Với kiến thức chuyên về Nhi khoa sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú cùng nhiều năm công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, Bác sĩ Dũng hiểu rõ về các bệnh nhân của mình hơn cả.
Chỉ có nói chuyện với bệnh nhân mới giúp bác sĩ hiểu về bệnh tật của họ
Diễn biến tâm lý là cái cực kỳ quan trọng, mỗi bệnh nhi lại có một cảm xúc khác nhau, từ đứa mới lọt lòng cho đến các cháu 15-16 tuổi. Đã là bác sĩ phải thích ứng với điều đó và phải hiểu tâm lý của trẻ nhỏ. Mỗi cháu bé mình phải ứng xử như thế nào để nó cảm thấy gần gũi.
Chỉ có nói chuyện với bệnh nhân mới giúp bác sĩ hiểu về bệnh tật của họ, từ đó về phía bác sĩ họ nắm được đặc thù dẫn đến bệnh tật của họ như: Điều kiện gia đình, kinh tế, học vấn và sinh hoạt hằng ngày.
Còn bệnh nhân mỗi lần chia sẻ như vậy họ như được trút bỏ những vướng mắc trong cuộc sống, lẫn bệnh tình trong người.
Với người nhà bệnh nhân cũng vậy, chúng tôi luôn phải tiếp xúc với họ.
Ngoài kia, không biết các đồng nghiệp của tôi thế nào nhưng với riêng tôi cảm thấy may mắn có cơ hội tiếp xúc với nhiều người nên hiểu được tâm lý của họ, để có những ứng xử hợp tình hợp lý.
Điều không thể không làm mỗi lần gặp họ là tôi vẫn luôn nở nụ cười.
"Chừng ấy năm khoác trên mình chiếc áo Blouse trắng tôi thấy rằng với nhiều bệnh, đôi khi sự sẻ chia, động viên từ phía bác sĩ còn có giá trị hơn cả những liều thuốc đắt tiền".
Chia sẻ với bệnh nhân, bác sĩ nhận lại được gì?
"Nghề Y giúp tôi nhận lại được quá nhiều", đó là câu nói đầy tự hào của vị bác sĩ vui tính, gần gũi này.
Chính bệnh nhân đã dạy cho tôi rất nhiều điều mà không có một trang giáo án hay bộ môn khoa học nào có được. Họ dạy cho tôi cách khai thác tình trạng bệnh tật mà không phải cái máy siêu âm, xét nghiệm nào làm được, chính là "lời nói – sự sẻ chia".
Lại nói đến chuyện giao tiếp, các cụ ta có câu: "Lời nói chẳng mất tiền mua", tôi quan niệm, không ai đánh thuế lời nói, vì thế khi được trò chuyện, con người ta như xích lại và hiểu nhau nhiều hơn.
Khi làm việc ở bệnh viện, tôi nói chuyện với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, những người xung quanh, khi đứng trên giảng đường cùng hàng nghìn em sinh viên ở dưới, tôi truyền bài giảng cho các em, kèm theo những câu chuyện trong ngành, và cứ như vậy, thầy trò chúng tôi học hỏi lẫn nhau.
Các em sinh viên mới vào nghề giúp tôi tiếp thu những cái mới, bác sĩ lâu năm chia sẻ kinh nghiệm mà họ đúc rút từ nhiều năm cho tôi biết.
Những câu chuyện mà bác sĩ vùng sâu vùng xa chia sẻ thực sự là những bài học bổ ích với tôi. Tôi mới nghĩ, nếu chỉ hạn hẹp cái nhìn của mình ở khoa Nhi này, trong môi trường có máy móc hiện đại, kỹ thuật tiên tiến… thì mọi thứ thật thuận lợi.
Nhưng chỉ cần lên vùng cao, có mỗi ống nghe trong tay, bằng cách thăm khám nhưng vẫn ra bệnh, vẫn chữa bệnh tốt.
"Các em phải biết cách nói chuyện với bệnh nhân thì người ta mới kể hết những điều mà người ta vướng mắc"
Tôi nghĩ: "Nếu không hỏi bệnh tốt trong quá trình thăm khám, không nói chuyện với bệnh nhân khéo léo thì không ra bệnh được. Nên tôi coi việc ứng xử hỏi bệnh nhân nhiều khi còn tốt hơn tất cả máy móc".
Nghề thầy thuốc là nghề làm việc với con người. Bệnh tật của con người không chỉ do những con vi trùng, vi rút hay chấn thương gây ra mà nó còn bệnh trong chính tinh thần gây nên.
Khi đi giảng Bác sĩ Dũng luôn nói với các học trò của mình: "Các em phải biết cách nói chuyện với bệnh nhân thì người ta mới kể hết những điều mà người ta vướng mắc. Điều đó dễ dàng hơn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh".
Chẳng cần nói đâu cho xa, thời gian gần đây, nhiều cháu nhập viện trong tình trạng đờ đẫn, rối nhiễu về tinh thần, gia đình lo lắng cứ đem bệnh nhi chạy hết viện này đến viện khác làm các xét nghiệm, thăm khám tốn rất nhiều tiền nhưng không ra bệnh.
Thấy được thực tế này, tôi phát hiện ra nhiều điều hay để giúp các cháu vượt qua được khi chỉ điều trị tinh thần, điều trị tâm lý cho chúng.
Khi bệnh nhi đó tới khám, hoá ra những triệu chứng của chúng là do chơi điện thoại và những công nghệ điện tử hiện đại, đến nỗi nhiều đứa trẻ ngồi mà cứ bị giật liên tục.
Khi đã "gãi đúng chỗ ngứa", bệnh nhân điều trị ở đây nửa tháng, chúng tôi điều trị cho cháu bằng cách thoát ra khỏi chiếc điện thoại, giao tiếp và trò chuyện nhiều hơn. Dần dần các các cháu trở lại tinh thần bình thường.
Tôi dẫn một ví dụ điển hình như vậy để thấy được rằng: "Nghề Y có những bệnh không một máy móc hiện đại nào có thể giúp chúng tôi chẩn đoán ra bệnh mà chỉ bằng cách tiếp xúc với bệnh nhân, thăm khám, trò chuyện thì mới tìm ra bệnh được".