Hình ảnh minh họa vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Chủ tịch Bourla bày tỏ hy vọng vaccine mới sẽ đạt được khả năng bảo vệ tốt hơn nhiều so với hiện tại. Ông cũng trích dẫn các thông tin nghiên cứu về các loại vaccine hiện tại. Cụ thể, dữ liệu từ Vương quốc Anh cho thấy 20 tuần sau mũi tiêm cơ bản thứ hai, cả vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna chỉ có 10% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nghiêm trọng sau khi nhiễm biến thể Omicron, tuy nhiên hiệu quả của mũi tăng cường (mũi thứ ba) lên đến 75%.
Trong khi đó, người phát ngôn chi nhánh Pfizer tại Séc Tomáš Sazima cũng đã xác nhận hãng đang phát triển vaccine ngừa Omicron.
Ông nêu rõ hiện Pfizer cùng công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức đang tiếp tục thu thập dữ liệu thí nghiệm bổ sung và đánh giá hiệu quả thực sự của vaccine để xác nhận khả năng phòng ngừa biến thể Omicron. Theo ông, các lô đầu tiên có thể được sản xuất và xuất xưởng trong vòng 100 ngày, tùy thuộc vào tiến độ cấp phép của cơ quan quản lý. Pfizer và BioNTech trước đó đã bắt đầu phát triển một loại vaccine cải tiến vào cuối tháng 11/2021. Hai công ty cũng thông báo kế hoạch sản xuất 4 tỷ liều vào năm 2022.
* Cuối tuần qua, Hungary đã bắt đầu triển khai tiêm mũi thứ tư vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 30 người trên 60 tuổi. Chính phủ Hungary ra quyết định tiêm mũi thứ tư cho nhóm người cao tuổi trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến, phần lớn được cho là do biến thể Omicron.
Trong 72 giờ qua, nước này ghi nhận 21.219 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 1.348.233 ca. Với thêm 270 ca không qua khỏi, số ca tử vong vì COVID-19 từ đầu dịch đến nay lên thành 40.507 ca. Cho đến nay, 6.319.434 người tại Hungary đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, 6.059.382 người đã tiêm đủ hai mũi cơ bản và 3.417.089 người đã được tiêm mũi tăng cường.