Ôtô tiêu thụ chậm dù giá giảm

Nguyễn Hải |

Hãng xe và đại lý đang chạy nước rút để đạt doanh số năm bằng hàng loạt chương trình giảm giá, miễn lệ phí trước bạ song thị trường vẫn đìu hiu.

Tháng cận Tết âm lịch hằng năm thường ghi nhận nhu cầu mua sắm ôtô tăng vọt, các hãng và đại lý vì thế cũng cắt giảm mạnh ưu đãi để tối ưu doanh thu.

Năm nay thì ngược lại, sức mua thấp khiến nhà bán hàng không dám cắt giảm ưu đãi, thậm chí còn tăng thêm nhiều chương trình khuyến mại, tặng quà với giá trị cao. Đặc biệt, nếu như trước đây, hãng xe hiếm đưa ra chương trình ưu đãi cho khách hàng mà chủ yếu do đại lý thực hiện thì nay các hãng cũng dồn dập tung ưu đãi.

 Ôtô tiêu thụ chậm dù giá giảm  - Ảnh 1.

Dù có nhiều ưu đãi từ hãng và đại lý nhưng không nhiều khách hàng xuống tiền mua ôtô trong thời điểm này

Toyota Việt Nam công bố hỗ trợ 20-40 triệu đồng lệ phí trước bạ đối với các dòng xe nhập khẩu; hỗ trợ thêm 40 triệu đồng đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước ngoài chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ của nhà nước. Nissan giảm 100% lệ phí trước bạ đối với các dòng xe và tặng thêm gói phụ kiện trị giá khoảng 30 triệu đồng.

Tương tự, hãng Subaru cũng giảm 100% lệ phí trước bạ cho các mẫu xe, tặng 100% phí đăng ký biển số xe, tặng 100% phí bảo dưỡng một năm...

Bên cạnh đó, các đại lý tiếp tục chạy chương trình ưu đãi riêng cho khách mua xe. Đại lý Toyota giảm thêm 5-50 triệu đồng/xe tùy mẫu, tặng bảo hiểm vật chất 1 năm và các loại phụ kiện, phiếu tiền công bảo dưỡng.

Đại lý Mitsubishi tạo điều kiện cho khách hàng mua xe trả góp 12 tháng với lãi suất 0%; giảm 50% lệ phí trước bạ và tặng kèm quà tặng với một số mẫu xe nhập khẩu. Trong khi đó, đại lý Hyundai tặng 100% lệ phí trước bạ, một năm bảo hiểm vật chất cho nhiều mẫu xe...

Nguyên nhân khiến hãng xe, đại lý "sốt ruột" và phải nỗ lực kích cầu trong tháng cận Tết là do sức mua quá yếu trong khi tồn kho đã rất lớn từ nhiều tháng trước. Nguồn xe này nếu không giải phóng hết trước Tết âm lịch thì càng khó tiêu thụ vào năm sau.

Ông Cao Văn Toán, người quản lý hệ thống show-room ôtô Liên Minh Phát Tiến, cho hay dù sức mua tháng cận Tết có tăng song cũng không giải quyết được lượng hàng tồn rất lớn trong 4 tháng giãn cách xã hội.

Đại diện một số hãng xe khác như Volkswagen Việt Nam, MG Việt Nam... đều bày tỏ lo lắng khi dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm qua đã ảnh hưởng lớn đến thị trường ôtô, tồn kho lớn và không dễ xử lý.

"Dịch bệnh tác động không nhỏ đến tình hình tài chính của nhiều đối tượng khách hàng, buộc họ phải suy tính rất kỹ trước khi quyết định mua xe trong thời điểm này. Thị trường cuối năm nay tuy có hồi phục nhưng chưa thể tăng tốc mạnh mẽ được" - ông Đặng Tiền Phương, Giám đốc Marketing - Điều hành hãng ôtô MG Việt Nam, nhận định.

Tiêu thụ xe nội giảm 10%

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong tháng 12-2021 (tháng đầu tiên áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước), có 46.759 xe các loại được tiêu thụ trên thị trường, tăng 25% so với tháng trước đó, song giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính cả năm 2021, tiêu thụ ôtô các loại đạt hơn 277.000 chiếc, tăng 3% so với năm 2020. Trong đó, tiêu thụ xe sản xuất, lắp ráp trong nước giảm 10%, xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng 24%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại