Luận án chỉ ở mức trung bình
Luận án tiến sĩ tại Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) của NCS Bùi Quang Tiến, chuyên ngành Lý luận và lịch sử mỹ thuật với tên đề tài: "Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 - 2015 ở Việt Nam" đang nhận được một số ý kiến khác nhau.
Sáng 4/10, PGS.TS Lê Văn Tạo, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, phản biện 2 trong Hội đồng chấm luận án của NCS Bùi Quang Tiến đã có những trao đổi với phóng viên.
Là người phản biện luận án tiến sĩ của NCS Bùi Quang Tiến, ông có đánh giá thế nào về những ý kiến của cộng đồng mạng xã hội, dư luận về đề tài này trong vài ngày qua?
PGS.TS Lê Văn Tạo: Trong xã hội ngày nay, việc trao đổi trên mạng xã hội, báo chí là tự do của mỗi người và tôi rất hoan nghênh, tôn trọng. Nhưng để làm sáng tỏ đề tài của NCS Tiến thì nơi đào tạo là Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia phải thông tin rộng rãi về tóm lược luận văn.
Còn chỉ đọc mỗi tên đề tài không thôi thì theo tôi việc tranh luận thế là chưa ổn, sẽ không có hồi kết. Bởi dù người ta viết luận án, luận văn mà chỉ tóm lược khoảng 20 chữ thì không thể nào nói hết nội dung được.
Có những tên đề tài mình có thể phản bác được ngay vì bản thân nó đã có định hướng rất rõ còn có những tên đề tài không thể nói được cái nội diện hay ngoại hình chỉ biểu đạt vấn đề rất nhỏ bé.
NCS Tiến làm luận án nói về nghệ thuật chữ của bìa sách giai đoạn 2005 - 2015 ở Việt Nam. Như vậy, có mấy từ khóa là nghệ thuật trang trí chữ, bìa sách, Việt Nam, 2005 - 2015.
Nếu bàn về nó không thôi thì không có vấn đề gì để làm luận án tiến sĩ cả và đây là công trình khoa học nghiên cứu được.
Công trình này cần giải quyết các vấn đề cụ thể là nghệ thuật chữ trên bìa sách với cách tiếp cận như một dòng văn hóa, một thành tố văn hóa được biểu hiện trên một sản phẩm nửa thương mại, nửa nghệ thuật này và vốn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam chưa được coi trọng.
Thứ hai, giai đoạn 2005 - 2015 là giai đoạn Việt Nam hội nhập thế giới khá đầy đủ, trong đó, có việc chuyển giao, học tập, du nhập công nghệ về in ấn, thiết kế. Do đó, luận án cần làm rõ, họa sĩ Việt Nam đã tiếp thu như thế nào để vẫn giữ được sắc thái văn hóa, truyền thống của cha ông, tạo ra nét mới là gì.
Ở đây, chúng ta nên đọc kỹ luận án này để thấy rõ, NCS này đã giải quyết các vấn đề như thế nào. Còn tôi không ca ngợi NCS này và luận án này chỉ ở mức trung bình, đạt yêu cầu của đào tạo, học thuộc bài để lấy bằng thôi chứ không xuất sắc gì cả.
Chúng tôi cũng phải góp ý nhiều để chỉnh sửa trước khi nộp lên Bộ, Thư viện quốc gia để công nhận chính thức là tiến sĩ.
Ảnh: Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Xin PGS có thể nói rõ hơn về các góp ý nhiều nhất của Hội đồng đối với luận án này?
PGS.TS Lê Văn Tạo: Như tôi đã nói, tôi góp ý về việc cần phải nhìn nhận nghệ thuật chữ trên bìa sách Việt Nam như một thành tố văn hóa Việt.
Thứ hai, thành tố văn hóa Việt này biểu hiện qua kỹ thuật, công nghệ du nhập từ phương Tây mạnh mẽ nhất trong giai đoạn hội nhập này thì câu hỏi đặt ra có bảo tồn được văn hóa dân tộc không?
Thứ ba, tôi đặt ra là bìa sách là vỏ bên ngoài của cuốn sách và dưới góc độ kinh tế, thị trường thì bản thân ngành xuất bản sách là ngành kinh tế nhưng bìa sách lại là yếu tố văn hóa nên tạo ra mâu thuẫn.
Vì vậy, thông qua các bìa sách, giải thưởng sách hay, sách đẹp thì anh có nhận định thế nào, chỉ ra hạn chế, đưa ra dự báo trong tương lai.
Nhiệm vụ là phải trả lời 3 điều đó nhưng luận án của NCS này cần phải bổ sung hoàn thiện việc đặt vấn đề khoa học trước khi nộp lên trên.
Nhiều người còn kém hơn NCS Bùi Quang Tiến
Tuy nhiên, sau khi mình có góp ý, phản biện thì luận án này vẫn được 100% thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu tán thành công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học cho NCS. Bùi Quang Tiến?
PGS.TS Lê Văn Tạo: Khi chấm người ta sẽ chấm tổng thể luận án về hướng, cách giải quyết và góp ý cần nhấn đậm, điều chỉnh những gì.
Tôi có góp ý cho NCS này ở hai hội đồng và quan điểm của tôi vẫn không thay đổi về những điểm nhấn trong luận án cần phải làm đậm, rõ nét hơn, tất cả những nhận định mâu thuẫn với quan điểm đó cần phải xem xét, loại bỏ đi.
Mình góp ý với tư cách người đi trước còn trong khoa học, người ta tiếp thu hay không lại là việc của người ta. Nghiên cứu sinh không nhất thiết phải nghe theo góp ý của phản biện, bởi người ta có bản lĩnh khoa học, quan điểm, luận thuyết bảo vệ.
Còn thông qua này là thông qua phải sửa lại các góp ý của Hội đồng còn các lỗi vi phạm, lỗi khoa học không lớn đến mức phải không cấp bằng và còn một giai đoạn nữa chứ ở đây mới là giai đoạn Hội đồng cấp Viện chấp nhận luận án này.
Liệu rằng, luận án này có phải là một trong những luận án mà thầy phải góp ý nhiều không?
PGS.TS Lê Văn Tạo: Với các luận án tôi đã được ngồi ở Hội đồng chấm ở Việt Nam thì tôi thấy ít có luận án mình hài lòng, cho là xuất sắc. Đời tôi mới chỉ thấy có 2 luận án cho là xuất sắc còn tỷ lệ đến 80% luận án kiểu như của NCS Tiến, tức là chỉ làm cho đủ đảm bảo chứ không xuất sắc.
Nhưng quả thật trong lĩnh vực xã hội, xuất sắc rất khó. Tôi cũng thấy, học như NCS Tiến thì không đến nỗi nào và ở nhóm tôi đánh giá trung bình chứ nhiều người còn kém hơn anh ấy.
Tôi cũng khẳng định, tôi nhận xét rất khách quan và không hề biết các anh nghiên cứu sinh này ở đâu, đến khi bảo vệ mới biết. Nhiều người bảo vệ xong mời chúng tôi ăn cơm nhưng tôi dứt khoát không ăn mà về nhà.
Xin cảm ơn PGS về cuộc trao đổi này!
Trước đó, khẳng định, đại diện Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khẳng định, về thủ tục hành chính đối với hồ sơ của NCS Bùi Quang Tiến, học viện đã làm đúng các quy trình để có một luận án tiến sĩ. Đồng thời, Viện đã mời các nhà khoa học có uy tín tham gia Hội đồng chấm và tôn trọng quyết định đó.
Còn GS.TS Trương Quốc Bình, phản biện thứ 1 của Hội đồng cũng cho rằng, vấn đề liên quan đến luận án TS của NCS Tiến rất dài và ông sẽ trao đổi sau.
Phóng sự của VTV về chất lượng tiến sĩ ở Việt Nam