Thời gian qua ông Tạ Hồng Quân vừa trình UBND thành phố Hà Nội đề án "đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm" đặt tại Hồ Hoàn Kiếm.
Trao đổi với PV, PGS Hà Đình Đức, người được mệnh danh là "nhà rùa học" cho hay đã biết ý tưởng đề xuất của ông Tạ Hồng Quân đúc tượng rùa vàng Hồ Hoàn Kiếm từ năm 2011 nhưng do nhiều lý do khác nhau nên ý tưởng này chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt.
"Thời điểm đó ý tưởng này đưa ra chưa "chín muồi" nên đã không được chấp nhận. Đến gần đây, sau khi ý tưởng dựng biểu trưng khỉ Kong trong phim King Kong được đưa ra thì nhiều người cho rằng, nên đúc biểu tượng rùa vàng sẽ ý nghĩa hơn nhiều.
Thực tế, thời điểm năm 2011, khi ý tưởng được đưa ra, ngoài tôi thì ông Quân cũng đã xin ý kiến của Giáo sư Vũ Khiêu, Phan Huy Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc và tất cả các vị đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ ý tưởng này.
Cá nhân tôi cũng đã có ý kiến đồng tình nêu trong bản đề xuất của ông Quân.
Tuy nhiên, đây mới là ý tưởng còn việc làm như thế nào, chất liệu, kích thước, đặt ở đâu... thì cần phải được các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, người dân bàn thảo, đánh giá, quyết định chứ không phải chấp nhận ngay", PGS Đức nói.
PGS.TS Hà Đình Đức cùng "cụ Rùa" Hồ Gươm. Ảnh: NVCC.
Cũng theo PGS Hà Đình Đức, cái tên Hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm không phải ngẫu nhiên mà có, mà nó gắn liền với truyền thuyết về "cụ" rùa cùng thanh kiếm báu từ thế kỷ thứ 15 đã giúp vua Lê đánh bại quân xâm lược.
"Sự linh thiêng của Hồ Hoàn Kiếm, "cụ" rùa, thì đã rất rõ ràng, vì thế, đến thời điểm hiện tại, khi "cụ" rùa qua đời thì tôi thấy việc làm biểu tượng này là phù hợp và nó cũng thể hiện sự trường tồn, biểu trưng cho nét văn hóa, lịch sử, gắn kết của Hồ Gươm.
Nếu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND TP Hà Nội đồng ý cho làm thì rất tốt", ông Đức bày tỏ.
Ông cũng cho biết thêm, thực tế quá trình nghiên cứu, gắn bó với Hồ Hoàn Kiếm hàng chục năm qua, ông đã chứng kiến rất nhiều ý tưởng "điên rồ" được đưa ra.
"Thời điểm năm 1990, đã có ý kiến đề nghị phá Tháp rùa để xây dựng Tháp rùa mới rồi dựng quyển sách, cái bút, cô gái Hà Nội... hay lại có ý tưởng đề xuất phá hẳn 15ha xung quanh khu vực Hồ Gươm rồi giữa xây tháp, chung quanh xây tầng tầng lên như sân bóng đá...
Đó là những ý kiến hết sức điên rồ còn thực tế, khu vực Hồ Gươm rất linh thiêng, nhạy cảm nên muốn làm gì cũng cần phải tính toán rất kỹ, kể cả việc đúc biểu tượng rùa vàng", ông Đức nêu thêm.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng là người ủng hộ việc đúc tượng rùa vàng Hồ Gươm ngay từ khi ông Tạ Hồng Quân đưa ra ý tưởng cách đây khoảng 10 năm.
Ông Quốc cho rằng, đến thời điểm hiện tại, khi "cụ" rùa không còn thì việc đúc biểu tượng rùa vàng là phù hợp nhưng kích thước, hình dáng, chất liệu cụ thể như thế nào, cần phải được cơ quan quản lý, nhà khoa học.tính toán, nghiên cứu, thảo luận hết sức kỹ càng.
Đồng thời, hiện nay không gian Hồ Gươm được quy hoạch nên việc đặt các hình tượng mới vào khu vực này cần thận trọng và phải lấy ý kiến của người dân, dư luận để có quyết định đúng đắn.
Trước đó, ông Tạ Hồng Quân cho biết, ý tưởng đúc tượng rùa bắt nguồn từ truyền thuyết lịch sử như rùa giúp vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Lê Lợi sau khi đánh đuổi giặc Minh đã hoàn trả gươm thần cho thần Kim Quy.
Thực tế Hồ Gươm từng có con rùa mai mềm quý hiếm sống nhiều năm, được người dân Hà Nội và cả nước yêu mến.
Theo ý tưởng, tượng rùa vàng hồ Hoàn Kiếm sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và có trọng lượng khoảng 6-10 tấn đồng.
Ông cũng đề xuất hai phương án đặt tượng rùa vàng là tại chỗ đang đặt đồng hồ Thụy Sĩ hiện nay (ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng) hoặc đặt tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn và UBND TP Hà Nội.
Dự kiến thời gian thực hiện tượng rùa vàng hồ Hoàn Kiếm mất khoảng hai năm. Kinh phí thực hiện sẽ không sử dụng ngân sách nhà nước mà sẽ huy động bằng hình thức xã hội hoá.