Trong lịch sử Premier League xuất hiện không ít kẻ độc tài, nhưng Man City là đáng sợ nhất. Nó thể hiện qua thống kê: Chưa một CLB nào trong lịch sử bóng đá Anh kiếm được tới 72 điểm sau 27 vòng đấu, tức là trung bình 2,7 điểm/trận.
Và nếu Man City thắng tiếp Arsenal trong trận đấu vào rạng sáng mai, họ sẽ có được 75 điểm – số điểm mà Arsenal mất 38 vòng đấu mùa trước mới kiếm được, còn Man xanh chỉ mất 28 vòng.
Nhiều CĐV cho rằng, Man City có được ngày hôm nay nhờ tài điều binh khiển tướng của Pep Guardiola. Ông là thiên tài. Trong lịch sử Premier League, Arsene Wenger, Jose Mourinho chỉ là những HLV giỏi. Chỉ Pep và Sir Alex là thiên tài.
Cúp Liên đoàn là danh hiệu đầu tiên của Pep với Man City.
Vài người không đồng ý với sự sắc phong này.
Họ cho rằng bất kỳ HLV nào cũng có thể vô địch Premier League nếu được mua tới 19 tân binh trị giá hơn 600 triệu bảng trong 2 năm. Mùa Hè năm ngoái, Man City phá kỷ lục chuyển nhượng của Real Madrid khi chi tới 225,7 triệu bảng.
Trong khi Man xanh được tiêu pha thoải mái thì Arsenal, Chelsea, Liverpool, Tottenham đều chi tiêu khá hạn hẹp. Chelsea thậm chí còn mua 2 tân binh không đúng với nguyện vọng của HLV Antonio Conte (Morata và Bakayoko).
Đó là còn chưa kể tới Man City trong giai đoạn đầu mùa cực kỳ may mắn. Không ít lần họ thắng trong phút bù giờ cuối cùng, bằng những pha lập công theo đúng phong cách "trời ơi đất hỡi".
Vậy rốt cuộc Pep Guardiola có phải thiên tài hay không?
Xin khẳng định: Pep vẫn là thiên tài vì 3 lý do sau:
Thứ nhất, ông không chỉ mua tân binh, mà còn giúp những tân binh đó vươn lên tầm cao mới trong sự nghiệp.
Khi Leroy Sane gia nhập Man City, anh chỉ là một cầu thủ tiềm năng, ghi được dăm ba bàn giống với phong cách của Robben. Thực tế là trong giai đoạn đầu, Sane không hòa nhập được với Man City.
Sane tiến bộ thần tốc dưới tay Pep.
Nhưng Guardiola đã kiên nhẫn mài dũa Sane và biến anh thành một trong những vũ khí lợi hại nhất Premier League. Sane ở Man City lợi hại hơn rất nhiều so với Sane thời còn ở Bundesliga.
Raheem Sterling cũng là một cầu thủ được Guardiola biến hóa thành "Siêu Xayda". Thời mới từ Liverpool sang Man City, Sterling chẳng có gì đặc biệt. Anh cũng giống như bao tiền đạo cánh người Anh khác: Có tốc độ, có chút kỹ thuật nhưng thi đấu quá bản năng và thô ráp.
Nhưng Pep cùng cánh tay phải Mikel Arteta đã kiên trì chỉ bảo Sterling từng điều nhỏ nhất, cải thiện khả năng di chuyển không bóng, tư duy chiến thuật, dứt điểm, giúp Sterling trở nên toàn diện hơn rất nhiều so với thời còn ở Liverpool.
Pep là người nhìn ra tiềm năng của John Stones, là người kiên quyết đưa Ederson về khung gỗ Man City, là người giúp İlkay Gundogan tìm lại phong độ, biến Kevin de Bruyne từ một cầu thủ giỏi thành ngôi sao đẳng cấp thế giới.
Cứ nhìn sang Man United: Jose Mourinho cũng được mua quân thoải mái, nhưng hiệu quả so với Pep thì một trời một vực.
Thứ hai, ông tạo ra một tư duy chơi bóng hoàn toàn mới. Trong đội hình của Pep, bất kỳ vị trí nào cũng có thể tấn công hoặc phòng ngự. Pep mang thứ bóng đá pressing thứ thiệt tới Premier League – điều mà Jurgen Klopp cố gắng làm nhưng không thể hoàn hảo như Guardiola.
Thứ ba: Trong khi Jose Mourinho khiến mỗi trận đấu của Man United giống như một màn duyệt binh quy củ và căng thẳng thì Guardiola khiến cho các cầu thủ Man City cảm thấy chơi bóng là một niềm vui.
Pep Guardiola xây dựng một Man City chơi vừa đẹp mắt lại vừa hiệu quả.
Ông đã từng làm điều này ở Barcelona. Những Messi, Xavi, Iniesta ra sân để chơi bóng theo đúng nghĩa đen, chứ không phải gồng gánh trên vai chiến thuật, áp lực.
Và cho dù đã ném hơn 600 triệu bảng vào shopping, Pep Guardiola vẫn mang tới cho Man City một món "của để dành": Anh là Phil Foden – cầu thủ người Anh trẻ nhất trong lịch sử từng có mặt trong đội hình xuất phát tại Champions League, và sắp được Man City ký hợp đồng 5 năm.
Cuối cùng: Pep đã xây dựng cho Man City một nền móng vững chãi để phát triển, nó khác với việc Mourinho mua Alexis Sanchez để kiếm thành công ngắn hạn.
Vì những lý do trên, Pep Guardiola thật sự là một thiên tài.
Chung kết Carabao Cup: Arsenal 0-3 Man City