Người dân tập thể dục ngoài trời, ảnh minh hoạ.
Lo ngại nguy cơ lây nhiễm
Ngày 21/9, Hà Nội đã quyết định nới lỏng giãn cách. Theo đó, một số hoạt động được phép mở lại như cắt tóc, gội đầu, các trung tâm mua sắm… Tuy nhiên, ra ngoài tập thể dục vẫn bị cấm. Trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra bức xúc với điều này.
Về vấn đề này, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho hay: "Con đường lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 không thay đổi, vẫn chỉ là qua tiếp xúc gần và bàn tay sờ vào vật dụng có giọt bắn của virus và đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Do vậy, nguy cơ tập thể dục dù là ở ngoài trời tại những khi công cộng là có. Khi mọi người tập luyện đông người sẽ có tiếp xúc gần, cộng thêm việc nói chuyện, không tuân thủ phòng chống dịch về khoảng cách, đeo khẩu trang thì nguy cơ rất lớn.
Đặc biệt, sau một thời gian dài giãn cách, khi mọi người đi tập thể dục gặp nhau thường tay bắt, mặt mừng hoặc sờ vào dụng cụ có dính giọt bắn virus của người nhiễm thì nguy cơ lây nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra".
Đi bộ trên đường, ảnh minh hoạ.
Việc Hà Nội cho mở lại các hoạt động như cắt tóc, gội đầu, siêu thị là để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Khi người dân sử dụng các dịch vụ này vẫn cần phải tuân thủ phòng chống dịch.
Trước những thắc mắc vì sao tập thể dục ngoài trời ít có nguy cơ lây nhiễm nhưng lại bị cấm, PGS Trần Đắc Phu cho rằng: "Do thành phố còn lo ngại nguy cơ lây nhiễm do người dân không tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch như tôi đã phân tích ở trên. Trên thế giới, khi nới lỏng cũng quy định rất chặt chẽ về vấn đề tập thể dục để đảm bảo đúng khoảng cách".
Chưa đúng về mặt khoa học
Theo quan điểm của PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), người đi tập thể dục ngoài trời nguy cơ lây nhiễm là không cao, gần như là rất ít xảy ra lây nhiễm. Hoạt động đi tập thể dục ngoài trời sẽ ít nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc đi cắt tóc, gội đầu, đi siêu thị.
Nguy cơ lây nhiễm là có khi mọi người không tuân thủ quy định phòng chống dịch, đi sát nhau, tập trung đông người và nói chuyện không mang khẩu trang. Còn một người đi bộ bình thường, trong khuôn viên ít người thì không có nguy cơ lây nhiễm.
"Thực tế tại TP HCM khi nới lỏng giãn cách đã cho phép người dân được đi thể dục trước khi cho phép quán cắt tóc, gội đầu được hoạt động. Tôi đánh giá đây là quyết định rất đúng đắn về mặt khoa học của Thành phố Hồ Chí Minh.
Quay trở lại câu chuyện về virus SARS-CoV-2, đường lây nhiễm vẫn là qua tiếp xúc gần trực tiếp dưới 2m, không mang khẩu trang và trong môi trường kín sẽ lây lan rất mạnh. Còn nếu đeo khẩu trang, môi trường thoáng khí ngoài trời, ít người thì tập luyện thể thao vẫn an toàn", PGS Huy Nga nói.
Theo PGS Nguyễn Huy Nga, sau một thời gian dài giãn cách mọi người rất bí bách, việc cho phép người dân ra ngoài trời tập luyện nâng cao sức khỏe sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính không lây như béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… Đây là những căn bệnh tiềm tàng nhiều nguy hiểm trong tương lai.
"Cá nhân tôi thấy cho người dân đi thể dục sẽ quan trọng hơn là đi siêu thị. Vì đi siêu thị có thể mua online gọi ship hàng. Còn việc thiếu tập luyện trong thời gian dài khiến cho trẻ nhỏ dễ béo phì, cận thị, người lớn thừa cân, tăng nguy cơ mắc bệnh không lây, trầm cảm. Việc phạt người dân tập luyện ngoài trời là cách làm theo tôi thấy là chưa được khoa học. Cách làm khoa học là phải hạn chế nơi đông người, cần cho người dân được tập luyện thể thao ngoài trời", PGS Nguyễn Huy Nga nêu quan điểm.