Tôi có con nhỏ 4 tuổi thường xuyên nghịch ngợm, chân tay trầy xước. Tôi có dùng ôxy già để rửa vết thương cho cháu, nhưng cũng nghe nói loại dung dịch sát khuẩn này nếu dùng không phù hợp thì sẽ gây hại. Sự thật thế nào? Mong bác sĩ hướng dẫn cách sử dụng đúng ôxy già. Tôi xin cảm ơn.
Nguyễn Văn Đức (Bắc Ninh)
Ôxy già là dung dịch sát khuẩn rất thông dụng và hiệu quả, được mọi người sử dụng với rất nhiều mục đích khác nhau, từ rửa vết thương, vết trầy xước, các nốt mụn... đến sát trùng dao kéo, rửa tay, tẩy các vết bẩn... Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây hại sức khỏe nếu người dùng không hiểu rõ công dụng, dùng sai cách.
Ôxy già được sử dụng để sát khuẩn vết thương như làm sạch vết thương, vết loét; rửa miệng trong điều trị viêm miệng cấp và súc miệng khử mùi; làm sạch ống chân răng và những hốc tủy khác; dùng nhỏ tai để loại bỏ ráy tai...
Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng cầm máu nhẹ. Với vết trầy xước, nên dùng ôxy già rửa vết thương ban đầu rồi bôi thuốc mỡ sát khuẩn. Với vết thương đang lành (đang lên da non) không được bôi nước ôxy già (vì sẽ gây tổn thương mô, làm cho vết thương lâu lành). Không nên sử dụng ôxy già để rửa miệng hoặc súc miệng trong thời gian dài. Không tự ý dùng ôxy già để rửa tai mà chưa có chỉ định.
Khi sử dụng dung dịch ôxy già cần hiểu rõ, khi tiêu diệt vi khuẩn tại vết thương thì thuốc cũng tiêu diệt luôn các bạch cầu, tiểu cầu và thậm chí là các mô mới lành, làm cho vết thương lâu lành hơn.
Do đó, nếu để sát khuẩn các vết thương hở rất thường gặp như đứt tay, ngã gây trầy xước da... thì tốt nhất nên sử dụng nước muối pha loãng hoặc rửa sạch vết thương bằng nước sạch rồi sau đó băng lại.
Đặc biệt lưu ý, nếu đổ trực tiếp ôxy già lên vết thương như nhiều người vẫn làm, nhất là ôxy già đậm đặc, sẽ làm vón tổ chức da, gây hại cho tế bào da.
Hành động đó vừa gây đau đớn vừa khiến vết thương lâu lành, có khi còn gây loét. Qua những phân tích ở trên, tôi khuyên bạn để sát khuẩn vết thương cho trẻ thì chỉ cần dùng nước muối pha loãng, không nên để nước ôxy già trong nhà, trẻ tự ý dùng sẽ lợi bất cập hại.