Theo Zaman al-Wasl - trang web đối lập ở Syria thì cuộc tấn công ồ ạt của Không quân Israel (IAF) vào các mục tiêu Iran ở Syria hồi tháng 11/2019 đã phá hủy nhiều hệ thống tên lửa phòng không do Nga chế tạo được triển khai để bảo vệ Thủ đô Damascus cũng như các khu vực thuộc địa bàn phía Nam gần đó.
Tuy nhiên, nguồn tin của Zaman al-Wasl cho biết, truyền thông Israel đã cố tình lờ đi sự thực này mà thay vào đó chỉ đăng tải các hình ảnh chi tiết về những mục tiêu bị tấn công và phá hủy, đồng thời tuyên bố phần lớn trong số chúng là các mục tiêu của Iran.
Nguồn tin trên cũng tiết lộ, vụ không kích do Israel tiến hành đã phá hủy các hệ thống phòng không tiên tiến do Nga chế tạo là Pantsir S1 và Buk M2, những vũ khí vẫn được mệnh danh là "các thợ săn tên lửa hành trình".
Israel không muốn Nga rơi vào tình thế khó xử, gây ra mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước nên đã không tuyên bố thẳng thừng các hệ thống tên lửa tân tiến của Moscow bị hủy diệt. Đây cũng là lần thứ 4 Israel tấn công và phá hủy các xe mang phóng của hệ thống phòng không Pantsir thuộc biên chế của Quân đội Syria.
Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2. Ảnh: RFE
Trong những sự vụ trước, Nga cho rằng đối phương đã tập kích các tổ hợp tên lửa này khi chúng đang trong quá trình tái tiếp đạn nên đã tạo ra kẽ hở để Israel tấn công.
Theo nguồn tin của Zaman al-Wasl, nếu công khai các tin tức về việc những hệ thống trên bị Israel phá hủy thì có thể sẽ làm suy giảm uy tín của chúng và gây ra tác động ngược đối với kế hoạch bán hàng trong tương lai vì thực tế chúng đã không thể chống đỡ được các cuộc tấn công của Israel.
Trước đây, việc thất bại của các hệ thống phòng không do Nga chế tạo mà Syria đang vận hành đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông khiến người ta phải đặt ra câu hỏi liệu rằng Moscow có cung cấp cho Damascus các hệ thống đã bị "vô hiệu hóa"?
Tuy nhiên, do không có sự giải thích khả dĩ nào về sự thất bại của các hệ thống của Nga trong việc đánh chặn máy bay kẻ thù, các nhà bình luận Syria chỉ tuyên bố những tổ hợp này "gặp lỗi" và rằng các hệ thống bán cho Syria, vốn vẫn được xem là "niềm tự hào của ngành công nghiệp Nga", đã không giống với các hệ thống nguyên gốc.
Tiêm kích F-16 Không quân Israel. Ảnh: TOI
Rất có thể Nga đã vô hiệu hóa một số tính năng vì vậy làm giảm đi khả năng hoạt động của chúng. Những hệ thống này được các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển khoa học Syria (CERS) kiểm tra trước khi chuyển giao cho Damascus và họ đã nhận thấy sự khác biệt liên quan tới các tính năng hoạt động khi so sánh với dữ liệu trong sách hướng dẫn.
Đáp lại, Nga cho rằng kết quả tiêu cực trong các vụ thử nghiệm xuất phát từ sự yếu kém của các nhóm kỹ sư người Syria vận hành hệ thống chứ không phải từ bất cứ sai sót kỹ thuật nào.
Kiểu phản ứng này của Nga cũng đã diễn ra trước đây khi cả Ai Cập và Syria phàn nàn về các hệ thống kém ưu việt hơn mà Liên Xô bán cho họ. Theo những nước này, đó là lý do tại sao họ thất bại trong các cuộc xung đột trước đây với Israel.
Cần phải thấy rằng, trong các ấn phẩm chính thống Nga luôn quảng bá Pantsir và Buk như những hệ thống tên lửa tiên tiến nhất thế giới, đồng thời nhấn mạnh tới yếu tố chúng đã trải qua kinh nghiệm thực chiến ở Syria. Đây rõ ràng là một động thái nhằm thúc đẩy các hợp đồng bán hàng, đặc biệt với các thị trường thuộc thế giới thứ ba.
Israel tiêu diệt 1 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Syria.