ít người quan sát, làm việc cùng Thái Hương, dù thích hay không thích bà, đều thấy ở bà những thứ rất khác người. Có một lần, khi phát biểu khai mạc một hội nghị quốc tế lớn về thực phẩm sạch, Thái Hương đã khiến một nửa hội trường ngạc nhiên cao độ trong khi nửa còn lại vỗ tay rần rần, khi bà xin hát một bài hát bà tự sáng tác về đồng đất, về nông nghiệp sạch và thiên nhiên. Dù tầm vóc cơ thể rất nhỏ bé, mỗi ngày lại chỉ ngủ và thiền khoảng 3 tiếng, nhưng bà Thái Hương luôn khiến thuộc cấp của mình chạy sấp ngửa vì những mệnh lệnh mới, ý tưởng mới, dự án mới, những cuộc gọi lúc nửa đêm. Cố tổng thống Israel, ngài Shimon Peres đã nhận xét đó là “một phụ nữ bé nhỏ toát ra nguồn năng lượng mạnh mẽ”. Với PGS. TS Trần Đình Thiên, cái đặc biệt của bà Thái Hương, nằm ở đâu? 

PGS. TS Trần Đình Thiên: Với tôi, Thái Hương là một phụ nữ đặc biệt. Có lẽ dùng từ “khác thường” thì thích hợp hơn. Đó là người phụ nữ “cháy lên từ đất”. 

Thái Hương bắt đầu sự nghiệp từ đất – nông nghiệp, khác với đa số doanh nhân khác, những người chọn đất nhưng là đất – bất động sản để làm giàu. Tôi biết, bà sở hữu những khu đất vàng tại Hà Nội, có thể xây chung cư, trung tâm thương mại để hái ra tiền, nhưng Thái Hương lại đi xây trường học. 

Kinh doanh không có gì là dễ cả. Song chọn đất – nông nghiệp để làm giàu của Thái Hương đúng là chọn đối tượng khó nhằn nhất để khởi nghiệp.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 10.

Ít ai phủ nhận rằng khó nhất, nhiều rủi ro nhất là kinh doanh nông nghiệp, nhất là khi nền tảng của việc kinh doanh đó vẫn còn gắn chặt với nền kinh tế tiểu nông, với người nông dân còn đậm đặc chất tiểu nông “truyền thống”. 

Tại sao Thái Hương lại “dở hơi”, lại khác người như vậy? Câu trả lời nằm ở những lý do – những thứ “vũ khí quan trọng” mà tôi xin khái quát lại theo “suy đoán logic” như sau: 

Thứ nhất, do xuất thân – nặng căn với đất, nặng nợ với nông dân ở một vùng quê nghèo, nghèo đến tận cùng sỏi đá. 

Thứ hai, có khí chất (temperament) mạnh mẽ, sẵn sàng “đốt cháy” mình cho cái được chọn, không sợ khó, có khả năng “thổi lửa” vào người khác, lôi kéo họ “chia lửa” với mình. 

Thứ ba, có tầm nhìn thời đại, tiên phong và vượt trội. 

Thứ tư, có năng lực nhìn ra cơ hội làm ăn lớn và biết tận dụng nó. 

Những từ ngữ có vẻ hơi to tát, bay bướm và có phần dễ dãi để nói về một nữ doanh nhân. Nhưng tôi cảm nhận đúng là vậy, đúng như Tổng thống Shimon Peres đã nhận xét về Thái Hương.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 11.

Bùi Ngọc Hải: Cuốn sách nổi tiếng “Chuyến đi bão táp” của Adam Lashinsky, đã kể những chuyện ít viết về hành trình thống trị thế giới của Uber. Travis Kalanick và Garret Camp – hai đồng sáng lập Uber – đã không thể gọi được một chiếc taxi trong cơn bão tuyết, mặc dù họ đang đứng giữa kinh đô ánh sáng thế giới – Paris. Chính trong cơn bão đó, hai người đã chốt ý tưởng sẽ làm một ứng dụng đặt xe thông minh trên chiếc smartphone. Hãng sữa TH True MILK cũng được phôi thai trong một buổi tối năm 2008, khi bà Thái Hương xem ti vi và chứng kiến “cơn bão sữa nhiễm Melamine” tàn phá hàng triệu quả thận trẻ em Trung Quốc. Mà Việt Nam thì luôn tràn ngập hàng hóa Trung Quốc. Thưa PGS.TS. Trần Đình Thiên, ông đánh giá thế nào về ngã rẽ kinh doanh lớn nhưng lại được quyết định trong một khoảnh khắc như vậy của bà Hương? 

PGS. TS Trần Đình Thiên: Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ đến truyện ngắn “Thiên tài của một đêm” của Stefan Zweig, nhà văn Đức nổi tiếng thế giới. Truyện ngắn kể về thời khắc sáng tác ra bài “La Marseillaise” bất tử, sau này trở thành Quốc ca của Cộng hòa Pháp. Zweig mô tả đó là khoảnh khắc lóe sáng của thiên tài, là kết tinh của dông bão cách mạng. 

Zwaig còn viết nhiều truyện ngắn và truyện vừa kể về những “khoảnh khắc lóe sáng lịch sử” tương tự. 

Cơn giận dữ sữa Melamine của Thái Hương ít nhiều cũng mang dáng dấp một sự kiện “lóe sáng” kiểu như vậy. 

Giống những sự kiện “lóe sáng” khác, việc cho ra đời TH True MILK không hề là khoảnh khắc nhất thời, bột phát. Theo như Thái Hương nhiều lần chia sẻ - và tôi tin điều đó là thực - đó là kết quả của sự tích nén lâu dài bức xúc và trăn trở, dồn nén đến điểm bùng nổ khi phải đối diện với nỗi khổ của người dân ở một nước nghèo, vì nghèo mà phải chịu hèn, hèn từ cái ăn uống (phải ăn thực phẩm bẩn) đến hèn về tư duy. Muốn làm một cái gì đó cho người nghèo, cho đất nước, để hả giận, nhưng lại không đơn giản là chỉ để hả giận. Đó là thời điểm bùng nổ cần thiết để bắt đầu sự nghiệp. “Cơn giận sữa melamine”, tôi nghĩ, chính là thời điểm đó của Thái Hương.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 12.

Bùi Ngọc Hải: Trong hành trình gần 9 năm bước chân vào lĩnh vực thực phẩm sạch của Thái Hương, tôi đặc biệt chú ý một khởi phát rất khác thường, đó là việc lựa chọn đối tác Israel để xây dựng trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao ở Nghệ An, sau này đạt kỷ lục Châu Á. Hiện nay, chuyện sử dụng công nghệ nông nghiệp của Israel không còn lạ lẫm đối với nhiều doanh nghiệp Việt, nhưng 9,10 năm trước, việc chọn công nghệ này cộng với việc bạo tay chi tiền thuê hàng chục chuyên gia, thậm chí cả nông dân Israel sang làm cho trang trại TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An, thì rõ ràng là chuyện chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Theo ông, việc này có tác động như thế nào với sự thành công của TH nói riêng và hướng đi mới cho nông nghiệp Việt Nam nói chung?   

PGS. TS Trần Đình Thiên: “Đánh mượn sức” là một triết lý của võ thuật phương Đông, của Judo và của Việt Võ đạo. Phương Tây có nguyên lý “đi xe miễn phí”. 

Triết lý đó, vận dụng vào nước đi sau, đẻ ra khái niệm “lợi thế đi sau”, là giải pháp đặc biệt quan trọng để giải quyết vấn đề “tụt hậu phát triển”. 

Thái Hương và TH đã sớm biết vận dụng triết lý đó. Ở một nước nông nghiệp lạc hậu, đi sau mà chọn làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, bằng cách học Israel, thuê chuyên gia, nông dân Israel nghĩa là chọn làm sản phẩm cao cấp nhất và học người giỏi nhất để làm. Đó là sự lựa chọn đầy bản lĩnh, có thể gọi là liều mạng và thực sự thông minh.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 13.

Phải quả cảm, phải liều, và đặc biệt, phải tin vào mình lắm mới dám chọn như vậy. Có lẽ Tổng thống Shimon Peres dám tài trợ cho TH hàng trăm triệu đô la từ lúc ban đầu khởi nghiệp là vì Ông nhận ra giá trị thành công của công thức hành động “dám liều kết hợp với tự tin” đó. 

Có cơ sở để nói rằng cách làm mạnh dạn và sáng tạo của TH đã mở đường và tạo động lực mạnh cho làn sóng đổi mới kinh doanh của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản công nghệ cao. Bây giờ, chúng ta thấy mỗi năm có trăm đoàn, hàng nghìn người Việt Nam sang Israel học kinh nghiệm và hợp tác làm ăn. Họ đang đi trên con đường mà TH đã góp công khai mở. 

Con đường đó hiện không dừng lại ở Israel, cũng không giới hạn chỉ trong nông nghiệp.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 14.

Bùi Ngọc Hải: Từ chỗ “nhập khẩu” công nghệ nông nghiệp Israel vào Việt Nam, 9 năm sau TH đã mang công nghệ ấy cùng năng lực quản trị của người Việt “xuất khẩu” sang Nga trong một đại dự án lên đến 2,7 tỉ đô la. Nhiều người vẫn chưa hiểu tại sao TH lại đem tiền đến đầu tư ở một nơi xa xôi, lạnh giá như vậy? Tôi nhớ, trong một cuộc hội thảo năm ngoái, ông đã hỏi Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc một câu khá ám ảnh: “Việt Nam có nắm được số triệu phú di cư không?”. Khi một doanh nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, người ta đều nghĩ: Có thể đó là khát vọng chinh phục, ngẩng đầu với thế giới của người Việt, nhưng cũng có thể đó là việc tìm kiếm thêm một nơi chốn an toàn cho mình khi môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản và áp lực không đáng có. 

Vậy theo ông, dự án khổng lồ 2,7 tỉ đô la tại Nga của TH và bà Thái Hương, có nằm ở một trong hai lý do đó? 

PGS. TS Trần Đình Thiên: Tôi nghĩ là có cả hai lý do: Vừa thoát khỏi những trói buộc thể chế “quốc nội”, vừa để tận dụng thời cơ chinh phục thế giới và làm giàu vượt lên. Thái Hương đầu tư lớn sang Nga với cả hai động cơ mạnh như vậy.

Nhưng cũng phải nói rõ: Đầu tư ra nước ngoài để thoát khỏi sự trói buộc thể chế không có nghĩa là trốn chạy, rời bỏ Tổ quốc. Bản chất vấn đề là tìm cơ hội kinh doanh, nhưng đó đồng thời cũng là hành động bỏ phiếu gián tiếp “chống” lại hệ thống cơ chế, chính sách còn nhiều rào cản và trói buộc ở trong nước. 

Thêm vào đó, việc đầu tư ra nước ngoài còn có hàm nghĩa rất quan trọng và chiến lược, đó là chinh phục, “mở cõi”. Đó là giới thiệu nông sản và năng lực Việt Nam ra thế giới.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 15.

Bằng việc đầu tư lớn sang Nga, giữa lúc nước Nga gặp khó khăn về thực phẩm nhưng lại rất giàu tài nguyên nông nghiệp, Thái Hương chứng tỏ năng lực tóm bắt cơ hội của một nhà đầu tư chiến lược. Trên thực tế, cú đầu tư đó đã thành công lớn cả trên cấp độ chiến lược quốc gia lẫn cấp độ chiến lược kinh doanh của TH. 

Không dễ gì có được thành công như vậy. Thái Hương thành công, TH thành công không ngẫu nhiên và nhất thời. Có may mắn nhưng là may mắn của những nỗ lực trường kỳ và khác thường. 

Vì thế, tôi tin Thái Hương và TH sẽ còn may mắn, sẽ tiếp tục thành công.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 16.

Bùi Ngọc Hải: Ông đã dành những đánh giá cao cho nữ doanh nhân có nhiều điểm đặc biệt – Thái Hương. Giờ là lúc chúng ta nên nói thêm về những băn khoăn. Có thể thấy rất rõ, TH liên tục mở ra các dự án liên tiếp khắp đất nước rồi vươn rất xa sang Moscow, thậm chí đến vùng Viễn Đông của Nga; các bước đi xúc tiến dự án mới tại Trung Quốc, các nước Đông Âu và Liên Xô cũ; Tập đoàn này cũng không ngừng sản phẩm mới, tham gia vào những lĩnh vực mới ngoài sữa như Y tế công nghệ cao, giáo dục, dược liệu... Câu hỏi đặt ra là việc căng sức như vậy có điều gì đáng bàn? Những doanh nghiệp bắt đầu bước ra thế giới và đang trong “thời kỳ dậy thì” mạnh mẽ như TH, cần phải chú ý những gì trong quản trị, thưa ông? 

PGS. TS Trần Đình Thiên: Xu hướng liên tục mở rộng không gian hoạt động và thường xuyên có thêm sản phẩm mới có thể coi là một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong hoạt động kinh doanh của TH. 

Như mọi người đều biết, cho đến nay, TH đã không còn giới hạn hoạt động chỉ trong lãnh thổ Việt Nam. TH đã mở biên giới kinh doanh sang Mỹ, sang Nga và đang có kế hoạch đầu tư lớn sang Úc. 

Cách đây hàng chục năm, trước khi đầu tư vào Nga, TH đã thăm dò rất kỹ địa bàn Bungari và Hy Lạp. Có nhiều lần chị Thái Hương đã trao đổi với tôi về những ý đồ đầu tư này, thậm chí còn đề nghị tôi tư vấn, góp ý. Sau đó, vì những lý do liên quan đến cơ hội và triển vọng, chị Thái Hương đã lựa chọn nước Nga.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 17.

Về sản phẩm, cách làm của TH phần nào giống cách của Vingroup – liên tục phát triển các sản phẩm mới. Từ ngân hàng, TH làm sữa, rồi tiến công sang nhiều sản phẩm – lĩnh vực khác: Dược liệu, đồ uống thảo dược, giáo dục và mới đây - trồng lúa. Tất cả những sản phẩm này đều có đặc điểm chung là chất lượng cao và được sản xuất trên nền tảng công nghệ hiện đại, kể cả một loại sản phẩm rất khác biệt trong “họ sản phẩm nhà TH” - là giáo dục, y tế. 

Không biết tôi đã kể hết sản phẩm mà TH sản xuất chưa, song dù có thiếu thì bấy nhiêu loại nêu trên, chưa cần nói đến chất lượng đỉnh cao của chúng, tôi nghĩ cũng đủ để ghi nhận một thành công kinh doanh hiếm có. 

Cách làm như vậy của TH thể hiện rõ tinh thần doanh nhân, tiếng Anh gọi là “entrepreneuship”, có thể nói là rất đậm đặc của Thái Hương, là phẩm chất sẵn sàng chấp nhận rủi ro, mạo hiểm dấn thân và khao khát vượt qua những giới hạn.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 18.

Mạo hiểm thì đi liền với rủi ro, không thể khác được, phù hợp với nguyên lý tối cao của kinh doanh làm giàu: Muốn ăn to thì rủi ro lớn. 

Phẩm chất đó là phần cốt lõi của tài năng kinh doanh – được hiểu là năng lực làm chủ tình thế, khả năng nhận diện chính xác cơ hội và chọn đúng thời cơ để ra quyết định đầu tư. Tài năng đó không có gì khác hơn là năng lực thấy “cơ” trong “nguy”, biết biến “nguy” thành “cơ”, dám mạo hiểm đúng lúc, đúng chỗ để thành công. Trong thời đại “tranh tối, tranh sáng” về cơ chế, tài năng đó càng dễ được phát huy. 

Nhiều doanh nhân Việt Nam, trong đó có Thái Hương, là những người chứng tỏ biệt tài “thấy cơ trong nguy” đó.


Tuy nhiên, không phải lúc nào mạo hiểm cũng thành công. Kinh doanh là cuộc đấu thắng – thua sinh tử, không đơn thuần chỉ là cuộc đua về đích trước - sau. Thương trường là chiến trường. Còn có đối thủ cạnh tranh, còn có những cú sốc khó lường – sốc giá cả, sốc thời tiết, sốc dịch bệnh, sốc chính trường, sốc quân sự, v.v. đều là những nguy cơ rất lớn và rất khó lường. 

Trong bối cảnh đó, nếu không tỉnh táo, thấy nhiều cơ hội hay không nhận diện đúng thực chất cơ hội sẽ dễ bị hoa mắt, dẫn tới đầu tư dàn trải, để lộ những điểm yếu cho đối phương ra đòn hạ gục. 

Thực tế cho thấy nhiều ví dụ về sự sơ sẩy kinh doanh khó ngờ như vậy, tưởng được đến nơi rồi mà kết cục là thảm bại. Đó chính là trường hợp Ông Đoàn Nguyên Đức cách đây chưa lâu mà chính ông đã thẳng thắn chia sẻ.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 19.

Cho đến nay, TH đầu tư trên rất nhiều mặt trận, liên tục mở rộng đầu tư, phạm vi ngày càng lớn và đòi hỏi công nghệ - chất lượng ngày càng cao. Và tất nhiên, muốn thành công, thì TH phải có bản lĩnh chấp nhận, đương đầu với thử thách.

Nhưng tôi được biết, ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư bất cứ dự án nào, Thái Hương cũng làm rất bài bản. Dù bà đưa ra những quyết định nhanh chóng, nhưng nó lại là kết quả của quá trình trăn trở từ lâu. Bà cho lập kế hoạch rất kỹ, chọn những đối tác giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực đó để đồng hành; quản trị bằng phương thức 4.0 tiên tiến. Các sản phẩm chất lượng cao của Thái Hương cũng luôn hướng tới lợi ích cộng đồng, nên bản thân nó đã có cơ sở để tồn tại bền vững với người tiêu dùng.

Mặt khác, lại quản lý cả ngân hàng, là một nhà tài chính, tôi tin và hy vọng rằng qua va đập thực tiễn, qua những cơn sóng dữ kinh doanh mà TH đã từng nếm trải và vượt qua, Thái Hương có đủ bản lĩnh đối mặt và đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, bài học quý từ những câu chuyện mình phải đương đầu. Cho nên, tôi đặt niềm tin vào người phụ nữ này.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 20.

Bùi Ngọc Hải: Cách đây 5 năm, ông đã nói rằng, nếu không định vị được chân dung quốc gia, chúng ta sẽ lạc lối và tụt hậu trong phát triển. Dường như hôm nay chân dung này đã được định vị trên 3 chân kiềng: Công nghệ - thông tin, nông nghiệp sạch công nghệ cao và du lịch. Thế nhưng từ lúc gieo suy nghĩ đến lúc gặt hành động, bao giờ cũng là khoảng cách rất xa. Việt Nam thiếu những điều gì để có thể trở thành cường quốc nông nghiệp, trở thành “bếp ăn của thế giới”, “người nội trợ tử tế của thế giới” như khát vọng của Thái Hương? 

PGS. TS Trần Đình Thiên: Chọn ba chân kiềng đó là đúng. Nhưng hãy hỏi vì sao ba lĩnh vực đó đến nay vẫn chưa phát triển? Ta có tiềm năng, điều kiện để phát triển ba chân kiềng đó không? 

Thưa rằng tiềm năng, lợi thế cơ bản đều là hạng nhất. Tài nguyên du lịch, tài năng ẩm thực, tiềm năng con người đều là hạng nhất. Mục tiêu được xác định cho 3 lĩnh vực đó cũng là lãng mạn hạng nhất – Cường quốc nông nghiệp, cường quốc du lịch, nền kinh tế “mạnh bằng công nghệ thông tin”, v.v. 

Vậy mà Việt Nam mãi cứ như “dậm chân tại chỗ”. Tại sao vậy? Đơn giản vì thiếu chỉ một vài điều kiện, và vì mãi chưa có nhiều người tạo ra những cú hích đủ mạnh để sản sinh ra các điều kiện đó. Nhưng điều kiện đó là gì vậy?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 21.

Là thiếu nhân lực có kỹ năng, thiếu hạ tầng kết nối, thiếu thể chế tốt, thiếu công khai minh bạch, v.v. Thiếu đủ thứ. Nhưng cái thiếu cốt lõi là thiếu các doanh nghiệp mạnh để biến tiềm năng thành hiện thực một cường quốc kinh tế với “ba chân kiềng” như chúng ta mong muốn. 

Nói vậy là để định vị vấn đề phát triển mấu chốt nhất hiện nay của Việt Nam: Tập trung mọi nguồn lực và nỗ lực toàn dân để phát triển doanh nghiệp. Thể chế, nhân lực và hạ tầng phải thành khâu đột phá chính là vì vậy. Theo logic đó, việc tháo bỏ nhanh đến mức có thể các thể chế, chính sách cũ kỹ, lạc hậu, cởi trói để doanh nghiệp Việt bung ra, bùng nổ phải là nhiệm vụ sống còn của nhà nước. 

Giờ là lúc phải thay đổi tầm nhìn và cách làm tái cơ cấu, hướng trọng tâm đến lực lượng doanh nghiệp Việt, chủ đạo là các tập đoàn kinh tế mạnh, trụ cột là các Tập đoàn kinh tế tư nhân.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 22.

Bùi Ngọc Hải: Nhìn các đế chế lớn nhất trên thế giới, có thể thấy chúng đều ở lĩnh vực công nghệ, điện tử, viễn thông, truyền thông, đồ ăn nhanh. Không thấy có nhiều đế chế nông nghiệp. Vậy thì cơ hội, quy mô, tầm vóc của những tập đoàn chuyên về nông nghiệp như Thái Hương sẽ được đánh giá như thế nào và triển vọng của nông nghiệp Việt Nam sẽ ra sao, thưa ông?  

PGS. TS Trần Đình Thiên: Đúng là trên thế giới không có những Tập đoàn – đế chế kinh doanh nông nghiệp khổng lồ như trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Thực tế này bắt nguồn từ những lý do cơ bản có tính đặc thù ngành, ví dụ như gắn với đất đai, phụ thuộc thiên nhiên và khác biệt về phương thức hoạt động (canh tác). 

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một xu hướng: kinh doanh nông nghiệp ngày càng không còn là nông nghiệp thuần túy mà đã mở biên, gắn với công nghiệp – dịch vụ ở cả đầu ra và đầu vào và liên kết thành chuỗi. Thị trường nông sản đã mở rộng ra toàn cầu và kết nối nhiều tuyến sản phẩm. Đó chính là cơ sở để hình thành và phát triển những tập đoàn nông nghiệp theo hướng xây dựng “đế chế”. 

Thế giới cũng đã có những tập đoàn – đế chế nông nghiệp như vậy, như Mosanto của Mỹ, Bayer của Đức, Syngenta của Thụy sĩ, v.v.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 23.

Đối với TH, lâu nay vẫn theo đuổi cách phát triển nông nghiệp đa ngành, xây dựng các chuỗi sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ, đầu tư nhắm tới các địa chỉ có tiềm năng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, hướng ra thị trường thế giới với các sản phẩm “đẳng cấp”. Cách phát triển đó thể hiện rõ khuynh hướng xây dựng “đế chế”. Tôi nghĩ không có gì là ảo tưởng hay liều mạng thái quá ở đây cả. 

Khuynh hướng đó, gắn với điều kiện phát triển nông nghiệp của Việt Nam hiện nay – các lợi thế tự nhiên, là ngành được quan tâm phát triển ở cấp độ trọng điểm quốc gia (cùng với du lịch và công nghệ thông tin – viễn thông), theo định hướng công nghệ cao và hội nhập quốc tế - càng có nhiều cơ hội để thành công. Chị Thái Hương ý thức khá rõ về điều này và đang có những nỗ lực mạnh mẽ để tận dụng thời cơ.

Tuy nhiên, quá trình này đang gặp không ít cản trở và khó khăn. Khó khăn của việc vượt thoát khỏi nền kinh tế tiểu nông lạc hậu; của một thị trường đất đai kém phát triển; do nguồn vốn khan hiếm; do thiếu hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí sản xuất và sản phẩm hiện đại; thiếu các khuyến khích ứng dụng công nghệ cao hiệu quả, v.v. Mà không chỉ riêng TH. Tất cả các doanh nghiệp tiên phong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, như Vingroup, Unifarm và Dalat Hasfarm, … đều đang phải vật lộn với những khó khăn đó để tiến lên. Chính phủ cũng đang nỗ lực rất nhiều để hỗ trợ họ. Song vấn đề quả thực rất không dễ giải quyết. 

Nhưng dù sao, niềm tin Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc nông nghiệp hiện đại với những trụ cột là các Tập đoàn – Đế chế Nông nghiệp công nghệ cao như TH đang phấn đấu trở thành đang ngày càng trở nên gần hiện thực hơn bao giờ hết. 

Bùi Ngọc Hải: Xin cảm ơn PGS. TS Trần Đình Thiên!

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự lựa chọn đầy bản lĩnh của Thái Hương - Ảnh 24.

Bùi Hải
7pm
Theo Trí Thức Trẻ11/01/2019