PGS Nguyễn Phương Mai: Nếu cứ sống chung với cơn đại dịch mang tên khiếp hãi, hậu quả trước hết là béo, xấu và ngốc đi

PGS.TS NGUYỄN PHƯƠNG MAI |

Theo PGS.TS Nguyễn Phương Mai phân tích bộ não chúng ta tác động đáng kinh ngạc đến ngoại hình và với chính nó. Nếu tự nhấn chìm mình trong sợ hãi, điều dễ thấy nhất là chúng ta sẽ có một cơ thể “hết dịch hết hồn”.

Sáng nay tôi thử phân tích 100 status facebook của bạn bè mình. Gần 80% các bài viết đếm số người dương tính, bàn luận về người cách ly, so sánh cách chống dịch của các nước, hoặc than thở và chửi rủa. 

May thay vẫn còn rất nhiều bạn chia sẻ giải pháp để cuộc sống vẫn có ý nghĩa trong mùa dịch: cách vận hành công ty, phương thức chơi và dạy với con, đóng góp tiền và sức người cho chính phủ, giúp đỡ người bị cách ly, cảm ơn người nghi nhiễm đã chấp nhận cách ly vì họ đã hy sinh 2 tuần để làm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho cộng đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ gần 80% khiến tôi tự hỏi: Thực tế trên toàn xã hội, số người ăn ngủ, chuyện trò chỉ xoay quanh mỗi sợ hãi về con virus ấy sẽ là bao nhiêu?

PGS Nguyễn Phương Mai: Nếu cứ sống chung với cơn đại dịch mang tên khiếp hãi, hậu quả trước hết là béo, xấu và ngốc đi - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai hiện đang giảng dạy chuyên ngành Giao tiếp và quản trị đa văn hóa tại Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam (Hà Lan) đồng thời chị đang học bậc Thạc sĩ chuyên ngành thần kinh tại Đại học King London.

Khi tổ tiên ta gặp hổ trong rừng

Sợ hãi là cảm xúc quan trọng nhất trong mọi cảm xúc vì nó giúp chúng ta sinh tồn. Khi bộ não nhận tín hiệu nguy hiểm, ví dụ tổ tiên chúng ta hàng ngàn năm trước đang đi tìm củi thì gặp dấu chân hổ, bộ não lập tức chuyển sang trạng thái sẵn sàng ứng phó với hai lựa chọn: chống chọi hay bỏ chạy (fight or flight). Cả hai lựa chọn đều tạo ra cortisol trong cơ thể. Năng lượng dồn đến những bộ phận có vai trò giúp con người chống trả hiểm nguy hoặc thoát hiểm như máu dồn vào cơ, tim đập nhanh cung cấp oxy, v.v.

Như vậy, cortisol rất hữu ích vì nó giúp chúng ta, dù mệt đến mấy, cũng ngay lập tức đủ sức lực để tìm cách bảo toàn tính mạng.

Vấn đề là trong thời hiện đại, những mối hiểm nguy chúng ta gặp hàng ngày không phải là lũ hổ báo mà là deadline bài vở, ông bà sếp khó tính, đồng nghiệp xấu chơi, vợ chồng lục đục, con cái hư hỗn, béo quá gầy quá, hoặc như ngay bây giờ đây là các tin tức loan truyền sự lo sợ từ mọi ngõ ngách cuộc sống.

Những “con hổ” thời hiện đại

Gặp hổ báo thì quyết định thường rất nhanh: đánh hoặc chạy. Cả hai đều phải sử dụng sức lực. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, các vấn đề ta gặp thường không thể giải quyết nhanh, và hầu như không có vấn đề nào có thể giải quyết bằng sức lực.

Thế nhưng cho dù thế giới đã khác xưa thì bộ não chúng ta vẫn có cơ chế hoạt động y như cũ. Khi tiếp nhận một tín hiệu nguy hiểm, nó vẫn chuyển hoá toàn bộ cơ thể sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu hoặc tháo chạy, và tiết ra cortisol để xử lý đối thủ.

PGS Nguyễn Phương Mai: Nếu cứ sống chung với cơn đại dịch mang tên khiếp hãi, hậu quả trước hết là béo, xấu và ngốc đi - Ảnh 2.

Buổi sáng mở mắt ra, chúng ta vơ lấy điện thoại. Đập vào mắt là các tin bài bình luận tràn ngập lo lắng sợ hãi. Bộ não cũng tiếp nhận thông tin khiến chúng ta phải trực tiếp hoặc gián tiếp tìm ra thủ phạm để đổ tội, bởi đó là cách phản ứng logic khi ta bị biến thành nạn nhân. Đó chính là nguyên nhân của các cuộc rủa xả nhằm vào đủ mọi đối tượng, trừ chính bản thân chúng ta.

Bộ não, vốn không phân biệt được sự khác biệt giữa hổ báo và corona, bèn phát tín hiệu nguy hiểm và xả kho một loạt cortisol. Nó mặc định là ta sẽ nhỏm dậy, sẵn sàng nghênh chiến hoặc tháo lui, vận dụng toàn bộ sức lực của cơ thể để bảo toàn tính mạng.

Nhưng không, khác với tổ tiên mình, ta vẫn nằm im trên giường, không xê dịch một ly, tim đập thình thịch, đầu óc căng ra, tay đã kịp đánh vài comment bực tức. Trong khi đó, lượng cortisol tiết ra đáng lẽ được sử dụng cho sức lực để đánh trả hoặc tháo chạy, thì bây giờ phải tìm cách mới để tiêu thoát.

Béo phì và teo não: Hậu quả của stress

Cortisol sẽ nhanh chóng quay trở lại mức độ bình thường khi chúng ta gặp stress ngắn hạn như làm bài thi hay thỉnh thoảng nghe một vài tin xấu. Nhưng khi tín hiệu stress liên tục kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng, cortisol trở nên nguy hiểm. Tác hại rõ nhất là hai hiện tượng: béo phì và teo não.

Trước tiên là béo phì. Cortisol kích hoạt việc sản xuất đường glucose - nguồn năng lượng để tổ tiên ta ứng phó với hiểm nguy chủ yếu bằng tiêu hao thể lực. Khi ta không giải quyết hiểm nguy bằng tiêu hao thể lực, đường không tiêu thụ được nên kích hoạt insulin giúp cơ thể tích trữ năng lượng. Nghĩa là stress đã gián tiếp khiến ta mắc bệnh béo phì. Càng lo lắng càng dễ béo.

Thứ hai là teo não, hay chính xác hơn là teo phần hồi hải mã (hippocampus). Vùng này tối quan trọng cho trí nhớ, học hành, điều khiển cảm xúc, và đặc biệt là điều phối phản ứng cơ thể khi có tín hiệu stress. Khi tín hiệu stress kéo dài, cortisol dần giết chết các nơ ron ở hồi hải mã.

Như một vòng luẩn quẩn, càng stress thì càng nhiều nơ ron bị chết, hồi hải mã càng không điều hành phản ứng stress hiệu quả, khiến cơ thể càng tiết ra nhiều cortisol, và càng thêm nhiều nơ ron một đi không trở lại. Cái vòng luẩn quẩn ấy một khi đã thành hình thì vô cùng khó thoát.

PGS Nguyễn Phương Mai: Nếu cứ sống chung với cơn đại dịch mang tên khiếp hãi, hậu quả trước hết là béo, xấu và ngốc đi - Ảnh 3.

Vùng hồi hải mã khi bị tác động như vậy là tiền đề cho hàng loạt các căn bệnh như trầm cảm, thần kinh và mất trí nhớ. Stress cũng làm suy giảm hệ miễn dịch. Và corona chỉ chờ có thế.

Hai tháng qua, hãy thử tính toán tần số các tín hiệu nguy hiểm mà ta thu nhận vào não. Hãy thử tưởng tượng tần số các phản ứng cơ thể, cảm xúc, hành vi ta lan toả ra không gian xung quanh. Hãy thử nhìn vào những thiệt hại ta phải gánh chịu. Hãy thử liệt kê những cơn giận giữ, thất vọng, buồn bã. 

Stress khiến ta dễ cáu bẳn hơn, nổi nóng hơn, kích động hơn, thích phán xét đổ lỗi hơn. Lượng cortisol được tạo ra có lẽ đang giết dần giết mòn bộ não. Và hình như ai cũng đang beo béo lên một chút.

Giải pháp giảm thiếu tác hại

Trong khi chờ đợi những tiến bộ của y học, chúng ta vẫn sẽ còn phải cầm cự với dịch. Thật khó có thể hoàn toàn không để mắt đến tin tức xấu xung quanh, nhưng ít nhất, vì chính lợi ích của bản thân, ta có thể làm giảm thiểu tác hại của loại virus còn đáng sợ hơn corona: virus của khiếp hãi và thù ghét đồng loại.

Phương thức quan trọng nhất là tập thể dục. Stress làm cơ thể tích luỹ năng lượng. Chính vì vậy, ta phải giải phóng năng lượng bằng vận động cơ thể. Tập thể dục 20 phút một ngày còn có vô vàn lợi ích khác như thúc đẩy tái tạo nơ ron, tăng khả năng miễn dịch và giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh.

 Nếu nhà bạn có cầu thang, hãy leo cầu thang. Nếu bạn không thể ra ngoài đường, hãy bật nhạc lên và nhảy tại chỗ hết một bản nhạc mỗi ngày 6-7 lần. Nếu bạn có trẻ con ở nhà, hãy bày trò chơi để cả gia đình cùng vận động. Một người bạn thậm chí gửi cho tôi video chị chạy vòng quanh ban công 10km. Thật đáng nể phục.

PGS Nguyễn Phương Mai: Nếu cứ sống chung với cơn đại dịch mang tên khiếp hãi, hậu quả trước hết là béo, xấu và ngốc đi - Ảnh 4.

Phương thức quan trọng thứ hai là cân đối các loại thức ăn. Chúng ta có khoảng 100 triệu nơ ron trong bụng, vốn được coi như bộ não thứ hai của cơ thể. Bộ não này nối thẳng với bộ não lớn trong đầu (brain-gut axis). Ta ăn gì thì ta sẽ cảm thấy y như vậy. Chính vì thế, ăn uống phù hợp là chiến thuật quan trọng để tránh stress, bảo tồn cho sức khoẻ hôm nay và lâu dài.

Một cách đơn giản nhất, nửa khẩu phần ăn hàng ngày phải là rau và hoa quả. Một phần tư là chất đạm (trứng thịt cá tôm đậu phụ, ăn ít thịt bò) và một phần tư là các loại hạt (cơm hoặc tốt nhất là gạo lức). Thực phẩm lên men rất tốt cho các nơ ron thần kinh trong dạ dày và sức khoẻ tinh thần. Dưa muối, củ kiệu, kimchi, miso, sữa chua...v.v nên xuất hiện đều đặn trên mâm cơm hàng ngày.

PGS Nguyễn Phương Mai: Nếu cứ sống chung với cơn đại dịch mang tên khiếp hãi, hậu quả trước hết là béo, xấu và ngốc đi - Ảnh 5.

Chúng ta cũng có thể học thiền với một vài phút tĩnh tâm, học cách suy nghĩ trước khi share, like, hay comment có ý tiêu cực, học cách ẩn những người tạo ra năng lượng tiêu cực.

Hãy kiểm tra 20 post gần đây nhất của chính mình và tự đánh giá xem chúng ta có đang làm bản thân lún sâu vào vòng xoáy stress hay không. Và cuối cùng, nếu định viết thêm một post mới, hãy cân nhắc xem ta nên viết gì để làm giảm thiểu hậu quả của cơn đại dịch mang tên khiếp hãi và thù ghét này.

Trong một thế giới mà ai cũng có thể trở thành nguồn cơn của mọi cảm xúc trên đời, chúng ta hãy chọn là nơi xuất phát của những cảm xúc yêu thương và tích cực (Jennifer Dukes Lee). Chẳng những nó tốt cho những người xung quanh, mà trước nhất và trên hết, nó tốt cho chính bản thân chúng ta.

PGS Nguyễn Phương Mai: Nếu cứ sống chung với cơn đại dịch mang tên khiếp hãi, hậu quả trước hết là béo, xấu và ngốc đi - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại