Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam về diễn biến của dịch và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong những ngày qua.
“Đã làm rất tốt” nhưng không được chủ quan
- Phóng viên: Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, ông đánh giá thế nào về khả năng khống chế dịch tại Việt Nam đến thời điểm này?
- PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong giai đoạn 1, Việt Nam chủ yếu ngăn chặn dịch xâm nhập vào. Chúng ta đã làm rất tốt, ngăn chặn dịch xâm nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và sau đó là nguồn lây từ các nước khác bằng hình thức ngăn chặn, phát hiện, cách ly.
Đặc biệt là mình đã làm tốt chuyện cách ly 14 ngày đối với khách nhập cảnh. Có những ổ dịch mình đã dập tương đối tốt nên dịch không bùng phát tại Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu này, Việt Nam đã nỗ lực để làm chậm quá trình dịch, chứ không phải quyết định việc dịch bùng phát hay không. Thí dụ như nhiều nước trên thế giới, chỉ trong một vài tuần, tăng lên hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn ca mắc như Mỹ, Italy…
Về giải quyết các ổ dịch lớn như ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) rồi quán bar Buddha (TP HCM), đến thời điểm này, Việt Nam đã quản lý được những người tiếp xúc gần với người tiếp xúc và cũng không thấy có vấn đề gì lớn nổi lên.
Tôi cho rằng, phần nào, Việt Nam đã kiểm soát dịch rất tốt bởi nếu dịch bùng lên, số ca nhập viện tăng và sẽ có rất nhiều ca nặng. Tuy nhiên, cũng nhìn nhận là dịch có bùng phát hay không thì phải làm tốt giai đoạn này là cách ly xã hội.
Tôi muốn nhấn mạnh là Việt Nam đã làm “quyết liệt” và “sớm” việc cách ly xã hội. Mình giải quyết được tổng thể việc cách ly xã hội từ một vài nước đầu tiên như Trung Quốc, Hàn Quốc đến các nước châu Âu, Mỹ và kể cả các nước sau này. Như Singapore, lúc đầu họ giải quyết khống chế dịch đối với Trung Quốc và Hàn Quốc rất tốt nhưng với châu Âu, Mỹ thì vừa qua họ làm chưa tốt. Đấy là điều mình cần rút kinh nghiệm và so sánh quốc tế. Vì thế, tôi cho rằng, chúng ta không được chủ quan.
Cần căn cứ vào tình hình sau 14 ngày “giãn cách” để có quyết định tiếp
- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc giãn cách xã hội?
- Thời gian qua mình phát hiện những ca mắc qua xét nghiệm từ người nhập cảnh nhiều nhưng xét nghiệm trong cộng đồng cũng chưa nhiều, nên chưa đánh giá được đầy đủ.
Các nước trên thế giới, ở giai đoạn đầu của dịch họ chưa xét nghiệm nên khi phát hiện số ca tăng vọt, đi vào chống dịch mạnh mẽ, họ mới tiến hành xét nghiệm rộng rãi trong cộng đồng và phát hiện số ca bệnh nhiều. Việc xét nghiệm nhiều sẽ phát hiện được nhiều ca bệnh.
Vì thế, Bộ Y tế cũng đang chỉ đạo ngành y tế triển khai xét nghiệm tất cả những ca sốt, ho, khó thở hoặc người có yếu tố dịch tễ. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân hạn chế đến các cơ sở y tế và có thể tư vấn qua điện thoại.
Nhưng thực tế, có 40% ca bệnh Covid-19 không có triệu chứng, 20% có triệu chứng nhẹ không đi bệnh viện, do đó cần phải xét nghiệm rộng rãi để tầm soát được hết những đối tượng này.
Hà Nội thực hiện nghiêm "lệnh" giãn cách xã hội, người dân đã hạn chế ra đường trong những ngày thực hiện cách ly diện rộng
Tôi cho rằng, giai đoạn này phải làm quyết liệt việc giãn cách xã hội, không cho người bệnh tiếp xúc với người bệnh. Hết 14 ngày, người bệnh nhẹ không có triệu chứng sẽ tự khỏi, không lây lan nữa, chúng ta sẽ thành công.
Sau đó, căn cứ vào tình hình sau 14 ngày để có quyết định tiếp. Giai đoạn này nếu chúng ta không quyết liệt thì toàn bộ công sức của giai đoạn 1 sẽ đổ xuống sông, xuống biển.
- Thời gian vừa qua, số ca mắc tại Việt Nam có xu hướng giảm, ba ngày liên tiếp không công bố thêm ca mắc mới nào buổi sáng. Xin ông có thể cho một số đánh giá có phải tình hình dịch của Việt Nam đã giảm và người dân có thể yên tâm hơn?
- Tôi cho rằng chúng ta chưa thể chủ quan và chưa thể khẳng định được điều gì vì thời gian ủ bệnh Covid-19 dài đến 14 ngày, trung bình đa số trong 5-6 ngày. Hiện giờ chúng ta chưa đánh giá được gì.
Chúng ta phải chờ sau 14 ngày mới có thể đánh giá được tình hình dịch tại Việt Nam. Như bạn biết có rất nhiều ca không có triệu chứng.
Số ca mắc mới giảm là vì trước chúng ta tổng kết chủ yếu là số ca nhập cảnh, kể cả ca ở cộng đồng cũng lây từ ca nhập cảnh. Thí dụ như Bạch Mai và Trường Sinh cũng là phát hiện từ những người liên quan đến ổ dịch.
Hiện nay, số người nhập cảnh đã không còn thì chúng ta không còn những ca mắc từ người nhập cảnh. Không một quốc gia nào có thể hạn chế được 100% dịch bệnh.
Bởi vì trước khi chúng ta thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh thì trên các chuyến bay trước đó có thể đã có những người mắc bệnh Covid-19 ở trong cộng đồng - nghĩa là có sự lây lan trong cộng đồng. Do đó, phải phát hiện tại cộng đồng. Nhưng chúng ta cũng thấy khả quan vì chưa thấy dịch bùng lên trong cộng đồng.
Phải dập từ những "đốm lửa nhỏ" thì mới có thể thành công
- Một số ý kiến người dân lo lắng rằng giai đoạn này dịch bệnh đã trở nên nguy hiểm hơn giai đoạn 1, có phải không thưa ông?
- Tôi cho rằng, không thể so sánh các giai đoạn. Bởi giai đoạn 1 nếu dịch bùng phát sẽ có rất nhiều người chết nên nếu nói dịch không nguy hiểm là không đúng.
Theo nhìn nhận, những ca mắc bệnh nặng là những trường hợp người cao tuổi và người có bệnh nền. Nếu để bùng phát dịch bệnh, số ca mắc nhiều sẽ dẫn đến hệ thống y tế bị đánh sụp, vì không có đủ phương tiện, nhân lực, máy thở cũng như đồ bảo hộ.
Ổ dịch nhỏ có thể ví như "đốm lửa nhỏ", nếu ta khoanh vùng vào sẽ giải quyết tốt. Việt Nam phải phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch sớm những "đốm lửa nhỏ", không để bùng phát, mới có thể thành công.
- Ông có khuyến cáo gì với người dân ở thời điểm này?
- Người dân lúc này nên ở nhà, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Từng gia đình, cơ quan cũng nghiêm túc thực hiện bởi vì chúng ta không hề biết ai là người nhiễm, ai là người không nhiễm.
Việc tiếp xúc xã hội càng hạn chế được bao nhiêu thì chúng ta càng phòng bệnh tốt bấy nhiêu. Vậy thì, chúng ta cần hạn chế bằng cách không đi lại nữa, không tiếp xúc với nhau nữa và không tập trung đông người nữa.
Chúng ta cần thực hiện các yêu cầu trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như nhà nào ở nhà đấy, xã nào ở xã đấy, huyện nào ở huyện đấy, tỉnh nào ở tỉnh đấy, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp...
Những yêu cầu này là để hạn chế việc tiếp xúc với nhau, tránh lây lan dịch bệnh. Bởi vì virus lây theo tiếp xúc gần, khi chạm vào dụng cụ, bề mặt có virus của người bệnh thải ra bám vào.
Mỗi người dân cần có ý thức chấp hành nghiêm bởi vì việc này có vai trò rất quan trọng trong giai đoạn chống dịch hiện nay. Nhà nước dù có xử phạt cũng không làm sao kiểm tra hết được, chỉ mỗi người dân phải có ý thức thật sự thì mới hạn chế được dịch bệnh lây lan.
Tôi rất mong cộng đồng có thật ít người nhiễm để chúng ta dễ xử lý, không để xảy ra bùng phát dịch một cách nguy hiểm.
Xin chân thành cảm ơn cuộc trò chuyện tâm huyết của PGS, TS Trần Đắc Phu!