Ông Lý Văn Thái (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết cuối năm ngoái, ông vay ngân hàng mua chiếc Toyota Vios giá hơn 600 triệu đồng để chạy xe công nghệ. Nhưng chỉ chạy được vài tháng, xe phải "đắp chiếu" do thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
"Ôm" hàng tồn
Không có tiền trả nợ ngân hàng, ông Thái vừa phải bán rẻ chiếc xe. Theo ông Thái, rất nhiều tài xế xe công nghệ chung hoàn cảnh với ông.
"Kinh tế khó khăn nên khách mua xe cũ hay mới đều ít, việc thanh lý xe rất khó, nhiều nơi chỉ chấp nhận mua với giá rẻ. Chúng tôi buộc phải bán lại dù tiền thu về không đủ trả nợ ngân hàng" - ông Thái than thở.
Giá ôtô cũ giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua
Các cửa hàng kinh doanh ôtô cũng gặp rất nhiều khó khăn khi không bán được xe trong suốt nửa năm qua, hàng tồn ngày một nhiều. "Không chỉ ở TP HCM mà tại nhiều địa phương không áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, tình trạng ế ẩm cũng kéo dài.
Hầu như không có khách hỏi mua xe cũ trong nhiều tháng bởi dù có tiền mua xe thì cũng không biết sử dụng vào mục đích gì khi nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều đình trệ. Mua xe cũng giống như mang thêm gánh nặng" - ông Võ Văn Minh, chủ đại lý ôtô Trung Kiên (TP HCM), nói.
Ông Minh phản ánh rất nhiều cửa hàng ôtô đang phải "ôm" hàng tồn, ít thì 5-7 chiếc xe cũ, nhiều thì lên tới vài chục chiếc. Trong khi đó, dân buôn xe cũ đa phần vay vốn ngân hàng để kinh doanh nên hầu hết đều rất chật vật trả lãi ngân hàng trong giai đoạn dịch bùng phát. "Nhiều tháng qua không bán được chiếc xe nào nhưng vẫn phải trả nợ ngân hàng, trả tiền thuê mặt bằng.
Do đó, khi thành phố cho mở cửa buôn bán trở lại, chúng tôi phải giảm giá xuống kịch sàn để đẩy hàng tồn và cũng phải giảm giá thu mua. Giá ôtô cũ hiện giảm sâu nhất trong nhiều năm qua do nguồn cung quá lớn" - ông Minh thông tin.
Cạnh tranh với xe thu nợ
Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống cửa hàng ôtô Hiền (TP HCM), cho hay vào thời điểm thành phố mở cửa hoạt động trở lại, hệ thống của bà tồn đọng hơn 100 chiếc xe cũ. Hiện đã là cuối năm, bà buộc phải giảm giá mạnh để giải phóng hàng bởi nếu cố giữ hàng đến sang năm thì không chỉ tiếp tục mất giá hơn nữa mà còn bị "nhốt" vốn.
Ông Lê Minh Đăng, chủ cửa hàng ôtô cũ Minh Đăng (TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng giá xe cũ trên thị trường giảm sâu còn bởi các cửa hàng xe cũ phải giảm giá để cạnh tranh với nguồn xe do ngân hàng thu nợ. Một số cửa hàng có mối mua xe cũ từ ngân hàng nên cũng hạ giá, bán tháo xe tồn để nhập nguồn xe mới về bán có lợi hơn.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, giá xe cũ đang giảm mạnh. Thông thường, xe sử dụng được 1 năm chỉ mất giá khoảng vài chục triệu đồng mỗi chiếc. Nay, mức giảm lên đến cả trăm triệu đồng.
Tại hệ thống cửa hàng ôtô Hiền, xe cũ của Toyota - hãng được cho là giữ giá tốt nhất thị trường - cũng giảm giá khá sâu.
Chẳng hạn, Toyota Vios đời 2018 chỉ còn 310 triệu đồng, giảm 90 triệu đồng so với giá bán ra năm ngoái; Toyota Innova đời 2017 giảm từ 570 triệu đồng còn 500 triệu đồng. Các mẫu xe cũ của các hãng khác như Ford, Mazda, Mitsubishi, Suzuki, Nissan, Kia, Hyundai… còn giảm giá sâu hơn.
Theo trang điện tử buôn bán ôtô Chợ Tốt Xe, từ tháng 5 đến nay, giá xe cũ đã giảm đến 30%. Ví dụ, Hyundai i10 đời 2016 hiện còn 240 triệu đồng/chiếc, giảm 70 triệu đồng so với hồi tháng 5 và giảm đến 120 triệu đồng so với năm ngoái; Honda City đời 2016 giá hiện dưới 400 triệu đồng, giảm 60 triệu đồng so với tháng 5 và giảm hơn 100 triệu đồng so với năm ngoái…
Thông tin từ các trang mua bán xe online cho thấy giai đoạn "hậu" giãn cách, số lượng rao bán xe tăng 4-5 lần so với hồi tháng 8, song số lượt liên hệ mua xe chỉ tăng gấp đôi.
Đại lý chính hãng cũng bán xe cũ
Nhiều đại lý của hãng Toyota, Ford, Kia, Mitsubishi, Mercedes… cũng có dịch vụ thu mua xe cũ và bán cho khách hàng có nhu cầu. Các đại lý này thường kiểm tra xe khá kỹ, ghi nhận lịch sử của chiếc xe… trước khi giao dịch.
Mua xe cũ tại đại lý chính hãng, khách hàng sẽ được hưởng chế độ bảo hành thêm một năm. Tuy nhiên, giá bán xe cũ tại các đại lý của hãng thường cao hơn cửa hàng bên ngoài từ 10% trở lên.