LTS: "Bão táp Sa mạc" là chiến dịch quân sự kéo dài 42 ngày đêm (17/1/1990 - 28/2/1991) được thực hiện bởi liên minh gồm 34 nước do Mỹ đứng đầu nhằm giải phóng Kuwait khỏi sự xâm lược của Iraq trước đó.
Chiến dịch đã ghi nhận thắng lợi áp đảo của liên quân và sự thất bại nặng nề của quân đội Iraq, quốc gia vào thời điểm đó có lực lượng quân sự lớn thứ tư thế giới.
"Bão táp Sa mạc" đã mở ra kỷ nguyên mới trong chiến tranh hiện đại không chỉ với quân đội Mỹ mà còn với nhiều quốc gia khác thế giới: Kỷ nguyên tác chiến công nghệ cao với nhiều vũ khí tiên tiến lần đầu tiên được sử dụng: Máy bay tàng hình, tên lửa hành trình dẫn đường chính xác, bom thông minh…
Với mục đích cung cấp thêm cho độc giả những thông tin chi tiết, góc nhìn đa chiều về sự kiện quân sự lịch sử này, chúng tôi xin trân trọng gửi tới độc giả loạt bài viết có tựa đề: "Bão táp Sa mạc - Kỷ nguyên của chiến tranh công nghệ cao".
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Bài 1: QĐ lớn thứ 4 thế giới mất 700 xe tăng trong 1 ngày: Bẫy nghi binh kinh điển của tướng Mỹ!
Bài 2: Patriot Mỹ liên tục "vồ hụt" tên lửa Scud của Iraq: Lật tẩy chiến tích bẽ bàng
Trong Chiến tranh vùng Vịnh, tên lửa Patriot từng được những người ủng hộ nó ca ngợi là thứ vũ khí "bảo vệ vĩ đại", che chắn cho các binh lính Mỹ đóng quân ở Saudi Arabia cũng như thường dân Israel.
Hiệu suất tác chiến của Patriot thời kỳ Chiến tranh vùng Vịnh được xem là một lý do để Mỹ theo đuổi kế hoạch phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia và xây dựng mạng lưới lá chắn tên lửa trên toàn cầu.
Thế nhưng, kết quả chiến đấu thực tiễn của Patriot đã "không như trong mơ" khi nó phải đối đầu với các tên lửa Scud của Iraq, đặc biệt là ở Israel.
Patriot đóng vai trò "bảo bối" bảo vệ Israel
Tên lửa Patriot được thiết kế vào cuối những năm 1970 với vai trò là vũ khí phòng không. Tuy nhiên, đến những năm 1980 nó đã được cải tiến thành tên lửa đánh chặn để đối phó với các tên lửa đạn đạo tầm ngắn tấn công của đối phương. Cho đến tận Chiến tranh vùng Vịnh, Patriot vẫn chưa từng được thử nghiệm trong chiến đấu.
Hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot. Ảnh: TOI
Patriot có chiều dài 7,4 feet, động cơ đẩy nhiên liệu rắn một tầng duy nhất với vận tốc Mach 3. Tên lửa có trọng lượng 2.200 pound và tầm tấn công 43 dặm. Patriot được trang bị đầu đạn nổ phá mảnh 200 pound. Hệ thống tên lửa này được tích hợp với các radar và máy tính tốc độ nhanh. Patriot được phóng và dẫn hướng tới mục tiêu qua 3 giai đoạn.
Đầu tiên, hệ thống dẫn đường sẽ điều khiển Patriot bay về hướng tên lửa đang tấn công tới khi tên lửa đó lọt vào chùm sóng radar của Patriot. Tiếp đến, máy tính của Patriot sẽ dẫn hướng nó phóng về phía tên lửa Scud đang bay tới. Cuối cùng, máy thu radar bên trong sẽ hướng dẫn cho Patriot đánh chặn tên lửa đang tấn công.
MIM-104C Patriot có khả năng phát hiện và tấn công phá hủy các tên lửa đạn đạo. Tuy được phát triển từ những năm 1960 nhưng Patriot chỉ ghi nhận những chiến thắng đầu tiên trong Chiến dịch "Bão táp Sa mạc" khi nó được giao nhiệm vụ đánh chặn các tên lửa Scud (hay Al-Hussein) của Iraq phóng sang Israel và Saudi Arabia.
Quả tên lửa Patriot đầu tiên đánh chặn được một tên lửa Scud của Iraq phóng sang Dhahran, Saudi Arabia vào ngày mở màn cuộc chiến. Hai ngày sau đó, Tổng thống Mỹ George H.W. Bush quyết định chuyển giao cho Israel 2 tổ hợp tên lửa phòng thủ Patriot.
Tên lửa Patriot đánh chặn trên vùng trời Tel Aviv trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Ảnh: Israel Air Force
Nước Mỹ đã che giấu sự thật như thế nào?
Trong Chiến dịch "Bão táp Sa Mạc", Tổng thống Iraq Saddam Hussein nhận ra rằng ông không thể đánh bại được sức mạnh quân sự của liên quân vì vậy đã quyết định đưa ra lựa chọn duy nhất của mình lúc đó là phóng tên lửa Scud sang Israel và Saudi Arabia.
Làm như vậy, nhà lãnh đạo Iraq hy vọng Israel sẽ trả đũa bằng vũ lực quân sự - hành động có thể biến cuộc chiến ở Kuwait thành một cuộc xung đột khác giữa khối các nước Arab và Israel. Tuy nhiên, trước những cam kết và thuyết phục từ Mỹ, Israel đã không hành động.
Hiệu quả tác chiến thực tế của tên lửa Patriot đã không như mong đợi. Lực lượng quân đội Mỹ chịu trách nhiệm điều khiển các tổ hợp tên lửa Patriot ban đầu tuyên bố rằng tỷ lệ đánh chặn thành công của Patriot ở Saudi Arabia là 80% và ở Israel là 50%. Tuyên bố này sau đó được rút xuống còn 70% và 40%.
Một tên lửa Scud của Iraq đang chờ được các thanh sát viên vũ khí của LHQ phá hủy năm 1998. Ảnh: ABC
Trong một bài phân tích trên Tạp chí Foreign Policy, chuyên gia Jeffrey Lewis - Giám đốc Chương trình Chống phổ biến Vũ khí Đông Á của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ) khẳng định công chúng đã bị "dắt mũi" khi phải tin rằng Patriot đã có màn trình diễn "hoàn hảo" khi đánh chặn tên lửa Scud.
Một nhân viên của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ khẳng định, nếu lực lượng Lục quân nước này áp dụng phương pháp đánh giá một cách trung thực, con số nêu trên còn có thể thấp hơn.
Trong khi đó, theo kết quả điều tra kéo dài 10 tháng của Ủy ban Các chiến dịch của Chính phủ thuộc Hạ Viện Mỹ, không có đủ bằng chứng để đi đến kết luận về bất cứ vụ đánh chặn thành công nào.
"Có rất ít bằng chứng chứng tỏ Patriot đã bắn trúng nhiều hơn vài quả tên lửa Scud của Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh", tóm tắt báo cáo của Ủy ban trên kết luận. "Vẫn còn có những nghi ngờ về những vụ đánh chặn này".
Theodore Postol, giáo sư về Chính sách Khoa học, Công nghệ và An ninh Quốc gia thuộc trường Đại học MIT trong phiên điều trần trước Ủy ban Các chiến dịch của Chính phủ, Hạ Viện Mỹ ngày 7/4/1992 từng phát biểu:
"Các kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đánh chặn thành công của tên lửa Patriot trong Chiến tranh vùng Vịnh là rất thấp. Bằng chứng thu thập được từ những nghiên cứu ban đầu đã chứng tỏ tỷ lệ đánh chặn của Patriot có thể còn thấp hơn 10%, thậm chí là bằng không".
Tên lửa Patriot đánh chặn tên lửa Scud trong chiến dịch Bão táp Sa mạc