Tình trạng viêm kéo dài (viêm mạn tính) có thể làm hỏng các tế bào khỏe mạnh, gây ảnh hưởng tới cơ thể.
Phó giáo sư y khoa tại trường Y Harvard, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Jacqueline Wolf cho biết thực phẩm ăn hàng ngày có liên hệ mật thiết đối với tình trạng viêm nhiễm. Trong khi một số loại thực phẩm giúp tăng miễn dịch, chống viêm thì một số loại thực phẩm khác có thể gây viêm.
PGS Jacqueline cho biết có 3 thực phẩm mà chuyên gia hiếm khi “động tới” vì chúng có thể gây viêm nhiễm, tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính cho cơ thể.
1. Các loại thịt chứa nhiều mỡ
Nghiên cứu chỉ ra rằng các loại thịt nhiều chất béo như thịt bò, thịt lợn và thịt cừu có liên quan đến tình trạng viêm nhiễm. Điều này là do mỡ động vật và chất béo bão hòa trong thịt có thể tác động đến vi khuẩn đường ruột bằng cách tăng lipopolysacarit, có thể gây viêm, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường, từ đó hình thành các tế bào ung thư.
Các loại thịt đỏ nhiều mỡ kể trên thường được nhiều người ưa chuộng. Tuy vậy, mọi người cũng không nên ăn quá nhiều để đảm bảo sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật.
PGS Jacqueline khuyến khích mọi người nên thay thế thịt đỏ nhiều mỡ thành các loại thịt trắng như thì gà, cá chứa ít chất béo bão hòa, giàu axit béo omega-3 có tác dụng chống viêm, bảo vệ sức khỏe.
Ảnh minh họa.
2. Thực phẩm siêu chế biến
Thực phẩm siêu chế biến thường trải qua nhiều công đoạn chế biến, thường chứa nhiều chất phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản, nhưng lại ít thành phần nguyên chất... Thực phẩm siêu chế biến cũng chứa nhiều chất béo bão hòa, muối và đường bổ sung có liên quan mật thiết đến chứng viêm.
Các nghiên cứu trước đây cũng đã tìm thấy mối liên hệ giữa thực phẩm siêu chế biến và nguy cơ gia tăng mỡ máu, đái tháo đường, béo phì, suy giảm nhận thức, ung thư vú và nhiều loại ung thư khác.
PGS Jacqueline cho biết thay vì thường xuyên ăn các thực phẩm siêu chế biến, mọi người nên ăn thêm các loại ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả tươi rất giàu polyphenol có tác dụng chống oxy hóa, ức chế chứng viêm.
Ảnh minh họa.
3. Đồ uống có đường
Một số nghiên cứu cho thấy rằng ăn quá nhiều đường có thể kích thích sự phát triển của vi khuẩn gây viêm đường ruột có thể làm tăng mắc bệnh viêm đường ruột. Thêm vào đó, các thực phẩm chứa nhiều đường có thể góp phần làm tăng lượng đường trong máu, khiến lượng đường trong máu tăng vọt, từ đó làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2.
Một phân tích tổng hợp được công bố trên tạp chí Nutrients cho thấy việc tiêu thụ nhiều đường, đặc biệt là khi tiêu thụ ở dạng đồ uống có đường, có thể làm tăng mức protein phản ứng C trong cơ thể, gây viêm mạn tính.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng một người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ khoảng 25 gam đường một ngày. Lượng đường này bao gồm đường fructose tự nhiên có trong thực phẩm và đường bổ sung.
Chuyên gia Jacqueline gợi ý mọi người có thể thay thế các loại đồ uống chứa đường bằng cà phê hoặc các loại trà như trà ô long, trà đen và trà xanh giàu chất chống oxy hóa để chống viêm và bảo vệ sức khỏe.