Oppenheimer – Người đàn ông bí ẩn phát minh ra bom nguyên tử - Kỳ 2

Thùy Dương |

Trong những năm ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, dư luận về việc Mỹ sử dụng bom nguyên tử ở Nhật Bản vẫn trái chiều.

Kỳ 2: Cuộc chiến quanh quả bom nguyên tử

Lần đầu tiên Oppenheimer xuất hiện trên màn ảnh rộng là vào tháng 8/1946, khi ông đóng vai chính trong bộ phim tài liệu dài 18 phút “Atomic Power” (Sức mạnh nguyên tử”), nằm trong loạt phim “The March of Time” của tạp chí Time. Bộ phim này có Oppenheimer và một số nhân vật khác tham gia như nhà bác học Einstein, Tướng Groves và nhà khoa học Isidor Isaac Rabi. Oppenheimer đã diễn lại cảnh hồi hộp chờ đợi vụ nổ ở Trinity cùng với đồng nghiệp Rabi - người trấn an cấp trên: “Sẽ ổn thôi, Robert. Và tôi chắc rằng chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc vì điều đó”.

Trên thực tế, Oppenheimer đã hối tiếc rồi. Vào tháng 10/1945, ông nói với Tổng thống Harry S. Truman: “Ngài Tổng thống, tôi cảm thấy tay mình vấy máu”.

Oppenheimer – Người đàn ông bí ẩn phát minh ra bom nguyên tử - Kỳ 2 - Ảnh 1.

Đám mây hình nấm tồn tại từ 2 - 5 phút sau khi quả bom nguyên tử rơi ở Hiroshima. Ảnh: Wikimedia Commons

Làn sóng dư luận cũng bắt đầu thay đổi. Ba tuần sau khi “Atomic Power” lên sóng, một bài báo dài có tên “Hiroshima” của tác giả John Hersey xuất hiện trên tờ New Yorker, lần đầu tiên khiến nhiều người Mỹ hiểu về sự khủng khiếp của quả bom nguyên tử.

Lo sợ để lại vết nhơ trong lịch sử, Tổng thống Truman và các quan chức khác đã hành động, buộc cựu Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson lên tiếng bảo vệ hành động sử dụng quả bom nguyên tử trong một bài báo trên tạp chí Harper's xuất bản vào tháng 2/1947. Bài báo chỉ đơn giản kể lại các sự kiện, miêu tả quyết định sử dụng quả bom là một quyết định cẩn trọng, khôn ngoan. Bài báo cho rằng quả bom đã khiến các nước Đồng minh không phải đưa quân vàoNhật Bản và do đó, đã giúp riêng Mỹ tránh 1 một triệu thương vong.

Tác giả Bird nói: “Bài báo đó thực sự đã tạo nên lịch sử cho hầu hết người Mỹ các thế hệ tiếp theo. Mọi người nghĩ đó là một quyết định khó khăn. Điều đó thật tồi tệ. Nhưng điều đó là cần thiết, và có lẽ điều đó đã cứu sống hàng triệu người Mỹ”.

Bộ phim lớn đầu tiên của Hollywood về quả bom nguyên tử (The Beginning or the End - Bắt đầu hay kết thúc) ra mắt một tháng sau bài báo của ông Stimson. Ban đầu được các nhà khoa học nguyên tử dựng lên để nâng cao nhận thức của công chúng về sự nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân, nhưng bộ phim đã trải qua quá trình phê duyệt kịch bản và phải thực hiện lại theo yêu cầu của Tướng Groves và Tổng thống Truman, biến nó thành một sản phẩm thiên về ủng hộ việc sử dụng bom nguyên tử do Lầu Năm Góc và Nhà Trắng chỉ đạo.

Ngay cả Tổng thống Truman cũng tham gia can thiệp, ra lệnh quay lại phim cho dù rất tốn kém và khiến nam diễn viên đóng vai mình bị sa thải. Hãng phim đã tự nguyện trao quyền kiểm soát bộ phim cho Lầu Năm Góc, thông qua Tướng Groves và Nhà Trắng. Bản thân Oppenheimer cũng chịu khuất phục trước áp lực.

Theo phim The Beginning or the End, quân đội Mỹ đã thả tờ rơi cảnh báo về quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và máy bay Enola Gay đã bị hỏa lực tên lửa phòng không của Nhật Bản tấn công trong quá trình ném bom. Giống như bài báo của ông Stimson, bộ phim mô tả Tổng thống Truman cẩn thận cân nhắc quyết định thả quả bom trước khi đến thời điểm then chốt.

Trên thực tế, Mỹ đã không thả truyền đơn cảnh báo cụ thể về quả bom nguyên tử, mặc dù các phi công có thể đã thả những thông báo chung chung hơn về các cuộc tấn công sắp xảy ra ở Hiroshima, còn chiếc Enola Gay đã không bị hỏa lực phòng không tấn công.

Oppenheimer – Người đàn ông bí ẩn phát minh ra bom nguyên tử - Kỳ 2 - Ảnh 3.

Nam diễn viên Cillian Murphy trong vai Oppenheimer đi giữa đám đông phóng viên ảnh. Ảnh: Universal Pictures

Nhiều nhà sử học không đồng ý rằng Tổng thống Truman chỉ có một khoảnh khắc để ra quyết định. Trong một bài luận được đưa vào tuyển tập “The Age of Hiroshima” năm 2020, Alex Wellerstein, một nhà sử học hạt nhân tại Viện Công nghệ Stevens ở New Jersey, đã viết rằng Tổng thống Truman thực sự không quan tâm đến hầu hết các quyết định dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo ông Wellerstein, Tổng thống Truman thậm chí có thể đã nhầm tưởng rằng Hiroshima là một mục tiêu quân sự chứ không phải là một thành phố có phần lớn là dân thường sinh sống.

Đối với con số 1 triệu thương vong mà phía Mỹ cho rằng quả bom đã góp phần ngăn chặn, tác giả Bird sau đó đã hỏi người phụ trách viết bài báo cho ông Stimson là Mac Bundy, rằng anh ta lấy con số này ở đâu. Ông Bird nhớ lại: “Anh ta nhìn tôi và nói: ‘À, chúng tôi tự nghĩ ra’”.

Oppenheimer mô tả kịch bản của The Beginning or the End là không có mục đích và thiếu thông tin. Một nhà vật lý khác tên là Leo Szilard thậm chí còn nói thẳng thừng hơn: “Nếu tội lỗi của các nhà khoa học chúng ta là chế tạo và sử dụng bom nguyên tử, thì hình phạt của chúng ta là phải xem The Beginning or the End”.

Đón đọc kỳ cuối: Phiên điều trần của Oppenheimer

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top