Chỉ số PCI do Nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam vừa được công bố. Với 70,36 điểm, đây là năm thứ hai liên tiếp tỉnh Quảng Ninh đạt ngôi vị quán quân trên bảng xếp hạng PCI, với nhiều sáng kiến trong cải cách hành chính.
Đánh giá PCI 2018 cho thấy, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long luôn nằm trong top đầu của bảng xếp hạng trong nhiều năm gần đây. Năm nay, Đồng Tháp tiếp tục phá vỡ kỷ lục của chính mình, khi đạt 70,19 điểm và xác lập năm thứ 11 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Tiếp theo là Long An (68,09 điểm) đứng thứ 3 và Bến Tre (67,67 điểm) đứng thứ 4, đều tăng 1 bậc so với năm 2017.
Bức tranh môi trường kinh doanh cũng có nhiều điểm sáng. Hiện tượng “tham nhũng vặt” – chi phí bôi trơn quy mô nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép, trong năm 2018 đã giảm so với thời kỳ trước, từ 66% năm 2015 xuống còn 55% năm 2018, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Thủ tục hành chính, cải cách hành chính có bước tiến mạnh mẽ trong năm 2018. Số liệu của PCI cho biết thêm, 74,7% doanh nghiệp nhận thấy “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” (tăng so với mức 67,4% năm 2015); và 74,1% đánh giá “thủ tục giấy tờ đơn giản” (năm 2015 là 51,2%).
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những xu hướng đáng quan ngại. Dù có những cải cách ấn tượng trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kết quả điều tra PCI 2018 cho thấy gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” đang là vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp.
Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn để tiếp cận được thông tin, gia nhập thị trường còn khó khăn. Năm 2018 có 15,8% doanh nghiệp cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác (ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) để có thể chính thức đi vào hoạt động.