Trong năm 2020, thị trường ôtô Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất nhiều do dịch COVID-19 nhưng nhờ những chính sách hỗ trợ từ nhà nước và ưu đãi từ chính các nhà sản xuất đã giúp lấy lại phần nào doanh số sau khoảng thời gian đầy biến động.
Theo đó, thống kê từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy lượng ôtô bán ra trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt 248.768 chiếc, chỉ còn thấp hơn 14% so với cùng kì năm ngoái trong khi thời điểm sau 4 tháng đầu năm, khoảng cách này lên tới 36%.
VinFast có doanh số khá khủng năm 2020.
Phần doanh số này lại có sự chênh lệch "không hề nhẹ" giữa ôtô lắp ráp nội địa và nhập khẩu. Trong đó, doanh số xe xuất xưởng tại Việt Nam lên tới 157.721 chiếc sau 11 tháng đầu năm 2020, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, còn xe nhập khẩu chỉ đạt 91.047 chiếc bán ra cùng thời điểm, giảm 24%.
Mặt khác, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, lượng ôtô nguyên chiếc các loại được nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2020 đạt 92.261 chiếc, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống là 68.104 chiếc, giảm 31,4%; ôtô vận tải là 18.091 chiếc, giảm 34,3%.
Như vậy, lượng ôtô nhập khẩu bán ra tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với xe lắp ráp trong nước trong cùng thời điểm. Điều này được nhiều người dự đoán từ giữa năm khi chính phủ bắt đầu thực hiện một số chính sách hỗ trợ khách hàng mua xe và cả nhà sản xuất, giúp doanh số ôtô nội địa tăng trưởng rất mạnh kể từ đó.
Các chính sách này, đặc biệt là việc hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ khi khách hàng mua ôtô nội, đã có tác động phần nào đến việc một số mẫu ôtô mới nhanh chóng được chuyển về lắp ráp tại Việt Nam để tận dụng sức hút từ mức giảm lệ phí vẫn còn hiệu lực đến cuối năm nay.
Biểu đồ doanh số ôtô nhập khẩu và lắp ráp (năm 2020 mới chỉ có 11 tháng).
Tuy nhiên, khi so sánh với các năm trước đây, lượng xe nhập khẩu qua 11 tháng của năm 2020 vẫn áp đảo rất mạnh mẽ. Từ năm 2018 trở về trước đó, doanh số của ôtô nhập khẩu bán được cả năm chưa đạt đến 80.000 chiếc.
Điều này được cho có liên quan đến việc thuế nhập khẩu ôtô về mức 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) kể từ năm 2018. Tuy nhiên, các vướng mắc về thủ tục đã khiến nhiều hãng xe gặp khó khăn, không thể đưa lượng ôtô về kịp trong năm 2018.
Dù dịch COVID-19 đã có tác động mạnh nhưng nhờ vào Nghị định 17/2020 được ban hành vào đầu năm, rất nhiều quy định về giấy chứng nhận kiểu loại, kiểm tra theo từng lô xe nhập khẩu…theo Nghị định 116/2017 trước đó đã được gỡ bỏ.
Điều giúp nhiều doanh nghiệp dễ dàng nhập khẩu ôtô vào Việt Nam trong năm 2020, khiến doanh số xe dạng này không thụt lùi quá nhiều so với "đỉnh cao" của năm 2019.
Bước sang năm 2021, chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ chính thức hết hiệu lực theo thông tư mới nhất được Bộ Tài chính ban hành. Khi đó, cuộc chơi giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp nội địa sẽ trở nên cân bằng hơn.
Nhiều dự đoán cho rằng năm 2021 sẽ chứng kiến thị trường xe nhập khẩu tăng trưởng trở lại nhưng khó đạt được mức đỉnh như năm 2019. Trong đó, các hãng xe như Ford, Toyota, Mitsubishi, Suzuki....sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt trở lại.