Tiếng Anh từ lâu không còn liên quan đến "xứ sở sương mù"
Trong cuộc trò chuyện trên VTV vừa qua, TSKH Đoàn Hương đã đưa ra những nhận định lạ lùng như có người cho rằng, nước Anh sắp rút khỏi cộng đồng Châu Âu (EU) thì tiếng Anh cũng sẽ không tồn tại và nếu Việt Nam chỉ dồn vào tiếng Anh sẽ không ổn...
Trao đổi với PV vào sáng 21/12, PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cho rằng, cá nhân ông tôn trọng ý kiến khác nhau trong nghiên cứu, khoa học, tuy nhiên, ý kiến của TS Đoàn Hương về tiếng Anh như trên chưa thực sự chính xác.
Theo PGS Trung, việc nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) chủ yếu liên quan đến vấn đề kinh tế, thương mại, chính trị của chính quốc gia này. Đồng thời, dù ở trong EU, nhưng nước Anh vẫn được coi là quốc đảo với biệt lập nhất định.
Ví dụ, dù khách du lịch xin visa vào Liên minh Châu Âu rồi vẫn phải xin riêng visa để có thể vào được nước Anh.
Ông nói thêm, từ lâu, thậm chí trước khi nước Anh vào Liên minh Châu Âu, tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ quốc tế và mặc nhiên được công nhận là tiếng giao dịch của thế giới, không còn liên quan đến "xứ sở sương mù".
Trên thế giới rất nhiều nước đều coi sử dụng tiếng Anh là thứ tiếng dùng đại trà trong dân chúng như Mỹ, Australia, Ấn Độ hay gần Việt Nam là Singapore, Philippines...
Ngoài ra, ngay kể cả ở khối các nước sử dụng tiếng Pháp, Ả - rập thì vẫn dùng tiếng Anh để giao dịch.
"Tôi với tư cách Phó Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng và hiện là Chủ tịch Hội đồng tư vấn phát triển của ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) khẳng định, việc nước Anh ra khỏi EU là câu chuyện riêng của nước này còn không liên quan, ảnh hưởng gì đến việc sử dụng tiếng Anh trên thế giới.
Tiếng Anh mang tên nước Anh nhưng từ lâu nó đã trở thành thứ tiếng giao dịch quốc tế nên mọi sự biến động của nước Anh không có ảnh hưởng gì đến việc nói, phát triển ngôn ngữ này", PGS Trung nêu rõ.
Đối với Việt Nam, theo PGS Trung, chúng ta đang triển khai việc dạy và học ngoại ngữ với nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn...
Tuy nhiên, tiếng Anh là ngoại ngữ đầu tiên, ưu tiên số 1 và tất cả các trí thức trẻ được đào tạo ở cao đẳng, đại học... đều phải biết tiếng Anh.
Ngay cán bộ công chức hiện nay, trong quy chuẩn đều nói rõ phải biết một ngoại ngữ nhưng ưu tiên số 1 là tiếng Anh.
"Tiếng Anh là một công cụ đắc lực giúp Việt Nam giao lưu thuận tiện, hội nhập với cộng đồng quốc tế chứ không phải với nước Anh. Vì vậy, dù có chậm một chút nhưng tiếng Anh đang được phát triển mạnh mẽ ở Việt nam như một xu thế tất yếu và đúng đắn.
Còn việc nước Anh có ra khỏi Liên minh châu Âu cũng không ảnh hưởng đến việc phát triển, sử dụng tiếng Anh của chúng ta cũng như các mối quan hệ hợp tác khác", PGS Trung nhấn mạnh thêm.
"Dư luận sẽ đủ tỉnh táo để hiểu đâu là ý kiến chính xác"
Cũng trao đổi với PV, TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cũng khẳng định, từ trước khi có EU, tiếng Anh đã phổ biến trên toàn thế giới cho nên việc có EU hay không hoặc nước Anh có tham gia, không tham gia EU không ảnh hưởng đến việc nói, sử dụng tiếng Anh.
"Có thể TS Đoàn Hương tư duy là trước khi có EU, tiếng Anh không phổ biến còn sau khi có EU thì tiếng Anh mới phổ biến. Tuy nhiên, bà không nắm được, trước khi có EU, tiếng Anh đã phổ biến trên thế giới rồi.
Việc có ý kiến đa chiều là tốt nhưng chắc chắn dư luận sẽ đủ tỉnh táo để biết đâu là ý kiến chính xác", TS Tùng nói.
Ông nhìn nhận thêm, dù ai có đưa ra quan điểm thế nào nhưng phải nhìn thực tế là các nước xung quanh chúng ta như Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan... kể cả các nước dùng ngôn ngữ rất khác chữ la-tinh đã dùng tiếng Anh rất phổ biến còn Việt Nam đang là "vùng trũng".
Bên cạnh đó, tiếng Anh hiện nay không chỉ còn là ngôn ngữ giao tiếp quốc tế mà đã trở thành khoa học nên nếu chúng ta không có tiếng Anh sẽ trở thành một rào cản rất lớn trong việc tiếp xúc thông tin, giao thương với thế giới.
"Như tôi đã nói, tiếng Anh đã tự trở thành ngôn ngữ giao tiếp quốc tế nên muốn hội nhập thì không có cách nào khác là phải làm nhiều việc, đồng thời, phải biết tiếng Anh.
Còn nếu không muốn hội nhập thì có thể không cần và cứ ngồi đó, chờ người nước ngoài vào học tiếng Việt thôi", ông bày tỏ.
Hiệu trưởng trường ĐH FPT chia sẻ thêm, thực tế, ở Việt Nam, việc học tiếng Anh hiện nay không phải coi đó là công cụ mà chỉ xem như môn học để thi, lấy điểm, hoàn thành tín chỉ cho học phần... Chính vì vậy, chất lượng tiếng Anh của chúng ta thấp, không đáp ứng yêu cầu.
Do đó, việc đầu tiên, theo TS Tùng cần học tập kinh nghiệm quốc tế xem họ đã làm như thế nào để đưa tiếng Anh vào thành một thứ tiếng giao tiếp bên cạnh tiếng bản địa, đồng thời, phải xác định, tiếng Anh là công cụ chứ không phải môn học.