PGS.TS Nguyễn Huy Nga: COVID-19 tái hoạt động sau khi âm tính, chưa có trường hợp lây nhiễm cho người khác

PGS.TS Nguyễn Huy Nga |

Cho đến thời điểm này thì chưa có nghiên cứu nào báo cáo có trường hợp nào sau khi dương tính trở lại làm lây nhiễm cho người khác.


Mới đây, trên mạng xã hội Lotus.vn xuất hiện bài viết của PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế giải đáp những thắc mắc của người dân về tình trạng tái dương tính của virus SARS-CoV-2.

Đây là thông tin được nhiều người quan tâm, chúng tôi xin phép đăng tải để quý vị tiện theo dõi.

Cho đến thời điểm này thì chưa có nghiên cứu nào báo cáo có trường hợp nào sau khi dương tính trở lại làm lây nhiễm cho người khác. Các chuyên gia cho rằng khả năng lây nhiễm của những bệnh nhân đã âm tính 3 lần sau điều trị là rất thấp. Khác hẳn với dương tính lần đầu.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: COVID-19 tái hoạt động sau khi âm tính, chưa có trường hợp lây nhiễm cho người khác - Ảnh 2.

Thống kê ở Hàn Quốc và gần đây tại Việt Nam cho thấy có sự gia tăng số bệnh nhân tái dương tính với virus corona chủng mới sau khi được công bố khỏi bệnh. PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế có những giải đáp khá chi tiết liên quan tới các trường hợp này.

Làn sóng các bệnh nhân COVID-19 tái dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) sau khi đã hồi phục đang khiến nhiều người lo lắng rằng virus này có khả năng "tái hoạt động" hay lây nhiễm cho mọi người nhiều lần. Vậy mức độ lây nhiễm của những người tái dương tính có giống những người dương tính lần đầu hay không ạ?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Cho đến thời điểm này thì chưa có nghiên cứu nào báo cáo có trường hợp nào sau khi dương tính trở lại làm lây nhiễm cho người khác. Các chuyên gia cho rằng khả năng lây nhiễm của những bệnh nhân đã âm tính 3 lần sau điều trị là rất thấp. Khác hẳn với dương tính lần đầu.

Đơn cử như trường hợp Bệnh nhân số 50 ở Quảng Ninh, bệnh nhân này xét nghiệm phát hiện dương tính ngày 13/3, 18/3 và 23/3; đã có hai lần xét nghiệm âm tính vào ngày 26 và 28/3, nhưng dương tính trở lại vào các ngày 30/3, 2/4 và 5/4 (theo báo Quảng Ninh).

Có ý kiến cho rằng, bệnh nhân số 50 có thể là một trong những trường hợp bệnh nhân Covid-19 điều trị thành công, xét nghiệm nhiều lần cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, nhưng khi về cộng đồng một thời gian khi xét nghiệm sàng lọc lại "tái dương tính" với SARS-CoV-2.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: COVID-19 tái hoạt động sau khi âm tính, chưa có trường hợp lây nhiễm cho người khác - Ảnh 3.

Theo tôi thì ca bệnh này chưa điều trị xong. Cụ thể là, cơ thể chưa đào thải hết virus, chưa diệt được hết virus. Vì thực tế, khả năng tái nhiễm sau khi 3 lần xét nghiệm âm tính là rất ít. Bệnh nhân đã xét nghiệm âm tính 2 lần, và đến lần thứ 3 thì dương tính.

Như vậy là điều trị chưa sạch, vì ta không có thuốc đặc hiệu. Tuy nhiên theo tôi, sau điều trị, virus đã bị suy yếu nên khả năng lây bệnh cho người khác sau giai đoạn tiếp tục cách ly 14 ngày là rất thấp. Tính đến nay chưa có trường hợp nào lây từ người đã điều trị xong trở về cộng đồng được báo cáo.

Thống kê tại Hàn Quốc, cho đến nay đã ghi nhận hơn 260 bệnh nhân tái dương tính với virus Corona chủng mới sau khi hồi phục, còn Việt Nam đã có 14 ca tái dương tính, chiếm gần 6% (chủ yếu nằm ở giai đoạn 2). Vì sao con số tái dương tính giai đoạn 2 lại nhiều đến vậy trong khi giai đoạn 1, nước ta có 16 người được công bố khỏi bệnh hầu như đã khỏi hoàn toàn?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Thực ra số lượng bệnh nhân càng nhiều thì xác suất dương tính lại càng cao. Cũng không thể nói là có sự khác nhau giữa hai giai đoạn ở Việt Nam.

Việc người nhiễm COVID-19 dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bênh có 3 nguyên nhân chính: Một là, bệnh nhân còn mang trong tế bào virus đang hoạt động nên nó nhân liên trở lại; Thứ 2, các mảnh hẹn virus được tích lũy vào hầu hoành họng do từ phổi bị đẩy lên hầu họng; và thứ 3 là do sai sót trong xét nghiệm trong việc lấy mẫu, vận chuyển...vvv.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: COVID-19 tái hoạt động sau khi âm tính, chưa có trường hợp lây nhiễm cho người khác - Ảnh 4.

Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng người khỏi bệnh vẫn có thể mang trong người những đoạn nhỏ RNA của virus SARS-CoV-2 (không hoạt động) vốn sẽ cho kết quả dương tính trong các xét nghiệm xét nghiệm PCR, có phải đó là lý do khiến có nhiều ca tái dương tính hơn hay không ạ?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Đó cũng là một trong các lý do kỹ thuật.

Vậy tỷ lệ dương tính lại ở Việt Nam như hiện nay có cao so với các nước hay không ạ?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Tỷ lệ dương tính lại ở Việt Nam cũng vào loại trung bình, không cao hơn. Và thực tế, ở nhiều nước họ cũng không làm xét nghiệm kỹ như Hàn Quốc và Việt Nam nên con số thống kê chưa thực sự nói hết thực tế.

Tôi cho rằng, trong đại dịch lần này người dân sẽ nhìn nhận và hiểu rất rõ rằng, sức khỏe là quan trọng nhất, còn sống còn khỏe là thành công. Mọi thứ mất đi còn có cơ hội tìm lại còn mỗi khi sức khỏe và mạng sống đã mất đi thì không có cơ hội lấy lại.

Mọi dịch bệnh, mọi khó khăn gian khổ rồi cũng sẽ qua đi. Tôi mong, mọi người dân hãy tin tưởng vào nền y tế nước nhà. Hãy luôn luôn hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại