Dưới sức ép cạnh tranh của các đối thủ, vốn đem lại một phong cách mua sắm mới, đầy hấp dẫn, trong khi chậm chạp thay đổi theo xu hướng tiêu dùng mới, Parkson tỏ ra ngày càng đuối sức trên thị trường Việt Nam.
Không gánh nổi các khoản lỗ nặng nề, hệ quả là thương hiệu bán lẻ đình đám một thời liên tục đóng các cửa hàng không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.
Thời kỳ hoàng hôn của Parkson
Vào đầu tháng 10-2018 vừa qua, Parkson đã quyết định đóng toàn bộ hệ thống cửa hàng tại khu thương mại Cantavil (quận 2, TP.HCM).
Đây là cửa hàng thứ 2 trong năm nay mà Parkson buộc phải chia tay. Như vậy Parkson chỉ còn 3 trung tâm tại TP.HCM gồm Parkson Hùng Vương, Parkson Saigon Tourist Plaza và Parkson CT Plaza .
Chị Hà, nhân viên văn phòng cũng bày tỏ sự nuối tiếc về nơi mà đã từng khiến chị mê hoặc với các thương hiệu hàng hiệu quốc tế, nhưng là địa điểm đi dạo ngắm những xu hướng mới thay vì mua sắm mạnh tay.
Đơn giản, theo chị Hà, “Giá cả quá đắt và không có nhiều lựa chọn để có thể thuyết phục khách hàng vào mua sắm và chi tiêu mạnh tay”.
Thực tế, việc đóng cửa Parkson Cantavil đã nằm trong kế hoạch đầu năm của Tập đoàn Parkson mẹ có trụ sở tại Singapore.Nguyên nhân, các khoản lỗ quá lớn từ thị trường Việt Nam khiến việc kinh doanh không hiệu quả.
Tuy nhiên, các vấn đề của nhà bán lẻ Parkson thể hiện rất rõ qua các con số trên toàn thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á, chứ không phải mỗi Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính năm 2018 mà Parkson vừa công bố cho thấy, doanh số bán hàng ở 4 thị trường gồm: Malaysia, Việt Nam, Indonesia, và Myanmar đều suy giảm.
Tuy nhiên, Việt Nam thể hiện là thị trường kém hiệu quả nhất. Doanh thu tại Việt Nam giảm đến 8,3%, trong khi các thị trường còn lại suy giảm từ 1,5% cho đến 3,8%. Kết thúc năm tài chính 2018, Parkson đã thua lỗ hơn 40 triệu đô la Singapore.
“Điều này phản ánh môi trường kinh doanh ngày càng thách thức giữa một bối cảnh các nhà bán lẻ khác cạnh tranh gay gắt.
Mặc dù, chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực để cố gắng biến chuyển việc kinh doanh và tìm cách tăng giá trị tài sản. Mặc dù đạt nhiều tiến bộ, nhưng kết quả vẫn chưa đạt đúng theo kỳ vọng”, ông Tan Sri Cheng Heng Jem, Giám đốc điều hành Tập đoàn Parkson cho biết.
Không phải Parkson không nỗ lực tìm con đường tồn tại tại thị trường Việt Nam. Ông Tan Sri Cheng Heng Jem cho biết đã đầu tư hàng triệu USD cho việc tái cấu trúc các cửa hàng tại Việt Nam, nhưng khoản đầu tư này cần thời gian dài để đem lại hiệu quả.
Song song đó sẽ tập trung vào việc quảng bá chuyên sâu hơn, giám sát chặt chẽ hơn các khoản chi phí.
Theo một chuyên gia, với việc thu hẹp hệ thống cửa hàng cho thấy Parkson đang đi sau các người chơi mới trên thị trường bán lẻ, như Aeon, Lotte, Vincom về độ phủ cửa hàng. Điều này có nghĩa là thương hiệu Parkson sẽ mờ dần trong tâm trí khách hàng
“Người tiêu dùng không phải là một thực thể tĩnh, thường thay đổi nhu cầu, mà chỉ có các công ty có khả năng đáp ứng được các xu hướng luôn thay đổi thì mới có khả năng tồn tại và sống sót”, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển bình luận về việc kinh doanh Parkson đang gặp khó tại Việt Nam.
Thương hiệu bán lẻ đình đám một thời Parkson liên tục đóng các cửa hàng không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.
Không còn đường tăng trưởng
Theo các chuyên gia, Parkson đã khai phá thị trường đầu tiên và đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ, nhưng vì ngày càng quá lớn, và trở nên chậm chạp nên đánh mất đi khả năng sáng tạo.
Điều này đặc biệt đúng khi Công ty nghiên cứu thị trường Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam đã đưa ra một so sánh khác biệt giữa bách hóa tổng hợp (department store), và các trung tâm thương mại hiện đại (shopping mall).
Parkson đã đóng đinh các cửa hàng của mình theo mô hình bách hóa tổng hợp, nhưng đang là mô hình lạc hậu và không thể cạnh tranh hiệu quả.
Thống kê của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam tính đến quý III/2018 bức tranh thị trường bán lẻ tại TP.HCM cho thấy mô hình cửa hàng bách hóa tổng hợp đang tụt hậu dần so với sự bùng nổ của các mô hình bán lẻ khác.
Cụ thể, hiện nay bách hóa tổng hợp (department store) chỉ khiêm tốn 101.877 m2 sàn với vỏn vẹn 7 điểm mua sắm gồm: Diamond Plaza, Now Zone , Parkson C.T Plaza , Parkson Hùng Vương và Parkson Saigon Tourist .
Trong khi đó, các trung tâm thương mại hiện đại (shopping mall) có nguồn cung lên đến 880.646 m2 sàn, với số lượng điểm đến phân bố dày đặc cả khu trung tâm lẫn rìa trung tâm TP.HCM.
Các trung tâm mua sắm vượt trội hoàn toàn so với mô hình bách hóa tổng hợp và dẫn dắt toàn thị trường bán lẻ trực tiếp. Đây cũng là loại hình ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan và nhiều vốn đầu tư nhất trên thị trường bán lẻ TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
“Tôi rất nghi ngờ khả năng thành công của Parkson trong tương lai, khó có thể kỳ vọng tập đoàn bán lẻ này tìm được thời kỳ hoàng kim như trước”, một chuyên gia trong ngành bán lẻ nhìn nhận.
Ông Tan Sri Cheng Heng Jem cho biết, trong thời đến, chiến lược kinh doanh của Parkson tại Việt Nam sẽ là tối ưu hóa hoạt động và mạng lưới cửa hàng, đồng thời thu hút nhiều thương hiệu đến kinh doanh và mở ra nhãn hàng riêng của Parkson.
“Chúng tôi cân nhắc mở cửa hàng có chọn lọc ở các thành phố lớn và có kế hoạch làm mới những cửa hàng hiện hữu, và những cửa hàng kém hiệu quả sẽ ngừng kinh doanh”, ông Tan Sri Cheng Heng Jem nói.
Với việc đóng cửa Parkson Flemington hồi đầu năm và Parkson Cantavil mới đây thì tại Việt Nam, Parkson chỉ còn lại 3 cửa hàng tại TP.HCM. Trong khi Hải Phòng và Đà Nẵng duy trì mỗi thành phố một cửa hàng thì tại Hà Nội, thương hiệu Parkson hoàn toàn vắng bóng. |