Tiêm vắc xin (Ảnh minh hoạ)
Cho tới nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa công bố chấm dứt đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, Covid-19 vẫn đang ở cấp độ dịch bệnh nhóm A.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội) hiện nay, việc tiêm chủng tại một số quốc gia trên thế giới chưa được phổ cập cho tất cả người dân, do vậy WHO chưa có công bố hết dịch. Tuy nhiên, trong tương lai, WHO sẽ có hướng dẫn để Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu. Covid-19 vẫn có thể sẽ gây ra những đợt bùng dịch nhỏ nhưng không quá lớn như thời gian trước đó.
Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch và đã có kinh nghiệm phòng chống dịch, điều trị và thích ứng linh hoạt.
Theo PGS Lân Hiếu, dưới sự biến đổi của môi trường, xã hội chắc chắn sẽ có những đại dịch khác tương tự Covid-19 xuất hiện. Do vậy, chúng ta cần có ngành nghiên cứu về Covid học để dự phòng dịch bệnh tương tự xảy ra trong tương lai.
Tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-18 tuổi (Ảnh minh hoạ).
Vắc xin là "cứu cánh"
PGS Lân Hiếu cho biết dịch Covid-19 được kiểm soát có vai trò của vắc xin. Vắc xin chính là "cứu cánh" của con người và hệ thống y tế trên toàn thế giới.
PGS Lân Hiếu ví vắc xin như là một phương pháp điều trị cơ bản để khống chế được dịch bệnh. Không có vắc xin sẽ không giảm được tỷ lệ tử vong và chấm dứt dịch bệnh.
"Tôi là người trực tiếp có mặt tại điểm nóng tiêm chủng như TP HCM, Bình Dương lúc dịch bùng phát. Hàng ngày, chúng tôi đếm ca bệnh nặng và tử vong do mắc Covid-19. Và quả thực khi tiêm vắc xin được 2 tuần, số người tử vong do Covid-19 giảm theo chiều thẳng đứng. Chắc chắn một điều vắc xin là vũ khí quan trọng chống lại dịch bệnh", PGS Lân Hiếu nói.
Theo vị chuyên gia này, hiện nay Việt Nam đang triển khai tiêm mũi bổ sung, nhắc lại (mũi 3 và 4). Việc tiêm chủng mũi bổ sung cần phải cá thể hóa từng trường hợp.
Ví như người đã tiêm 3 mũi vắc xin sau đó có mắc Covid-19 cách thời điểm tiêm mũi 4 khoảng 2 tháng thì không nhất thiết phải tiêm. Nhưng đối với trường hợp bệnh nhân có bệnh nền rất nặng mới tiêm 1 mũi thì cần phải giải thích để cho bệnh nhân hiểu tiêm mũi 2.
"Bản thân mẹ tôi trên 60 tuổi, bà đã tiêm 3 mũi vắc xin, bà cũng băn khoăn hỏi có nên mũi 4 hay không. Mẹ tôi có bệnh lý nền ung thư. Do vậy, tôi khuyên mẹ tôi nên đi tiêm mũi 4.
Đối với người dân nếu 3 lần tiêm trước không có tác dụng phụ quá nghiêm trọng, có bệnh nền thì nên tiêm mũi 4", PGS Lân Hiếu phân tích.
Hiện nay, có nhiều người băn khoăn đã tiêm 3 mũi vắc xin nhưng tại sao vẫn mắc Covid-19. Theo PGS Lân Hiếu, đây là điều rất dễ hiểu vì kháng thể sau tiêm vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian cho nên không có nghĩa là tiêm vắc xin sẽ không mắc Covid-19. Việc tiêm vắc xin có ý nghĩa giảm được tỷ lệ tử vong, lây nhiễm.
Nếu tiêm đầy đủ các mũi vắc xin Covid-19, khi mắc rất hiếm xảy ra tăng nặng. Đa phần các bệnh nhân nặng hiện nay là chưa tiêm đủ vắc xin hoặc có bệnh lý nền.
"Do vậy, người dân đừng lo ngại tiêm vắc xin Covid-19. Nhiều người nói tiêm vắc xin xong bị đái tháo đường, đau nhiều, yếu hơn... đều không có bằng chứng khoa học. Có người nói tiêm xong vắc xin bị ho, sốt, viêm phổi như Covid là điều không đúng. Người dân nên tin tưởng vào ngành y tế, hệ thống y tế", PGS Lân Hiếu nói.
Bên cạnh đó, hiện nay có một số người quá sợ hậu Covid-19. PGS Lân Hiếu đã gặp trường hợp bệnh nhân đến yêu cầu chụp CT từ đầu tới chân rất tốn kém. Nếu bệnh nhân mắc Covid-19 có các triệu chứng hậu Covid thì chỉ cần chụp phim phổi, xét nghiệm công thức máu về phản ứng viêm, khám tai mũi họng là đủ.