Đại dịch Covid-19 là bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, hiện đang ảnh hưởng và gây thiệt hại trên phạm vi toàn cầu.
Dịch bệnh này bắt đầu xuất hiện từ tháng 12 năm 2019, với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận là thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc.
Bệnh bắt đầu từ một nhóm người bị mắc bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân, giới chức y tế địa phương xác nhận trước đó nhóm người này đã có tiếp xúc, chủ yếu là với những thương nhân buôn bán và làm việc tại chợ bán buôn hải sản Hoa Nam.
Sự lây nhiễm của virus từ người sang người đã được xác nhận cùng với tỷ lệ bùng phát dịch tăng nhanh vào giữa tháng 1 năm 2020. Hiện, bệnh Covid-19 đã lây lan tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hình ảnh virus SARS -CoV-2 được phân lập vào ngày 7/2.
"Qua thời gian theo dõi và nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện đã nhận thấy sự biến đổi về tiến hóa của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 tại Việt Nam", PGS Quỳnh Mai nói.
Tuy nhiên, theo PGS Quỳnh Mai không chỉ có riêng Việt Nam mà trên cả thế giới virus đều có sự biến đổi.
Riêng tại Việt Nam virus SARS-CoV-2 đã tách ra thành 2 nhóm khác hẳn nhau cụ thể như sau:
- Nhóm virus từ những người trở về từ Vũ Hán Trung Quốc trong giai đoạn 1 của đại dịch Covid-19
- Nhóm thứ 2 là virus từ những người nhập từ Châu Âu về Việt Nam trong thời gian qua.
Quá trình phân lập virus từ mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân đến từ Trung Quốc và châu Âu, các nhà khoa học viện thấy 2 nhóm này có sự khác biệt. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn chưa thể chỉ ra sự lây lan của nhóm nào mạnh hơn. Do virus lây lan sẽ phải phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, môi trường, yếu tố cảm nhiễm…
PGS Quỳnh Mai cho hay: "Việc phân lập biết được sự khác nhau giữ 2 nhóm virus trên sẽ giúp cho các nhà khoa học biết được diễn biến, xu hướng tiến hóa của virus. Nhờ phát hiện ra sự tiến hóa của virus sẽ giúp cho việc sản xuất vắc xin phòng bệnh hiệu quả hơn".
Trước đó, vào ngày 7-2, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công virus corona mới. Trong quá trình phân lập virus từ mẫu bệnh phẩm của người Việt đầu tiên mắc bệnh từ Vũ Hán trở về các nhà khoa học của Việt cũng đã phát hiện bộ gen virus gây bệnh tại Việt Nam có sự khác biệt so với tại Trung Quốc.
Việc phân lập, nuôi cấy thành công đã giúp phát triển các sinh phẩm xét nghiệm và nghiên cứu điều chế vắc xin phòng bệnh trong tương lai.
Bộ Y tế đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đẫ đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:
1. Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.
2. Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 mét.
3. Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ vật dụng nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác và khi về nhà.
4. Không bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng.
5. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.
6. Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
7. Nếu phải cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.
8. Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng điện thoại hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.
9. Khai báo y tế qua ứng dụng (https://ncovi.vn) cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.
10. Không mời khách đến nhà và cũng không nên đến nhà người khác. Cuộc sống sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau.
Đọc các bài viết tác giả Ngọc Minh để nắm bắt thông tin y tế, sức khỏe mới nhất