PGS.TS, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu trả lời độc giả báo điện tử Trí Thức Trẻ và Soha.vn tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: Bác sĩ bị đánh: Lỗi tại ai? diễn ra sáng 6/3/2018. Dưới đây là những chia sẻ của BS Nguyễn Lân Hiếu.
Hỏi: Thưa BS Nguyễn Lân Hiếu, là người trong cuộc (bác sĩ trực tiếp làm chuyên môn, là người quản lý, phó GĐ BV), là người có trọng trách lo cho sự phát triển nói chung của ngành Y (Đại biểu QH), ông có cảm nghĩ như thế nào khi thấy nhân viên y tế bị bạo hành?([email protected])
BS Nguyễn Lân Hiếu: Cảm nghĩ đầu tiên là rất bức xúc, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, những vụ bạo hành y tế xảy ra một cách quá thường xuyên, do đó, từ cảm xúc bức xúc đã chuyển thành cảm giác rất buồn.
Những cố gắng của chúng tôi cũng như toàn xã hội có vẻ chưa đúng hướng, bằng chứng là số vụ bạo hành không những không giảm mà còn tăng một cách đột biến trong thời gian vừa qua.
Hỏi: Xin hỏi PGS. Nguyễn Lân Hiếu, hiện tại chi phí y tế của Việt Nam rất thấp, các bệnh viện hoạt động không có lãi. Việc này dẫn đến các hoạt động y tế chắp vá, trang thiết bị lạc hậu, đội ngũ nhân viên y tế không được trả công tương xứng với lao động, các dịch vụ trong bệnh viện trở nên tạm bợ và tạo ra quá tải => tiêu cực, quá tải => bức xúc cho người dân => bạo lực.
PGS có đồng ý với ý kiến trên? Với tư cách đại biểu quốc hội, PGS có đề xuất hướng giải quyết vấn đề này như thế nào? (độc giả Bui Nghia Thinh)?
BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi đồng ý với ý kiến trên, đây chính là cốt lõi của vấn đề. Tuy nhiên, không chỉ mình ngành Y giải quyết được vì đây là vấn đề của toàn xã hội. Ở các xã hội phát triển, chi phí cho y tế và giáo dục luôn nhận được sự quan tâm lớn của tất cả các Chính phủ như một tiêu chí để tranh cử. Chính vì vậy, chi phí cho y tế giáo dục luôn ở mức cao nhất.
Vừa qua, nghị quyết TW 6 đã nhấn mạnh đến đầu tư và chi phí cho y tế với rất nhiều hướng đi mở. Tôi hy vọng Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cần sớm đưa ra các nghị định và quy định cụ thể nhằm nâng cao chi phí cho y tế, đặc biệt là ở các tuyến cơ sở.
Riêng ý kiến cá nhân tôi, cần có một giải pháp tổng thể trong việc phát triển y tế, không để y tế phát triển chạy theo các kỹ thuật cao, chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế của từng bệnh viện mà không có chiến lược chăm sóc sức khoẻ cho toàn dân.
Hỏi: Với vai trò là đại biểu Quốc hội, ông sẽ đại diện cho tiếng nói của người dân hay của ngành y tế? Trong những sự vụ như thế này ông đưa ra quan điểm của mình thế nào? ([email protected])?
BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi luôn lên tiếng ở trong các diễn đàn của Quốc hội cũng như các phương tiên thông tin đại chúng một cách rất kiên quyết, cực lực phản đối hành vi rất vô đạo đức này.
Ngay từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mà tôi được tham dự với tư cách đại biểu, tôi đã có tham luận phân tích về vấn đề này. Tôi cũng đã chính thức đề nghị với Quốc hội có lộ trình để xây dựng Luật chống bạo hành y tế như một số nước đã có. Tuy nhiên, cần có nhiều hơn nữa sự ủng hộ của các vị đại biểu quốc hội.
Tháng 6/2017, khi thông qua Bộ luật Hình sự, chúng tôi đã đấu tranh đưa thêm vào Điều 134, Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 điều khoản tăng nặng cho các đối tượng hành hung nhân viên y tế. Đây là một bằng chứng cho thấy Quốc hội khóa XVI đã rất quan tâm và lắng nghe vấn đề này.
Hỏi: Hiện tại các chế tài cho việc hành hung nhân viên y tế quá yếu không đủ sức răn đe, trong khi các lực lượng bảo vệ nhân viên y tế lại không có hành lang pháp lý hỗ trợ, khi có xung đột, bảo vệ bệnh viện thường xuyên bị kiểm điểm và xử lý hình sự dẫn đến sự hung hăng của người nhà bệnh nhân (do được cổ vũ bởi đánh cũng chả sao, đánh là đúng) và sự rụt rè của lực lượng bảo vệ (do can thiệp kiểu gì cũng bị phạt, kiểu gì cũng bị xử lý hình sự).
Xin ông cho ý kiến về vấn đề này và các giải pháp. ( [email protected])
BS Nguyễn Lân Hiếu: Lực lượng bảo vệ bệnh viện hiện nay rất không đồng đều về trình độ nghiệp vụ. Có những bệnh viện được huấn luyện rất tốt và xử lý rất chuyên nghiệp, có bệnh viện lại hết sức nghiệp dư, bảo vệ chỉ có nhiệm vụ trông xe hoàn toàn không tham gia vào ổn định an ninh trật tự của bệnh viện.
Đây là một yếu tố rất quan trọng trong việc giảm bạo hành y tế. Theo tôi cần có các công ty bảo vệ các cơ sở y tế chuyên nghiệp với việc huấn luyện các nhân viên bảo vệ có thể xử lý các trường hợp manh động ngay từ khi sự việc mới xảy ra.
Chúng ta có thể tham khảo những mô hình bảo vệ bệnh viện rất tốt như ở bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Vinmec.
Riêng bệnh viện Đại học Y Hà Nội chúng tôi sẽ chỉ ký hợp đồng với các điều khoản ràng buộc các nhân viên bảo vệ phải được huấn luyện, tuổi đời dưới 40 và có chiều cao trên 1m65… Hy vọng với sự chuyên nghiệp của lực lượng này sẽ chùn tay những đối tượng manh động, vô ý thức.
Hỏi: Phân tuyến kỹ thuật hiện tại hạn chế sự phát triển của các bệnh viện nhỏ, tuyến trước và tư nhân bằng cách tạo ra các giới hạn trần kỹ thuật cho mỗi tuyến. Việc này làm trầm trọng thêm tình trạng phân bố không đều bệnh nhân giữa các bệnh viện, bệnh nhân và bác sỹ có xu hướng bỏ bệnh viện nhỏ tuyến trước đề về các bệnh viện lớn tuyến sau?
Các bệnh viện lớn tuyến sau quá tải thêm quá tải, làm giảm chất lượng khám chữa bệnh, các bệnh viện nhỏ tuyến trước thiếu vắng bệnh nhân gây lãng phí, và tiếp tục không có kinh nghiệm và động lực để phát triển.
Chính quá tải và giảm chất lượng khám chữa bệnh là nguyên nhân của bạo lực. Ông có đồng ý với ý kiến này không? Nếu ông đồng ý thì hướng khắc phục? (Độc giả Bui Nghia Thinh...)
BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi đồng ý với ý kiến của độc giả Thịnh. Chính vì vậy tôi nghĩ cần phải có điều chỉnh rõ ràng về quy hoạch phát triển của y tế Việt Nam trong thời gian tới.
Chúng ta không thể phát triển y tế theo hình "quả chôm chôm", có nghĩa là bệnh viện nào cũng phát triển tất cả các mũi nhọn, cần phát triển hệ thống y tế cơ sở với nền tảng vững chắc, trong một khu vực không có quá nhiều các bệnh viện cùng phát triển các kỹ thuật cao tương tự như nhau.
Về lâu dài, tôi nghĩ cần xoá bỏ các tuyến, phát triển các bệnh viện khu vực có trình độ đồng đều. Hiện nay theo tôi, nỗi lo lớn nhất của ngành y tế không phải là thiếu phương tiện thuốc men mà là thiếu yếu tố con người.
Sự tôn trọng các chỉ định điều trị cũng như sự an toàn của người bệnh đang bị rất nhiều các bác sĩ bỏ qua vì chạy theo số lượng cũng như danh tiếng của các bệnh viện mình.
Hỏi: Chào bác sĩ Hiếu, giữa năm 2017, các nhân viên y tế vui mừng vì ông đã đề xuất thành công bổ sung tình tiết tăng nặng kẻ hành hung người đang "chăm sóc sức khoẻ cho mình".
Tuy nhiên, từ đó đến giờ nạn bạo hành y tế vẫn tiếp tục gia tăng theo tần suất ngày càng dày đặc, tính chất ngày càng manh động. Ông đã có dự định làm gì để tiếp tục sự nghiệp chống bạo hành y tế và bảo vệ các nhân viên y tế chưa? ([email protected])
Liên tiếp các vụ hành hung bác sĩ trở thành nỗi ám ảnh của nhân viên y tế.
BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi sẽ cùng lúc đề xuất thay đổi theo 3 hướng:
- Hướng thứ nhất, tiếp tục hoàn chỉnh hành lang pháp lý trong việc chống bạo hành y tế.
- Hướng thứ hai, nâng cao khả năng ứng phó trước các vụ bạo hành của bệnh viện và bản thân các cán bộ nhân viên y tế.
- Hướng thứ ba, chuyên nghiệp hoá, tiêu chuẩn hoá lực lượng bảo vệ bệnh viện có phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát.
Hỏi: Theo tôi, tình trạng hành hung bác sĩ là do từ cả 2 phía, do bác sĩ Việt Nam quá áp lực vì số lượng bệnh nhân nhiều, còn người nhà bệnh nhân lại quá cầu thị vào bác sĩ, coi bác sĩ là "thánh nhân".
Vậy xin hỏi bác sĩ Lân Hiếu, có giải pháp nào để trung hòa được 2 phía người nhà và bác sĩ? Có cần thiết phải thành lập phía trung gian hoà giải giữa người nhà và BS để giảm thiểu tình trạng bạo lực y tế như hiện nay hay không? (FB Linh Đỗ)
BS Nguyễn Lân Hiếu: Theo tôi, hiện nay áp lực không chỉ dành cho bác sĩ mà dành cho tất cả các cán bộ nhân viên y tế, những người mặc áo choàng trắng. Chính vì vậy, ý kiến cần có một phía trung gian là rất hợp lý.
Các bệnh viện nên xây dựng đơn vị tiếp đón độc lập được huấn luyện, không cần là các nhân viên y tế, có đồng phục riêng. Từ cuối năm 2017, bệnh viện Đaị học Y Hà Nội chúng tôi đã thành lập đơn vị như vậy và thu được những hiệu quả nhất định.
Hỏi: Xin hỏi bác sĩ Hiếu, với cương vị của ông, chắc chắn ông rất thấu hiểu nguyên nhân của bạo lực y tế. Xin hỏi ông, nguyên nhân bạo lực y tế có phải như người ta nói là do thái độ của nhân viên y tế chưa tốt với người dân không? Còn nguyên nhân gì nữa không? (Phúc Khánh..., Nam Định)
BS. Nguyễn Lân Hiếu: Có rất nhiều trường hợp nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo hành y tế là các sự hiểu nhầm về mặt chuyên môn của người dân với hệ thống y tế.
Sự phân loại các trường hợp cấp cứu tối cấp và cấp cứu thông thường thuộc về chuyên môn của các bác sĩ và nhân viên y tế. Chính vì không biết được điều này nên chúng ta thường bức xúc với sự không ưu tiên trong phòng cấp cứu.
Ngoài ra, nếu nhìn vào toàn xã hội chúng ta đều thấy bức xúc đang trở thành một xu thế ở khắp mọi nơi chính vì vậy môi trường bệnh viện là nơi thuận lợi nhất để các bức xúc đó bùng nổ.
Hỏi: Thưa bác sĩ Lân Hiếu, gia đình tôi có người từng điều trị dài ngày tại một bệnh viện tuyến tỉnh. Tại đây, có bác sĩ nhiều lần chủ động vòi vĩnh, nhờ vả người nhà bệnh nhân "mua đồ" giúp, dù bác sĩ biết rõ điều kiện kinh tế của từng bệnh nhân lâu năm của khoa mình.
Là một người thầy thuốc, ông đánh giá như thế nào về y đức của những người như vậy? Phải chăng, đó là nguyên nhân khiến người nhà bệnh nhân bức xúc và bạo hành bác sĩ? (FB Nga Bui...)
BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi đồng ý nếu chuyện đó thực sự xảy ra với gia đình bạn thì đó chính là một hình ảnh hết sức phản cảm của ngành y chúng tôi. Trong quá khứ, những hiện tượng như thế không phải hiếm gặp, tuy nhiên phải khẳng định điều này đã giảm đi rất nhiều do sự cố gắng của toàn bộ ngành y tế cũng như sự phát triển của xã hội.
Rất mong bạn sẽ thẳng thắn phản ánh đến Ban Giám đốc bệnh viện hoặc đơn giản hơn là đưa lên facebook cá nhân của mình với tinh thần xây dựng cho một xã hội tốt đẹp hơn. Tôi không nghĩ có sự bao che hay gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị của người nhà bạn nếu bạn phản ánh sự thật này.
Hỏi: Thưa bác sĩ Hiếu, gần đây, tôi có đọc một bài báo nói về việc có một thứ "máu lạnh" chảy trong bệnh viện và xảy ra các vụ bạo hành là do người dân mất niềm tin vào y tế, tôi xin ý kiến của PGS. Nguyễn Lân Hiếu về việc này. Xin cảm ơn anh! (Độc giả Phương T...)
BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi khẳng định không có dòng "máu lạnh" nào trong cán bộ nhân viên y tế mà ngược lại càng ngày dòng máu chảy trong chúng tôi càng ấm hơn.
Chúng tôi vẫn ngày đêm cống hiến sức khoẻ và trí tuệ của mình trong việc chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Không có một nhân viên y tế nào mong muốn bệnh nhân của mình không khỏi bệnh. Rất mong bạn và gia đình mình tin tưởng vào hệ thống y tế ngày càng phát triển của chúng tôi.
Hỏi: Thưa BS Hiếu, bác sĩ có thể vận động để có chính sách bác sĩ được tránh mặt trong các trường hợp bị bạo hành được ko ạ?
Vì sau khi bị bạo hành, thậm chí bị đánh các nhân viên y tế vẫn phải tiếp tục công việc trong cay đắng và tủi nhục, vừa làm tiếp vừa bị chửi bới... trong 1 tâm trạng vô cùng khó chịu và rối bời, như vậy có khi chất lượng khám và chăm sóc còn tệ hơn (độc giả Hoàng Nguyễn Xuân...)
BS. Nguyễn Lân Hiếu: Tôi nghĩ đây không phải cần một chính sách mà điều đương nhiên khi bị tấn công chúng ta hoàn toàn có quyền rút lui, thậm chí chống trả nếu nguy hại đến tính mạng.
Vấn đề đặt ra cần phải có một quy trình xử lý khi có bạo hành y tế như một hướng dẫn có hiệu lực pháp lý mà ngành y tế đề ra. Rất mong Bộ Y tế sớm tập hợp các chuyên gia để biên soạn quy trình này một cách rõ ràng, chi tiết.