Ngày 18/8/2018, ông Imran Khan đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Pakistan. Trước đó, trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 25/7/2018, đảng "Phong trào Insaf Pakistan (PTI)" (Tehreek-e-Insaf, Phong trào Công bằng) của ông đã giành được thắng lợi với 115 trong tổng số 272 ghế, đánh bại hai đối thủ lớn nhất là Liên đoàn Hồi giáo (PML) và Đảng Nhân dân (PPP).
Quân đội Pakistan là lực lượng cai quản đất nước kể từ khi giành được độc lập đến nay đã đóng vai trò hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là mang tính chất quyết đinh giúp đảng Phong trào Insaf Pakistan giành thắng lợi, đưa Imran Khan lên ngôi Thủ tướng.
Chính vì vậy, Imran Khan được các đối thủ của ông coi là công cụ trong tay quân đội dưới vỏ bọc dân sự để tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước, tránh các âm mưu đảo chính như đã từng xảy ra trước đây.
Nhiệm vụ đầu tiên của Imran Khan phải giải quyết ngay là tìm cách liên minh hoặc với đảng Nhân dân Pakistan, hoặc với một số đảng nhỏ khác để thành lập chính phủ mới.
Ngày 20/8/2018, một chính phủ mới của ông Imran Khan gồm 15 Bộ trưởng và 5 Cố vấn của Thủ tướng đã ra mắt và làm lễ tuyên thệ trước Tổng thống Mamnoon Husain.
Ảnh: Sky News
Imran Khan tuyên chiến với tham nhũng
Ngay sau khi nhậm chức, Imran Khan tuyên bố sẽ kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ để trực tiếp giám sát cuộc chiến chống tham nhũng và rửa tiền.
Ông cam kết sẽ giải quyết nạn tham nhũng tại Pakistan, hứa hẹn một "Pakistan mới" hoàn toàn khác với Pakistan do Liên đoàn Hồi giáo Pakistan và đảng Nhân dân Pakistan lãnh đạo dưới triều đại gia đình trị của Thủ tướng Nawaz Sharif và Benazir Bhutto.
Nhân dịp này, Imran Khan đã phát động một chương trình tiết kiệm chi tiêu, bắt đầu từ những nhà lãnh đạo cao cấp nhất trong kim tự tháp quyền lực và lấy mình ra làm gương đầu tiên.
Ông đã quyết định cho thanh lý ngay 78 trong tổng số 80 chiếc xe ô tô, toàn bộ đội xe chống đạn, thuyên chuyển 500 cán bộ dành riêng phục vụ Thủ tướng sang làm công việc khác và chỉ giữ lại một số rất ít người phục vụ hết sức cần thiết.
Ông cam kết sẽ giải quyết nạn tham nhũng tại Pakistan, hứa hẹn một "Pakistan mới" hoàn toàn. Ảnh: The Times
Ông cũng đã bàn giao dinh thự dành cho Thủ tướng cho một cơ quan giáo dục để sử dụng làm trường học, bản thân ông và gia đình chuyển sang ở một ngôi nhà nhỏ 3 phòng ngủ.
Imran Khan nói: "Tôi muốn nói với người dân của tôi rằng, tôi muốn sống một cuộc sống giản dị, tôi sẽ không sử dụng tiền của dân, tôi cảm thấy xấu hổ khi sống trong một toà nhà lớn như vậy, tôi sẽ chống những kẻ tham nhũng".
Những thách thức đối nội đang chờ đợi chính phủ mới giải quyết
Tình hình ở Pakistan cho thấy chính phủ mới phải đối mặt với hàng loạt thách thức to lớn. Khó khăn lớn nhất là thiếu hụt ngân sách lên tới 6% tổng sản phẩm quốc nội GDP, khoảng 16 tỷ đô la trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6 vừa qua. Sau đó là cuộc khủng hoảng nợ công quy mô lớn chưa từng có và một bầu không khí chính trị căng thẳng bao trùm đất nước.
Để xử lý các vấn đề này, Pakistan có lẽ sẽ phải tính đến sự giúp đỡ của các cơ quan tài chính quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Để được IMF cho vay tiền, các nước phải tuân thủ các điều kiện hết sức ngặt nghèo. Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang lâm vào khủng hoảng, tình hình tài chính bấp bênh, Pakistan không dễ gì có thể đáp ứng được các điều kiện này.
Ảnh: Islamabad Scene
Mặt khác, trong khi chính quyền mới của Pakistan có kế hoạch vay IMF một "gói giải cứu" tài chính khoảng 12 tỷ đô la, thì Mỹ ngay lập tức đã đưa ra lời cảnh báo về hậu quả của khả năng sử dụng số tiền này để trả nợ cho Trung Quốc.
Một vấn đề nan giải khác là sau 71 năm giành được độc lập, phần lớn người dân Pakistan vẫn phải sống ở mức đói nghèo. Đất nước vẫn phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng, phát triển không đồng đều, tỷ lệ mù chữ cao và nhiều vấn đề khác đòi hỏi chính phủ mới của Imran Khan phải tập trung giải quyết.
Nhiệm vụ đối ngoại của chính phủ mới
Về quan hệ quốc tế, Imran Khan đứng trước tình thế khá khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, các nước khu vực và giữ cân bằng giữa các nước lớn.
Ngay sau khi thắng cử, việc Imran Khan tuyên bố sẽ chọn Iran và Ả Rập Saudi là hai nước cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình thể hiện sự coi trong quan hệ với hai quốc gia Hồi giáo lớn nhất khu vực. Là quốc gia Hồi giáo theo dòng Sunni, Pakistan của Imran Khan muốn giữ cân bằng với Iran Shia và Ả Rập Saudi Sunni.
Trong phát biểu nhậm chức, Imran Khan đã đưa ra những tín hiệu hòa giải với Ấn Độ.
Ông nói: "Nếu chúng ta muốn chống lại đói nghèo, chúng ta cần phát triển quan hệ giao thương với Ấn Độ. Pakistan hiểu người Ấn Độ hơn bất cứ ai, cả hai nước phải cùng nhau giải quyết các tranh chấp, đặc biệt là đối với vùng lãnh thổ Kashmir".
Imran Khan khẳng định sẽ cố gắng cải thiện quan hệ với Ấn Độ và Afghanistan là hai nước láng giềng luôn luôn tố cáo Pakistan sử dụng các phần tử Hồi giáo vũ trang chống lại họ.
Phát biểu sau khi thắng cử, Imran Khan đã tuyên bố sẽ phấn đấu để xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp hơn với quốc gia hạt nhân láng giếng Ấn Độ.
Tuyên bố này đang đặt Imran Khan vào tình thế khó xử với quân đội coi Ấn Độ là kẻ thù. Năm 2014, chính quân đội đã ngăn cản Thủ tướng Nawaz Sharif tham dự lễ nhậm chức của người đồng cấp Ấn Độ Narindra Modi.
Việc đảng Phong trào Insaf lúc đầu đã có ý định mời Narindra Modi tham dự lễ nhậm chức của Imran Khan, nhưng sau đó lại quyết định thôi không mời nữa được một số giới quan sát ở Pakistan coi là một bước nhân nhượng đầu tiên đối với chính sách của quân đội.
Chuyên gia kinh tế Ajman Khan của Pakistan cho rằng việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại với Ấn Độ là sự lựa chọn duy nhất cho Pakistan để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Quan hệ thương mại khu vực có thể giúp Pakistan giải quyết một phần thiếu hụt ngân sách quốc gia.
Ngoài ra, Imran Khan sẽ phải giải quyết những vấn đề khúc mắc nhằm cải thiện quan hệ với Washington. Thượng viện Mỹ vừa qua đã bỏ phiếu áp đảo 87/10 cắt khoản viện trợ quân sự 150 triệu đô la cho Islamabad do Pakistan bị cáo buộc ủng hộ Taliban ở Afghanistan.
Đồng thời chính phủ mới của ông Imran Khan phải xử lý các mối quan hệ với Trung Quốc đang tài trợ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng trị giá nhiều tỷ đô la tại Pakistan trong chiến lược "Một vành đai, Một con đường" của Bắc Kinh.
Một nhà phân tích các vấn để quốc phòng của Pakistan, tướng Talaat Masoud nói: "Quân đội kiểm soát mọi tình hình và sự kiểm soát đó sẽ không có gì thay đổi. Khan sẽ phải đợi ít nhất sáu tháng nữa mới có thể khẳng định được mình trong các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại".
Di sản của những người tiền nhiệm để lại là hết sức nặng nề cả về đối nội lẫn đối ngoại. Thủ tướng Imran Khan đã tỏ quyết tâm cao độ và có nhiều tham vọng, nhưng không dễ gì giải quyết được nhanh chóng các vấn đề của Pakistan đã tích tụ từ hàng chục năm nay.
Thủ tướng Imran Khan là ai?
- Imran Khan sinh ngày 25/11/1952 trong một gia đình kỹ sư ở thành phố Lahor. Năm 18 tuổi ông rời Pakistan sang học ở Anh và năm 1972, ông nhập học tại trường đại học Oxford, môn kinh tế - chính trị và được cử làm đội trường đội Cricket của trường năm 1974 và nhanh chóng trở thành vận động viên Cricket nổi tiếng thế giới.
- Từ năm 1982 đến 1992, Imran Khan lãnh đạo đội tuyển Cricket quốc gia Pakistan và giành được nhiều giải trong các trận thi đấu quốc tế. Năm 1992, Pakistan giành chức vô địch thế giới về môn Cricket.
- Ngay sau đó, Imran Khan tuyên bố chuyển sang hoạt động chính trị và năm 1996 thành lập một tổ chức chính trị lấy tên là "Phong trào Insaf Pakistan". Tôn chỉ mục đích của phong trào này là mang lại công lý cho người dân Pakistan, chủ yếu bằng cách thiết lập một hệ thống tư pháp độc lập đảm bảo tôn trọng quyền con người, dân chủ và pháp trị.
- Imran Khan dần dần trở nên nổi tiếng nhờ các hoạt động xã hội khi cùng năm ấy ông bỏ thể thao và mở bệnh viện "Shaukat Khanum" tại Lahor chuyên chữa bệnh ung thư để tưởng nhớ tới người mẹ của mình đã chết vì căn bệnh hiểm nghèo này và bây giờ trở thành một trong những cơ sở hàng đầu trong lĩnh vực chữa trị bệnh ung thư miễn phí được công nhận rộng rãi trên thế giới.
- Năm 2007, Imran Khan bị bắt giam do tham gia vào cuộc biểu tình của sinh viên tại thành phố Lahor phản đối chính sách của Thủ tướng Pervez Musharaf và sau đó một tuần đã tuyên bố tuyệt thực để phản đối tình trạng khẩn cấp ở Pakistan.
- Năm 2013, Imran Khan đã tham gia tranh cử nhưng chỉ về thứ ba trong danh sách ứng cử viên.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại