Nghiền nát Không quân Arab trước sự ngỡ ngàng của thế giới
Chiến dịch “Tiêu điểm” (Operation Focus, Moked), còn được gọi là "Cuộc không kích Sinai" là cuộc không kích phủ đầu, cấp tập ngày 5/6/1967 của Không quân Israel (IAF) mở đầu cuộc “Chiến tranh Sáu ngày” nghiền nát Không quân Ai Cập, tấn công trả đũa Syria, Jordan và Iraq.
Với ba đợt không kích chính ào ạt và một số đợt nhỏ, Israel đã hoàn toàn chiếm ưu thế trên không trước Ai Cập tại Cao nguyên Golan, Bờ Tây và toàn bộ sa mạc Sinai, hỗ trợ lực lượng mặt đất tác chiến một cách hiệu quả.
Với lực lượng kết hợp, Ai Cập, Jordan và Syria có khoảng 328.000 quân, 2.300 xe tăng, 1.800 xe bọc thép, 2.200 tổ hợp phòng không (bao gồm cả các khẩu đội SAM) và gần 700 máy bay.
Ai Cập có lực lượng không quân lớn và hiện đại nhất trong số các quốc gia Arab, với khoảng 450 máy bay chiến đấu, trong đó có nhiều máy bay MiG-21 do Liên Xô sản xuất, hiện đại bậc nhất lúc đó.
IAF có 196 máy bay chiến đấu tiền tuyến, phần lớn là máy bay Pháp đã được nâng cấp: máy bay ném bom hạng nhẹ Sud Aviation, máy bay tiêm kích-ném bom Dassault Ouragon, máy bay tiêm kích Dassault Super Mystere và 76 máy bay chiến đấu tiên tiến Dassault Mirage IIICJ.
Không quân Israel đã hoàn toàn chiếm ưu thế trên không; Nguồn: jpost
Hệ thống phòng không của Ai Cập rất yếu, không có sân bay nào được trang bị bong-ke bọc thép để bảo vệ máy bay. Không quân Ai Cập chủ quan, đậu máy bay sát nhau dọc theo đường băng, không ngụy trang, không phân tán lực lượng.
Cuộc không kích thành công mỹ mãn - hơn 300 máy bay Ai Cập bị phá hủy (gồm máy bay ném bom chiến lược Tu-16, máy bay ném bom hạng trung Il-28 , cường kích Su-7 , tiêm kích siêu âm MiG-21 , MiG-19 , MiG-17 và máy bay vận tải), hơn 100 phi công Ai Cập tử nạn.
Phía Israel mất 19 máy bay, phần lớn do trục trặc kỹ thuật, tai nạn..., nhưng cuộc không kích mang lại cho Israel ưu thế áp đảo trên không cho đến hết cuộc chiến.
Ngay chiều hôm đó, không quân Israel chuyển sang đánh các sân bay thứ yếu ở Ai Cập và bắt đầu tấn công Jordan, Syria, và Iraq, tiêu diệt hầu hết không quân các nước này. Không quân Jordan bị xóa sổ, mất hơn 20 máy bay chiến đấu Hunter, 6 máy bay vận tải và 2 máy bay trực thăng.
Không quân Syria mất 32 MiG-21, 23 MiG-15 và MiG 17, 2 máy bay ném bom Ilyushin Il-28. Một số máy bay của Iraq cũng bị phá hủy tại sân bay H3 ở tây Iraq, gồm 12 trong tổng số 20 MiG-21, 2 MiG-17, 5 Hunter F6, và 3 Il-28. Một máy bay ném bom Tu-16 của Iraq bị bắn hạ trong ngày bởi hỏa lực phòng không Israel khi định ném bom Tel Aviv.
Israel cho biết, chỉ trong hai ngày đầu chiến sự, họ đã phá hủy 416 máy bay của phe Arab, trong khi mất 26 máy bay. Trong Chiến tranh Sáu ngày, Không quân Israel với 250 máy bay chiến đấu, xuất kích 352 lần, đã giành ưu thế trước liên minh với khoảng 600 máy bay chiến đấu.
IAF đã phá hủy 452 máy bay đối phương, bao gồm 79 trong không chiến, trong khi mất 46 chiếc; 24 phi công Israel và hàng trăm phi công Arab đã thiệt mạng.
Không quân Ai Cập, Jordan, Syria, Iraq bị Không quân Israel tập khích phủ đầu; Nguồn: img.gagdaily
Số máy bay Arab mà Israel tuyên bố phá hủy lúc đầu bị báo chí phương Tây tưởng là đã bị "phóng đại". Tuy nhiên, thực tế là không lực Ai Cập, Jordan, và các quốc gia Arab khác hầu như vắng bóng trong những ngày tiếp theo của cuộc chiến chứng tỏ là con số tổn thất là xác thực.
Khi kết thúc cuộc chiến, Israel giành được quyền kiểm soát Đông Jerusalem, dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây, và cao nguyên Golan. Kết quả của cuộc chiến này ảnh hưởng đến địa thế chính trị của khu vực này cho đến ngày nay.
Một kế hoạch chi tiết tỷ mỹ, một chiến thuật hoàn hảo và hơn nữa…
Kế hoạch của IAF được vạch ra rất rõ ràng, tỷ mỹ, chi tiết. Mục tiêu hàng đầu của Operation Focus là tiêu diệt các máy bay ném bom Tu-16 and Il-28 với tầm bay có thể oanh tạc các mục tiêu của Israel và các máy bay chiến đấu MiG-21 - máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Không quân Ai Cập.
Mục tiêu thứ yếu bao gồm phá hủy các sân bay để ngăn người Ai Cập phái máy bay chiến đấu đánh chặn máy bay của Israel và tiêu diệt các hệ thống phòng không, cho phép họ tiếp tục tấn công với ít rủi ro hơn từ hỏa lực mặt đất.
Trong thực tế, máy bay của IAF bay cực thấp (dưới 18 mét) và tốc độ cao để tránh hệ thống phòng không Ai Cập. Tên lửa đất đối không SA-2 là một vũ khí tính năng cao, nhưng chỉ hiệu quả trên 4.000 feet. IAF đã phát hiện được những khoảng trống radar của Ai Cập và bố trí cho các máy bay của họ lách qua những khoảng trống này.
Thay vì vào lúc bình minh, IAF đã chọn thời điểm không kích vào lúc 0845 giờ Ai Cập, mà theo tính toán, khi đó, các máy bay MiG sơ hở nhất, nhiều phi công và sĩ quan Không quân Ai Cập ăn sáng, và những người khác đang bị tắc giao thông do giờ cao điểm.
IAF đã xây dựng một số mô hình trên sa mạc mô phỏng căn cứ không quân Ai Cập, cho phép phi công thực hành các cuộc tấn công trước khi vào chiến dịch. Không chỉ phi công, các nhân viên mặt đất được huấn luyện để có thể tái nạp vũ khí và nhiên liệu cho máy bay một cách nhanh chóng, cho phép máy bay xuất kích nhiều lần mỗi ngày.
Chỉ có 196 máy bay chiến đấu, nhưng IAF có ba phi công cho mỗi máy bay, đảm bảo các phi công được nghỉ ngơi sẵn sàng thay thế đồng đội mệt mỏi hoặc bị thương. IAF có tỷ lệ máy bay sẵn sàng chiến đấu 90%, trong khi con số này đối với Ai Cập chỉ 30%.
IAF chiến thắng nhờ có kế hoạch hoàn hão, sự chuẩn bị công phu và sự phối hợp nhuần nhuyển…; Nguồn: smithsonianmag
Vào lúc 7h10 phút ngày 5/6, giờ Israel, 16 máy bay huấn luyện Magister Fouga sử dụng bảng hiệu tuần tra giống hệt máy bay chiến đấu Mirage, như hoạt động bình thường hàng ngày đối với các nước Arab xung quanh, cất cánh.
Chỉ năm phút sau, chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên trong số 183 chiếc (tương đương 95% tổng số máy bay của IAF) bắt đầu cất cánh tham gia cuộc không kích Ai Cập; 12 máy bay chiến đấu khác ở nhà trực chiến phòng không.
Khi máy bay cất cánh, chúng hợp thành các nhóm gồm bốn máy bay và bay về hướng Địa Trung Hải trước khi nhằm hướng Ai Cập. Một đài radar của Jordan phát hiện được các phi đội Israel đã gửi tin mã hóa cảnh báo cho Ai Cập.
Tuy nhiên, do vừa đổi mật mã ngày hôm trước, Ai Cập đã không thể giải mã được bức điện. Phía Ai Cập cũng tự làm hại mình bằng cách tắt toàn bộ hệ thống phòng không của họ vì sợ lực lượng nổi dậy Ai Cập có thể bắn hạ máy bay chở Nguyên soái Amer và Tướng Sidqi Mahmoud, đang trên trên đường công cán.
Trước khi đến mục tiêu là 10 sân bay độc lập đã được định trước của đợt tập kích đầu tiên, các đội hình chiến đấu cơ IAF đột ngột leo lên 9.000 feet và triển khai các cuộc tấn công.
Các phi công Israel áp dụng cùng lúc nhiều chiến thuật: ném bom và dùng hỏa lực tiêu diệt các máy bay đang đậu trên đường băng, ném bom (có động cơ bổ trợ) xuyên phá đường băng (Rocket Assisted Anti-Runway Warhead) để máy bay Ai Cập không thể cất cánh được, biến những chiếc máy bay hiện đại thành “cá nằm trên thớt”.
IAF đã hỗ trợ hiệu quả các hoạt động tác chiến của lực lượng mặt đất; Nguồn: wikipedia
Vũ khí phá đường băng nguyên mẫu của Pháp-Israel sử dụng dù hãm phía trên mục tiêu để hướng đầu đạn trực tiếp về phía đường băng dự định tấn công; ở độ cao đã định, một tên lửa gia tốc thứ hai sẽ được dù khởi động để đầu đạn xuyên qua mặt đường băng trước khi phát nổ. Vụ nổ tạo ra một miệng hố nhỏ trên một hố chìm lớn phía dưới.
Phần đường băng bị hư hỏng phải được gỡ bỏ hoàn toàn trước khi hố ngầm có thể được sửa chữa thay vì với một hố bom thông thường - chỉ cần được lấp đầy và vá lại. Trong suốt cuộc chiến, không lực của Israel tiếp tục bắn phá đường băng để ngăn đối phương đưa chúng vào hoạt động trở lại.
Dù bị áp đảo về số lượng, IAF đã tiêu diệt hoàn toàn lực lượng không quân Arab nhờ sự kết hợp hoàn hão giữa lập kế hoạch tỷ mỹ, tấn công bất ngờ, có chiến thuật tốt và huấn luyện chu đáo.
Họ cũng rất thành công trong việc vô hiệu hóa 18 sân bay, cản trở các hoạt động của Không quân Ai Cập trong suốt cuộc chiến, kiểm soát gần như hoàn toàn bầu trời và có thể hỗ trợ các đơn vị mặt đất.
Trong khi đó, liên quân Arab (nhất là quân đội Ai Cập) thể hiện một tinh thần chiến đấu bạc nhược, binh sỹ vô kỷ luật, các chỉ huy chủ quan và mắc hàng loạt sai lầm. Kết quả là quân Arab thất bại nhanh chóng dù có ưu thế về quân số và trang bị.
Là một trong những chiến dịch tấn công đường không thành công nhất, Chiến dịch Moked đã thay đổi tiến trình của cuộc chiến 1967 và lịch sử, và được coi là "Tiêu chuẩn Vàng" của một chiến dịch không kích phủ đầu. "Chiến dịch Tiêu điểm" cho thấy, các cơ sở không quân cố định dễ bị tấn công như thế nào trước các cuộc không kích vào thời điểm đó.
Điều này khiến không quân nhiều quốc gia rút ra bài học xương máu, phát triển và cải thiện các biện pháp phòng thủ, như xây dựng các hầm trú ẩn máy bay cứng để bảo vệ máy bay trên mặt đất, thiết lập các dải đường cao tốc làm căn cứ không quân thay thế…, cũng như các biện pháp phòng không bảo vệ sân bay./.