Hàng ngày chúng ta tiếp xúc, sử dụng rất nhiều sản phẩm nước đóng chai hoặc đóng bình sẵn, từ loại chai 300ml, 500ml đến 1,5l, bình 20l... Tuy nhiên, không nhiều người biết cơ chế khoa học tạo thành những loại nước này như thế nào, để từ đó biết cách đọc đúng nhãn sản phẩm, chọn loại sản phẩm phù hợp cho nhu cầu sử dụng của cá nhân và gia đình.
Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với PGS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (ĐHQG Hà Nội) để giải đáp vấn đề này.
PV: Thưa PGS, ông có thể giải thích cho độc giả biết các loại nước đóng chai, đóng bình phổ biến như 300ml, 500ml đến 1,5l, bình 20l được hình thành, sản xuất như thế nào?
PGS Trần Hồng Côn: Đó được gọi là nước sạch đóng sẵn, về lý thuyết là đã loại hết chất độc hại, loại hết vi khuẩn, vi trùng, và người ta đóng vào chai, bình để có thể sử dụng. Loại nước này phải tuân theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
Thế nhưng người ta hay đánh đồng, nhầm lẫn các loại nước đóng sẵn với nhau, coi nước tinh khiết như nước khoáng.
Thực ra, nước khoáng là loại nước mà trong đó ngoài việc đạt tiêu chuẩn về độ sạch như nước tinh khiết thì nó còn phải bảo đảm bên trong có chứa một số khoáng chất như Natri, Canxi, Kali… có lợi ích với sức khỏe hoặc hỗ trợ chữa bệnh cho con người.
Hình minh họa. Một số chỉ tiêu hóa học của nước khoáng.
PV: Thưa PGS, đối với các loại nước đóng sẵn, uống vào thường có vị khang khác, không biết cái đó từ đâu mà ra và có ảnh hưởng đến cơ thể không?
PGS Trần Hồng Côn: Để trả lời được điều đó, chúng ta phải hiểu được các loại nước đóng sẵn được phân loại như thế nào.
- Đầu tiên, là loại nước đóng sẵn được lọc qua màng RO rồi sử dụng ngay, thì đạt tiêu chuẩn là không có các chất độc hại, vi khuẩn. Nó thường được ghi nhãn là nước tinh khiết. Uống này vào sẽ có cảm giác hơi ngọt ngọt.
Đó là do hầu hết muối khoáng trong nước đã loại hết đi khi lọc qua RO, chỉ còn là nước sạch thôi, gần như là tinh khiết. Khi uống vào trong cổ họng, dịch muối của cơ thể phải tiết ra để trung hòa lượng muối thiếu hụt của nước đó, nên cảm giác sẽ hơi ngọt ngọt.
Hình minh họa
- Loại khác là nước khoáng, là loại vẫn còn muối khoáng. Nó có thể không lọc qua RO nhưng vẫn đạt được những tiêu chuẩn làm sạch các chất độc hại, giữ nguyên các muối khoáng có ở trong tự nhiên hoặc. Hoặc nó cũng có thể được lọc qua RO, nhưng sau đó bổ sung trở lại thêm 1 chút muối khoáng, nên khi uống vào miệng sẽ hơi ngang ngang, có thể không ngon với nhiều người.
- Ngoài ra, đối với nước đun sôi để nguội hàng ngày ở nhà, hàm lượng Clo tồn dư rất thấp, gần như về đến vòi là không còn mùi nữa. Nhưng mùi vị của nước đun sôi để nguội lại phụ thuộc vào ấm đun, đun bằng điện khác, đun bằng củi thì khác, thậm chí, đun bằng ấm điện siêu tốc cũng ra một vị khác luôn.
Ví dụ, khi bạn đun bằng củi thì nó sẽ hấp thụ một chút khói, chút gì đó của củi lửa vào. Còn nếu đun bằng ấm nhôm bình thường thì có thể sẽ còn cặn ở trong, khi đun lên sẽ cân bằng những cái đó nên vị hơi đổi một chút. Còn nếu đun bằng ấm siêu tốc thì thời gian sẽ rất nhanh, không thể kết tinh kịp một số đặc điểm của nước, hay I-ôn khác nên cũng cho ra một vị riêng.
PV: Những bình/chai nhựa cũ thường được dùng đi dùng lại nhiều lần, như vậy, liệu có ảnh hưởng gì đến chất lượng của nước hay không?
PGS Trần Hồng Côn: Về nguyên tắc, dùng các bình nhựa như vậy đựng nước là đúng. Tuy nhiên mỗi một khi tái sử dụng thì quy trình sát trùng và làm sạch rất gắt gao. Nếu thực hiện đúng yêu cầu thì vẫn có thể sử dụng được. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào người sản xuất, liệu có làm tuân thủ đúng hết hay không và chất lượng của nhựa.
Mỗi lần tái sử dụng các bình đó đều phải được súc rửa, tiệt trùng, kiểm tra, nếu vẫn đạt yêu cầu khi dùng làm bình chứa thì vẫn có thể sử dụng được. Còn nếu không thực hiện đúng quy trình, chúng sẽ rất dễ nhiễm trùng, nước có thể sạch nhưng bình đựng mà chưa được tiệt trùng thì rất dễ tái nhiễm bẩn.
Hình minh họa
PV: Ông có thể cho một vài lời khuyên để lựa chọn nước đóng sẵn an toàn được không?
PGS Trần Hồng Côn: Về lý thuyết, loại nước chỉ qua lọc RO rồi dùng ngay gần như là tinh khiết, loại bỏ hết tất cả chất độc hại, vi khuẩn, vi trùng và cả muối khoáng. Nhưng ngược lại, nước quá tinh khiết như vậy lại không có lợi cho cơ thể sống, vì nó thiếu khoáng chất, các chất vi lượng. Hay còn gọi là nước chết.
Có những nơi chỉ lấy nước máy bình thường, sau đó lọc qua RO rồi đóng bình đem bán, mỗi bình 20l chỉ khoảng 20 nghìn. Chỉ cần một khu vực có diện tích 10m2 cũng có thể trở thành cơ sở để sản xuất bởi vì nó siêu lợi nhuận, và nguồn nước máy của chúng ta tương đối sạch rồi nên họ chỉ lọc thêm qua RO thôi.
Vậy nên nếu quá lạm dụng nước đóng bình không rõ nguồn gốc như thế, rất dễ dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu muối khoáng, vi lượng, đặc biệt là ở trẻ con và người già. Trong khi trẻ em cần nhiều khoáng chất để phát triển, còn người già thì cơ thể hấp thụ kém.
Hình minh họa
Cơ thể chúng ta như một vũ trụ thu nhỏ, ngoài vỏ Trái Đất có chất gì thì bắt buộc trong có thể phải có chất đó thì mới sống bình thường được. Khi thiếu chất như vậy sẽ gây nhiều bệnh khác nhau và khó phát hiện.
Ví dụ như bội thực hoặc nhiễm độc thì người ta sẽ biết ngay, còn đây bị thiếu muối khoáng, vi chất thì cả cơ thể, cùng các cơ quan đều yếu dần, không dễ để tìm ra bệnh chính xác.
Mà tốt nhất là nên sử dụng các loại nước đun sôi để nguội, hoặc mua các thiết bị lọc nước mà vẫn bảo đảm hàm lượng muối khoáng.
PV: Hiện nay, có một số người lại nói ngược lại, không thích sử dụng nước đóng sẵn, họ nói rằng, tỷ lệ khoáng (Natri, Kali, Canxi) là cao quá, dễ dẫn đến tiêu chảy, viêm ruột, vậy có chính xác không?
PGS Trần Hồng Côn: Quan niệm này là sai, hoàn toàn sai! Nước có bao giờ có tỷ lệ đó cao quá đâu? Hơn thế nữa, Kali là chất mà thông thường cơ thể con người thiếu, Canxi thừa một chút thì không có vấn đề gì, thậm chí, các cụ ngày xưa ăn trầu, tiêm chút vôi bằng hạt ngô cũng là rất nhiều rồi mà có sao đâu.
Hình minh họa
Còn về Natri, trừ khi ai đó uống dung dịch NaCl (nước muối) thì mới gây rối loạn chất điện giải, còn không chỉ uống nước bình thường thì không bao giờ có đến hàm lượng như thế!
Hơn thế nữa có các quy định về hàm lượng các chất trong nước đóng sẵn rồi nên, không cần lo chuyện đó.
PV: Đối với nước đun sôi để nguội, nhiều thông tin trên mạng nói chỉ nên sử dụng trong 24 giờ, liệu điều này có xác không, thưa PGS?
PGS Trần Hồng Côn: Đây cũng là một quan điểm sai lầm. Vấn đề là cách bảo quản, nếu nước đun sôi để nguội, cho vào chai đóng kín thì để được rất lâu, còn nếu để ở chai hở, thì dễ tái nhiễm.
Có nghĩa là vi khuẩn, vi trùng, bụi bẩn trong không khí thâm nhập vào. Mà thực ra, tái nhiễm ở trường hợp đó cũng nhẹ nhàng chứ không quá trầm trọng như quan niệm chỉ sử dụng trong 24 giờ. Vả lại, nếu bị tái nhiễm ở nước do không khí thì việc chúng ta hít thở hàng ngày vào phổi cũng có thể mắc bệnh lâu rồi.
PV: Có nhiều nhà cẩn thận, mua nước đóng chai, đóng bình về rồi lại đun sôi lên trước khi uống cho chắc chắn. Điều này có nên hay không ạ?
PGS Trần Hồng Côn: Hoàn toàn sai, thực ra đó là một sự cẩn thận có phần "ngốc nghếch".
Sai ở chỗ, họ làm như thế là mất tiền 2 lần mà không để làm gì mà có khi lại gây hại. Nếu anh mua những nước đóng bình đã qua lọc RO thì đó là nước gần như tinh khiết, rồi đun sôi là thừa, không để làm gì.
Việc có đun lại hay không thì nước vẫn thế, vì chúng được lọc sạch hết vi trùng, vi khuẩn, chất độc hại, cả muối khoáng, vi chất rồi.
Việc đun sôi bình thường của ta hàng ngày chỉ nhằm 1 mục đích, đó là diệt khuẩn. Bởi khi đun sôi, bản chất các chất hóa học gần như không đổi. Ta phải đun sôi đến khoảng 100 độ, để từ 3-5 phút thì các vi khuẩn thông thường sẽ chết hết.