Trước tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tuy đã về hưu nhưng ông vẫn dành tâm huyết và thời gian giúp cộng đồng yên tâm, bình tĩnh ứng phó.
Thông qua mạng xã hội của người Việt - Lotus.vn - PGS.TS Nguyễn Huy Nga thường xuyên có bài viết và trả lời bạn đọc.
Mời quý độc giả đón đọc các phần hỏi - đáp bên dưới, và đặt câu hỏi cho PGS.TS Nguyễn Huy Nga tại đây, hoặc bằng cách tham gia cộng đồng "Dịch Corona: Bình Tĩnh Sống".
Thời gian này Việt Nam bắt đầu thực hiện cách ly toàn xã hội. Một số người dùng Lotus tiếp tục gửi câu hỏi cho tôi liên quan đến sức khỏe cá nhân và các biện pháp cách ly. Tôi xin trả lời dưới đây.
Nguyễn Văn Lâm: Xin chào bác sĩ, cho tôi hỏi hiện tại ở công ty đã có một vài người bị nhiễm bệnh. Tôi không có tiếp xúc trực tiếp với những người này mà chỉ đi ngang qua thôi. Vậy tôi có nguy cơ bị nhiễm hay không? Gần đây đọc nhiều tin tức tôi thấy hoang mang quá, tôi cần phải làm gì bây giờ?
Trả lời: Khi công ty có ngưới nhiễm bệnh, nếu bạn đi qua người bệnh nhưng khoảng cách gần dưới 2 mét và điều kiện làm việc cùng nhau trong một tòa nhà thì bạn phải khai báo y tế, tự cách ly và làm theo chỉ dẫn của cơ quan y tế tại địa phương mà cơ quan bạn đóng.
Thông thường nếu bạn cùng ở trong một công ty, cùng tòa nhà mà có người bị bệnh thì cơ quan phải phân loại tất cả F2 phải cách ly tập trung và làm xét nghiệm, F3 phải thực hiện cách ly ở nhà….
Vương Bảo Ngọc: Chào bác, cháu muốn hỏi cháu là F1, hiện đã có kết quả âm tính và cháu đã thực hiện cách ly đủ 14 ngày rồi. Nhưng cháu vẫn muốn xét nghiệm virus cho cẩn thận, thì có thể đến viện vệ sinh dịch tễ làm dịch vụ được không ạ? Có nơi nào để đăg ký đến nhà lấy mẫu xét nghiệm không ạ?
Trả lời: Hiện nay không có dịch vụ xét nghiệm. Tuy nhiên Hà Nội đang có các điểm xét nghiệm lưu động, bạn có thể liên hệ đăng ký xem sao.
Kiều Khoa: Cháu bị ho, không sốt, không rát họng. Khu vực sống và làm việc của cháu không có nghười nghi nhiễm. Bản thân cháu cũng không tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Vậy cháu có khả năng bị nhiễm không?
Trả lời: Khả năng thấp, nhưng cháu cũng phải theo dõi, nếu ho nhiều thì phải đi khám bệnh, hoặc điện thoại cho cơ quan y tế khu vực cháu sinh sống để được hướng dẫn.
Hậu Phạm: Việt Nam đang vào giai đoạn rất cam go khi báo chí đưa tin mất dấu F0. Vậy theo bác sĩ, tình hình tại Việt Nam có khả năng lên đỉnh dịch hay không? Và con số đỉnh ước tính theo thống kê tại Việt Nam sẽ là bao nhiêu?
Trả lời: Hiện nay thì dịch vẫn tiến triển chậm, trong tầm kiểm soát. Chúng ta đã bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội nên dịch sẽ khó có khả năng bùng phát mạnh như ở châu Âu hay Mỹ.
Nếu chúng ta không thực hiện tốt giãn cách xã hội trong 2 tuần tới thì dịch bùng phát và lúc đó sẽ có đỉnh. Nhưng con số bao nhiêu là do các biện pháp khống chế, dập dịch của ta quyết định. Hy vọng là không có đỉnh dịch trong thời gian tới.