Vài năm trước, trung vệ Gerard Pique đã thốt lên đầy cay đắng: "Barca như nô lệ của tiki-taka". Với những người thích thú với lối chơi ban bật, đập nhả như tiếng kêu tích tắc của chiếc đồng hồ, phát biểu của Pique chẳng khác nào sự "phỉ báng" vào hệ giá trị mà người Catalunya luôn tôn thờ.
Tuy nhiên, "thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng". Kể từ khi Xavi, "bộ não" của tiki-taka giảm sút phong độ vì lý do tuổi tác, tiki-taka của Barcelona cũng không còn nguyên nghĩa.
Thành công của Luis Enrique là một minh chứng rõ nét. Barca thời Enrique vẫn dựa trên nền tảng kiểm soát bóng nhưng nhanh hơn, trực diện hơn. Và trọng tâm trong lối chơi của họ là bộ ba MSN (Messi - Suarez - Neymar) thay vì Messi - Xavi - Iniesta với Messi đóng vai trò một "số 9 ảo".
Pep Guardiola rời Barcelona khi bản thân ông hiểu rằng, tiki-taka nguyên bản đã gặp "kháng thể". Mùa cuối cùng tại Camp Nou, ông chỉ có một Copa Del Rey. Tình hình ấy cũng chẳng khá hơn tại Bayern khi trải qua nhiệm kỳ 3 năm, ông không thể đưa "Hùm xám" vượt qua ngưỡng cửa bán kết Champions League. Và ở Man City, tiki-taka của Pep rơi xuống đáy của sự thất vọng với một mùa giải trắng tay toàn tập.
Dấu ấn mà bộ ba Messi - Xavi - Iniesta để lại ở Barca...
Pep cũng từng thổ lộ rằng "tôi ghét tiki-taka" nhưng để thoát ra ma trận ấy quả thật không dễ.
Tình trạng của Pep hiện giờ khá giống với… Gia Cát Lượng thời Tam quốc. Ngọa Long tiên sinh chọn Lưu Bị vì tư tưởng "trung hưng Hán thất" nhưng khi ông nhận ra triều Hán đã đến hồi diệt vong, không còn khả năng cứu vãn, ông không thể từ bỏ lý tưởng của chính mình mà phải bất chấp tất cả để vẹn tròn lời thề năm xưa với Lưu Bị "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi".
Nếu kết luận tiki-taka đã hết thời có lẽ hơi vội, nhưng để cách tân nó không phải là dễ bởi tìm đâu ra được bộ ba Messi - Xavi - Iniesta, nhất là vị trí của Xavi. Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha đã vô cùng lận đận khi "bộ não" Xavi sa sút phong độ. Pep cũng thử rất nhiều phương án để giải bài toán Xavi nhưng cuối cùng, thành công của ông cũng nửa vời.
Ở Bayern, ông có "tiểu Xavi" Thiago Alcantara và so với người đàn anh, tiền vệ mang áo số 6 của "Hùm xám" đương nhiên không thể sánh bằng. Sang Man City, ông đặt niềm tin vào Ilkay Guendogan, song tiền vệ người Đức lại ở… bệnh viện nhiều hơn trên sân cỏ. Pep buộc phải trở về với những con người cũ dưới thời Manuel Pellegrini như Yaya Toure.
...là điều mà Messi - Suarez - Neymar không thể thay thế được.
Đâm lao đành phải theo lao. Hè này, công cuộc "tiki-taka hóa" Man xanh lại tiếp tục với những con người mới. Ederson, thủ môn chơi chân giỏi hơn… dùng tay; Bernardo Silva, tiền vệ tấn công đang lên của bóng đá Bồ Đào Nha đã đổ bộ xuống Etihad để phục vụ triết lý của Pep.
Nhiều khả năng sẽ có thêm những Alexis Sanchez, Dani Alves, Mendy… những người đã từng quen thuộc với tiki-taka hoặc có những tố chất tương tự để chơi bóng trong hệ thống ấy.
Bất kỳ hệ thống chiến thuật nào cũng cần có những con người phù hợp. Bóng đá tổng lực của người Hà Lan sẽ chẳng là gì nếu họ không có Johan Cruyff, Marco Van Basten, Ruud Gullit, Frank Rijkaard; Catenaccio của người Ý sẽ không thể "bê tông hóa" nếu không có Paolo Maldini, Fabio Cannavaro, Franco Baresi, Giacinto Facchetti…
Man City sẽ lại gục ngã bởi triết lý bóng đá của pep Guardiola?
Điều ấy chứng minh những chiến tích huyền thoại của Pep ngoài tài năng của mình, phải kể đến lứa cầu thủ xuất chúng mà lịch sử đã ưu ái trao vào tay ông.
Để hiện thực hóa tiki-taka tại Etihad, Pep phải tìm ra những con người đạt đến đẳng cấp của Messi, Xavi, Iniesta. Mà trên khắp bầu trời này, ngoài "phiên bản chính hiệu", vẫn chưa tìm thấy những phiên bản mới đạt trình độ tương xứng. Xem ra, tiki-taka đã đưa Pep vào hàng ngũ những huyền thoại trên băng ghế huấn luyện nhưng cũng chính hệ thống triết lý ấy sẽ "cầm tù" Pep trong suốt sự nghiệp.