Một câu hỏi và thắc mắc phổ biến nhất liên quan tới HÀNH VI CỦA CON mà phụ huynh cần tư vấn nhiều nhất đó là các câu chuyện về việc trẻ quá bướng bỉnh, cư xử không đúng mực (gào thét, la hét, đánh đập, thậm chí cắn và làm đau người khác…).
Những hành vi phổ biến mà các bố mẹ thường gặp và cảm thấy khó đối phó là:
- Lăn ra "ăn vạ" nơi công cộng.
- Cắn, đánh bạn hoặc người lớn.
- Phản ứng gay gắt và tiêu cực với những yêu cầu của bố mẹ.
Kỷ luật trẻ có lẽ là một trong những thách thức lớn với cha mẹ, nhất là khi con có hành vi không phù hợp hoặc không thể nào chấp nhận nổi.
Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu việc bé làm như vậy trong khoảng thời gian từ 2 đến 6 tuổi là hoàn toàn bình thường. Với vai trò là những ông bố, bà mẹ, nhiệm vụ của bạn là giúp trẻ học cách tự kiểm soát bản thân.
4 bước cha mẹ nên áp dụng để đưa con vào khuôn khổ
Dạy cho trẻ về những giới hạn, học cách nói không và định hướng cho trẻ thực hiện những hành vi đúng đắn là những mấu chốt quan trọng trong chiến thuật 4 bước này.
Bước 1: "Nhẹ nhàng và an toàn"
Ở mỗi giai đoạn phát triển, bạn sẽ cần áp dụng những hình thức kỷ luật riêng với trẻ. Với trẻ từ 2-6 tuổi, các hình thức kỷ luật nên đơn giản và dễ hiểu.
Với các bé tuổi teen, cha mẹ có thể giải thích lý do vì sao trẻ làm cái nọ cái kia lại không đúng, lại phạm luật.
Với những em bé nhỏ tuổi, hãy sửa chữa hành vi sai trái của con thật nhanh chóng, sau đó đặt con trong một môi trường an toàn để trẻ có thể thoải mái xả cơn giận của mình mà không gây ảnh hưởng đến người xung quanh và đến chính trẻ.
Lưu ý: Trẻ thường cảm thấy lo lắng và sợ hãi nếu ở quá xa bạn, vì vậy tốt nhất hãy để bé ở trong không gian gần bạn nhất, có thể nhìn thấy bạn mỗi khi bé cần xả giận.
Ví dụ: Con gái vừa dùng chiếc máy bay đồ chơi đánh vào đầu bạn, việc của cha mẹ lúc này là ngay lập tức chạy đến chỗ con, nhìn thẳng vào mắt bé và nói: "Con không được đánh bạn" rồi lấy chiếc máy bay đồ chơi khỏi tay bé đưa cho bạn kia và tiếp tục để mắt đến con gái.
Nếu con nổi cáu và có những hành vi quá mức, hãy bế con đến một nơi an toàn để con có thời gian bình tĩnh trở lại, trước khi rời đi bạn có thể nói thêm: "Khi nào con sẵn sàng chơi cùng các bạn một cách công bằng và vui vẻ, con có thể quay lại".
Hầu hết trẻ trong độ tuổi 2 - 6 đều có những hành động như đánh đập, cắn, la hét khi mọi việc không theo ý muốn của trẻ, đôi khi trẻ có thể nổi cơn thịnh nộ dữ dội.
Bạn nên chuẩn bị tinh thần phải thường xuyên nhảy vào ngăn trẻ tiếp tục những hành vi không phù hợp như ví dụ vừa rồi.
Hãy cho con thấy được tình yêu dựa trên kỷ luật, sự nhất quán để con có thể dễ dàng vượt qua giai đoạn tâm lý khó khăn này.
Bước 2: Sự nhất quán
Trẻ em ở mọi độ tuổi đều rất thông minh và nhanh nhạy cảm nhận ra khi cha mẹ thiếu quyết đoán hoặc bắt đầu bị dao động.
Chỉ cần một lần bạn khiến trẻ cảm thấy mình có thể thoát khỏi sự trừng phạt vì một tội lỗi nào đó, trẻ sẽ làm như vậy và dần kiểm soát mọi việc diễn ra trong nhà.
Tôi hiểu việc cha mẹ buộc phải cứng rắn và nhất quán không hề dễ, nhất là với trẻ nhỏ. Chính vì vậy, tốt nhất bạn nên đặt ra cho mình một khẩu hiệu và nhắc nhở bản thân làm theo nó mỗi khi gặp sự cố với con.
Ví dụ: Bi (5 tuổi) tối nào cũng la hét và ném vứt thú nhồi bông chỉ để đòi bố mẹ cho mình thức chơi muộn.
Trong tình huống này, bố mẹ của Bi nên làm rõ vấn đề bằng cách nhắc nhở: "Từ giờ đến 7:30 sáng mai là giờ đi ngủ, việc này bao gồm cả hoạt động tắm rửa, đánh răng và đọc truyện.
Nếu con là một cậu bé ngoan ngoãn biết lắng nghe, con sẽ được nghe 2 truyện. Còn ngược lại nếu con nổi loạn cáu bẳn, con sẽ phải đi ngủ ngay lập tức mà không có thêm gì cả".
Khi bạn thường xuyên đề cập với trẻ về sự nhất quán và tính kỷ luật hàng ngày, con sẽ dần làm quen và biết mình phải/nên làm gì mới là đúng đắn.
Bước 3: Tầm quan trọng của việc đưa ra lựa chọn
Trẻ trong độ tuổi này thường hay cảm thấy cuộc sống của chúng lúc nào cũng bị áp các nguyên tắc, bị điều khiển bởi người lớn.
Chính vì thế đôi khi cha mẹ nên cho trẻ một chút tự do bằng cách để trẻ lựa chọn cái này, cái kia theo ý mình.
Hãy thử nghĩ xem, bạn sẽ thấy thế nào nếu bị người khác bắt ăn cái này, mặc cái kia, phải chơi với người này, không được quen người kia hàng ngày?
Nghe thực sự khó chịu và nhàm chán đúng không? Nếu người lớn chúng ta còn cảm thấy như thế, thì trẻ nhỏ cũng tương tự, vì vậy một chút tự do nhất định mỗi ngày cũng là liệu pháp tâm lý giúp trẻ bớt có những hành động quá khích.
Ví dụ: Bốp 2.5 tuổi là một đứa trẻ mạnh mẽ và thông minh. Bốp đã thể hiện sự độc lập của mình từ khi còn nhỏ.
Và mẹ cậu bé, thay vì bắt Bốp làm cái nọ cái kia trong khuôn khổ, thì lại để cho Bốp tự do lựa chọn được làm rất nhiều thứ trong cuộc sống hàng ngày của cậu bé mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc sự an toàn của Bốp.
Vào bữa sáng, mẹ sẽ hỏi Bốp: "Con có muốn ăn nho bữa sáng nay không?", trước khi đi ngủ, Bốp cũng luôn được hỏi: "Con muốn đọc sách hay tô màu trước khi ngủ?" Sự tự do này đã khiến Bốp cảm thấy mình không bị gò bó và ức chế.
Mấu chốt vấn đề ở đây là bạn phải để con không bị rơi vào trạng thái cảm thấy mình không có chút quyền lực nào đến nỗi phải hành động quá khích để thể hiện bản thân.
Tuy nhiên, để con tự quyết định đôi khi có thể không đem đến hiệu quả.
Ví dụ bạn cho con chọn 1 trong 2 cái áo len nhưng trẻ không thích cả 2 chẳng hạn. Lúc này thay vì nhượng bộ và chiều theo ý con, hãy để con hiểu nếu con không thể đưa ra lựa chọn, thì bạn sẽ giúp con làm việc đó.
Bước 4: Giúp con hiểu thế nào là nguyên nhân - kết quả
Bất cứ hành động nào dù tốt hay xấu cũng đều mang đến kết cục cuối cùng. Trong cuộc sống, chắc hẳn chúng ta thường xuyên phải đối mặt với những kết quả tạo ra bởi những hành động trước đó của mình.
Cha mẹ nếu cứ tiếp tục nhượng bộ và khoan dung với hành động sai trái của con, trẻ sẽ trở thành một đứa bé hư hỏng và chẳng có ai ưa nổi.
Một trong những nguyên tắc cuối cùng và cũng là quan trọng nhất cha mẹ cần dạy con, đó là dù làm bất cứ gì, con cũng sẽ phải nhận lấy kết quả cuối cùng.
Và kết quả đó tốt hay xấu còn phụ thuộc vào hành động con làm trước đó là tốt hay xấu.
Ví dụ: Bắp 4 tuổi rất hay có thói quen cắn các bạn nữ các khi đang chơi.
Mẹ Bắp đã rất nhiều lần răn đe Bắp không được cắn bạn, tách cô bé khỏi nhóm bạn và phạt cô bé để giữ an toàn cho những đứa trẻ khác.
Tuy nhiên mọi việc có vẻ không khá hơn khi Bắp vẫn tiếp tục cắn bạn. Cuối cùng, mẹ Bắp đã tuyên bố nếu cô bé còn cắn bạn nữa thì sẽ không cho Bắp chơi cùng bạn.
Lần chơi sau đó, Bắp đã thử xem liệu lời mẹ nói có thành hiện thực không bằng cách cắn bạn tiếp.
Như lời tuyên bố, mẹ Bắp đã ngay lập tức đưa cô bé khỏi sân chơi trong khi cô bé đang đạp chân la hét ầm ĩ.
Sau khi để Bắp ngồi an toàn trên xe, mẹ cô bé một lần nữa cảnh cáo: "Đây là hậu quả của việc con cắn các bạn khác trong lúc chơi. Lần tới nếu con cứ cắn bạn, mẹ sẽ cho con đi về ngay lập tức".
Trẻ con thừa hiểu rằng nếu hành vi của chúng khiến bạn có những phản ứng không đồng thuận, chúng sẽ nhanh chóng thay đổi để mọi thứ trở lại bình thường.
Điều này tuy không mấy vui vẻ, nhưng trẻ con đủ thông minh để hiểu sự nghịch ngợm hoặc những hành vi sai trái của mình sẽ gây ra hậu quả không mong muốn, vì thế chúng sẽ nhanh chóng thích ứng với những gì bạn muốn.
Để khuyến khích con thường xuyên có những hành vi đúng đắn, hãy cho con những phần thưởng nhỏ.
Ví dụ, nếu con nghe lời bạn và không cắn bạn bè khi chơi nữa, mỗi lần như vậy bạn hãy dán lên bảng 1 cái sticker để đánh dấu, ra luật cứ sau khoảng vài lần (4-5 lần) trẻ được sticker, trẻ sẽ nhận được một phần quà nhỏ, ví dụ đi ăn kem chẳng hạn.
Với những trẻ còn bé, bạn đầu bạn có thể rút ngắn khoảng thời gian trẻ được nhận phần thưởng rồi dần dần tăng thời gian lên.
Việc này sẽ giúp bé thích nghi và quen với những hành động đúng đắn. Bạn cũng có thể hỏi xem trẻ thích được nhận quà như thế nào để biết động lực của bé là gì.
Kỷ luật con trẻ là điều không hề dễ dàng, bạn phải tốn thời gian, nỗ lực và cả năng lượng để làm được điều đó sao cho đúng mực trong khi vẫn phải lo lắng về công việc và những vấn đề khác trong gia đình.
Vài nét về tác giả:
Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu".
Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.
Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.
Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.