Osamu Suzuki: ‘Người hùng’ đưa Suzuki từ người tí hon lên gã khổng lồ qua đời ở tuổi 94

Quang Phong |

Osamu Suzuki chính là người đã định hướng tập trung Suzuki vào thị trường Ấn Độ nơi thương hiệu Nhật đang là ông vua không có đối thủ ở thời điểm hiện tại.

Osamu Suzuki - cựu Chủ tịch Suzuki đã qua đời ở tuổi 94 vào ngày 25/12 vừa qua. Dù đã từ chức Chủ tịch vào năm 2021 sau hơn 4 thập kỷ cống hiến, ông vẫn là cố vấn cấp cao của Suzuki cho tới những ngày cuối đời.

Vị lãnh đạo này kiên quyết không nghỉ hưu với câu trả lời nổi tiếng “tôi sẽ chết trên chiến (thương) trường”. Trong một cuộc trò chuyện với Chủ tịch Toyota Akio Toyoda, ông Osamu Suzuki từng khẳng định “công việc làm cho cuộc sống trở nên đáng sống. Đương đầu với thử thách chính là mục đích của cuộc sống”.

 - Ảnh 1.

Ông Osamu Suzuki là người "nghiện" làm việc và ông không từ bỏ công việc của mình cho tới những ngày cuối đời. Ảnh: Reuters

Osamu Suzuki thực chất không phải con ruột nhà Suzuki mà là con rể lấy họ vợ để nối dõi tông đường. Ông ban đầu là nhân viên ngân hàng trước khi gia nhập Suzuki vào 1958. Tới thập niên 1970, hãng suýt phá sản nhưng được Toyota giang tay cứu giúp.

Tuy nhiên, Osamu và lòng tự hào của ông không cho phép Suzuki tồn tại dựa vào sự thương hại của Toyota. Ông tự mình vạch ra lộ trình đưa Suzuki tới thành công với điểm đến được lựa chọn cuối cùng là Ấn Độ.

Tính tới thời điểm hiện tại, quyết định trên có lẽ là quyết định đúng đắn và quan trọng nhất trong lịch sử Suzuki. Hiện họ là thương hiệu số 1 tuyệt đối tại Ấn Độ - nơi cái tên Suzuki đã trở thành biểu tượng của ô tô giá rẻ mà đáng tin cậy.

 - Ảnh 2.

Suzuki hiện là hãng xe lớn nhất tại Ấn Độ với khoảng cách gần như không thể san lấp so với những cái tên bám đuổi. Ảnh: Suzuki

Không chỉ giúp vực dậy Suzuki, Osamu Suzuki giờ còn giúp Suzuki hỗ trợ ngược Toyota. Hãng đã cho đối tác mượn không ít dòng xe để khai thác thị trường tỷ dân như Suzuki Ertiga (trở thành Toyota Rumion), Suzuki Baleno (Toyota Starlet) hay Suzuki Vitara (Toyota Urban Cruiser).

Nhiều người thường so sánh Osamu Suzuki với nhà sáng lập của Honda là Soichiro Honda. Cả 2 đều là những lãnh đạo có đường lối riêng, có tính cách thẳng thắn và đam mê đổi mới. Tương tự Honda, điểm mạnh của Suzuki có cả mảng xe máy, động cơ hàng hải và ô tô cỡ nhỏ.

Tuy nhiên, Osamu Suzuki không định hướng Suzuki đối đầu trực diện với các đối thủ như Honda ở cuộc đua công nghệ mà chọn hướng xe cỡ nhỏ giá rẻ để phát triển. Ông tin rằng xe cỡ nhỏ là những tác phẩm nghệ thuật vì chúng phải cân bằng giữa kích thước, dung tích động cơ và giá bán để thành công.

Osamu cũng rất quan tâm tới các sản phẩm của Suzuki dù không trực tiếp đảm nhiệm chúng. Ông thường xuyên tới thăm các nhà máy và showroom của Suzuki để theo sát tình hình thực tế.

 - Ảnh 3.

Không chỉ đặt nền móng cho Suzuki tại Ấn Độ, Osamu Suzuki chính là người đã giúp hãng mở rộng tầm ảnh hưởng ra hơn 190 thị trường khác nhau trên toàn cầu thay vì chỉ gói gọn tại Nhật như giai đoạn đầu. Ảnh: Suzuki

Chủ tịch Toyota Akio Toyoda từng tỏ rõ sự kính trọng với vị lãnh đạo Suzuki. Trong một buổi họp báo vào năm 2021, ông khẳng định mình “coi ông ấy như người cha của ngành công nghiệp ô tô (Nhật Bản) khi là một trong những người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp này”.

Sự ra đi của Osamu Suzuki đánh dấu chấm hết của một kỷ nguyên. Ông là người cuối cùng trong giới lãnh đạo huyền thoại cũ đã giúp đưa ô tô Nhật Bản trở thành thế lực toàn cầu - những người giúp quốc gia này đặt nền móng trở thành quốc gia sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại