Cuộc chiến Nga - Ukraine đang bước sang năm thứ ba, Kiev không đạt được các mục tiêu của mình. Trên chiến truòng, quân đội Ukraine đang mất dần vị thế trước áp lực của Lực lượng vũ trang Nga. Đất nước bị tàn phá nặng nề. Tình hình trên chiến trường cũng như trên giới cho thấy cuộc xung đột không thể giải quyết được bằng quân sự.
Mỹ, các nước châu Âu và cả Ukraine đang thay đổi quan điểm từ mục tiêu giành chiến thắng và giải phóng lãnh thổ sang chấp nhận việc giải quyết xung đột thông qua đàm phán hoà bình.
Tổng thống Zelensky đề nghị đàm phán với Nga
Ngày 20/9/2024, trong một cuộc họp báo tại Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố:
“Chúng tôi sẵn sàng gặp Nga tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, bởi vì tất cả các đồng minh của chúng tôi, kể cả những người thân cận nhất, luôn luôn đứng về phía chúng tôi trong cuộc chiến với Nga đều nói rằng Nga nên có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai.
Nga là một bên đang chiến đấu chống lại Ukraine, do đó, không thể kết thúc chiến tranh nếu Nga không tham gia”.
Đồng thời, gần đây, ông Zelensky đã nói về sự cần thiết phải tổ chức một hội nghị hòa bình khác với sự tham gia của Nga sau hộ nghị Bürgenstock. Đây là sự thay đổi trong cách tiếp cận của Ukraine sau khi Kiev loại trừ Moscow khỏi hội nghị thượng đỉnh đầu tiên.
Ông nói: “Phần lớn thế giới hôm nay cho rằng Nga phải có đại diện tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, nếu không sẽ không đạt được kết quả có ý nghĩa. Cả thế giới muốn Nga có mặt tại bàn đàm phán, chúng tôi không thể chống lại điều đó".
Nhà lãnh đạo Ukraine lần đầu tiên đề cập rằng, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev có thể bắt đầu ngay cả khi Ukraine không quay trở lại đường biên giới năm 1991.
Điều này có nghĩa là Ukraine có thể đàm phán với Nga về biên giới vào năm 2022. Trước đây, Kiev tuyên bố, việc bắt đầu đàm phán hòa bình là "không thể" cho đến khi lực lượng Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraine trong phạm vi biên giới năm 1991.
Đây là sự thay đổi quan trọng trong lập trưởng của Tổng thống Zelensky nhằm chấm dứt cuộc chiến với Nga.
Ở một diễn biến khác, ngày 16/10/2024, phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Ông Sholz đã đưa ra tuyên bố này trước thềm hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) được triệu tập ngày 17/10. Đầu tháng 10 vừa qua, Sholz cũng cho biết ông muốn gọi điện để nói chuyện với ông Putin.
Đáng lưu ý, Đức là thành viên NATO ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống Nga.
Nguyên nhân thúc đẩy Kiev chấp nhận đàm phán với Moscow
Thứ nhất, về quân sự, kể từ khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine ngày 24/2/2022 đến nay, đặc biệt trong những tháng gần đây, Nga đã giành được các bước tiến lớn quan trọng tại mặt trận phía Đông và đang mở rộng tấn công trên các mặt trận khác.
Các lực lượng vũ trang Nga đang làm chủ trên chiến trường và giành được quyền kiểm soát đối với nhiều vùng lãnh thổ gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia. Nhân cơ hội Mỹ hiện đang bận tâm với bầu cử Tổng thống và cuộc chiến leo thang ở Trung Đông, Nga đang tăng cường tấn công và giành được nhiều thắng lợi ở mặt trận Donbass.
Trong khi đó, quân đội Ukraine gặp nhiều khó khăn trên chiến trường do thiếu vũ khí đạn dược, thậm chí cả quân số, nhiều tuyến phòng thủ bị phá vỡ, quân Ukraine phải rút lui khỏi nhiều chiến tuyến.
Ngày 14/7/2024, đại biểu Quốc hội (Verkhovna Rada) của Ukraine, Maryana Bezuglaya cho biết, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi và nhóm của ông có ý ngừng bắn với Nga, họ “không tin vào khả năng giành được chiến thắng trong cuộc chiến với Nga”. Có thể nói, tình hình chiến trường ở Ukraine là không thể đảo ngược.
Báo The New York Times viết: “Chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine đang nằm trong tay Nga, nó hoàn toàn có thể đạt được bất kể năm tới ai sẽ vào Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.”
Thứ hai, sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây dành cho Ukraine ngày càng giảm sút. Nước Pháp đang bị phân tâm bởi khủng hoảng chính trị và tài chính, quyền lực của Tổng thống Emmanuel Macron trong nước và ảnh hưởng của ông ở châu Âu đang suy giảm. Nội bộ Đức cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi những bất đồng trong liên minh ba bên đang suy yếu và có thể kéo dài đến cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 9/2025.
Vương quốc Anh đang phải vật lộn với những khó khăn về ngân sách khi chính phủ mới của Đảng Lao động tập trung vào cải cách các dịch vụ y tế và công cộng. Trong khi đó, các đảng thân Nga đang giành được thắng lợi trong một số cuộc bầu cử ở châu Âu, gần đây nhất là ở Áo. Đức và Anh nói rằng họ đã cạn kiệt vũ khí và không thể cung cấp thêm tiền cho Ukraine nữa.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden, đang tìm cách tránh bất kỳ động thái chính sách nào có thể gây nguy hiểm cho cơ hội thắng cử của ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris. Điều này không chỉ hạn chế khả năng kiềm chế Israel trong cuộc chiến với Hamas, Hezbollah và Iran mà còn hạn chế việc ông sẵn sàng cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa do Mỹ cung cấp hoặc vũ khí châu Âu có sử dụng các linh kiện của Mỹ.
Anh và Pháp là hai nước cung cấp cho Ukraine tên lửa không đối đất Storm Shadow và Skull nhưng không cho phép sử dụng các loại vũ khí này tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Đức là một trong những nước viện trợ lớn nhât cho Ukraine nhưng cũng có kế hoạch giảm một nửa viện trợ quân sự cho Kiev vào năm tới và đang do dự về việc cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa Taurus, hệ thống mà Kiev từ lâu đã yêu cầu để đánh vào các đường tiếp tế và bệ phóng tên lửa của Nga.
Thủ tướng Scholz lo ngại AfD và Sahra Wagenknecht là hai đảng phản chiến liên minh với nhau sẽ giành thắng lợi trong bầu cử sắp tới và lo sợ Đức sẽ bị Nga trả đũa.
Thứ ba, phần lớn các thành viên NATO đều phản đối việc Ukraine gia nhập khối liên minh quân sự này do họ không muốn tham gia trực tiếp vào một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga theo Điều 5 của Hiến chương NATO.
Có thể nói, cơ hội Ukraine gia nhập NATO hiện nay gần như bằng 0. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ 75 được tổ chức tại Washington từ ngày 9-11/7 năm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng, điều quan trọng cơ bản là ngăn chặn liên minh bị lôi kéo vào cuộc xung đột hiện tại giữa Ukraine với Nga.
Thứ tư, cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ gây ra nhiều “rủi ro” cho Ukraine, nước đang trông cậy rất nhiều vào sự hỗ trợ quân sự liên tục của Mỹ trong cuộc đối đầu với Nga. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố sẽ "chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ" nếu ông đắc cử, và nêu rõ Washington không nên gửi viện trợ tới Ukraine nữa.
Bên cạnh đó, ông Trump đã chọn thượng nghị sĩ J.D. Vance liên danh tranh cử. Ông Vance là người đề nghị Ukraine nên đàm phán với Nga và phản đối mạnh mẽ việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst nhận định, sự thay đổi quan điểm của ông Zelensky là một phản ứng hợp lý đối với các sự kiện đang diễn ra ở Mỹ, nơi các ứng viên Cộng hòa Trump và Vance chỉ trích mạnh mẽ việc gửi thêm viện trợ cho Kiev.
Giáo sư Jeffrey Sachs của Đại học Columbia nói rằng, cách duy nhất để cứu Ukraine là thông qua quá trình đàm phán.
Thứ năm, vào tháng 9/2024, Tổng thống Zelensky đã thăm Mỹ để trình bày “kế hoạch chiến thắng” của mình nhằm thuyết phục Mỹ các đồng minh ủng hộ cả về mặt quân sự và ngoại giao, nhưng đã được đón nhận một cách lạnh nhạt tại Mỹ.
Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh Ramstein để nghe ông Zelensky trình bày về kế hoạch này dự kiến tổ chức vào ngày 12/10 đã bị hoãn vô thời hạn do Tổng thống Mỹ Joe Biden không thể tham dự vì phải chỉ đạo ứng phó siêu bão Milton.
Thứ sáu, quan điểm của công chúng ở nhiều nước phương Tây đã bắt đầu thay đổi. Theo khảo sát của Eurobarometer, ở Bulgaria, Hy Lạp, Áo và Síp, người dân có xu hướng cho rằng cần phải chuyển sang đàm phán. Các nhà lãnh đạo Hungary và Slovakia cũng ủng hộ các sáng kiến hòa bình.
Gần đây nhất, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đến thăm Nga, Ukraine, Trung Quốc và Mỹ để đưa ra các đề xuất hòa bình, được Thủ tướng Slovakia Robert Fico ủng hộ. Ông Orban đã phản đối khoản tiền 50 tỷ USD mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước G-7 đề nghị cho Ukraine vay để hỗ trợ cuộc chiến chống lại Nga.
Khoản vay sẽ được hoàn trả toàn bộ bằng lợi nhuận từ hơn 250 tỷ USD tài sản của Nga bị phương Tây phong tỏa. Ông Orban cũng không đồng ý tăng thời gian gia hạn lệnh trừng phạt Nga lên 36 tháng.
Phản ứng của Nga
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov đã nhiều lần tuyên bố, Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine để chấm dứt xung đột, ngay cả khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại nhiệm, bất chấp việc Moscow công khai đặt câu hỏi về tính hợp pháp cầm quyền của ông do nhiệm kỳ Tổng thống của ông đã kết thúc ngày 20/5/2024, nhưng không tổ chức bầu cử.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng nếu Ukraine thực sự quyết tâm đàm phán thì phải hủy sắc lệnh cấm đối thoại với Putin do Tổng thống Zlensky ban hành ngày 4/10/2022 và bất cứ cuộc đàm phán nào cũng phải dựa trên tình hình thực tế mới hiện nay của cuộc xung đột.
Tổng thống Nga Putin đã đưa ra các điều kiện để bước vào đàm phán với Ukraine là Kiev phải rút quân khỏi các khu vực Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng (DPR và LPR), Kherson và Zaporozhye, từ bỏ ý định gia nhập NATO, duy trì quy chế trung lập, không liên kết, phi hạt nhân hoá và phi quân sự hoá, thừa nhận Crimea, Sevastopol và các khu vực mới khác là của Nga trong các điều ước quốc tế, đồng thời dỡ bỏ lệnh trừng phạt của phương Tây chống Nga.
Các phương tiện truyền thông cho biết, Ukraine đang xem xét khả năng “đổi đất lấy hòa bình”, giao lại các vùng lãnh thổ đã mất cho Nga để chấm dứt chiến sự việc gia nhập NATO và các đảm bảo an ninh khác.
Tờ Financial Time của Anh viết: “Đằng sau những cánh cửa đóng kín, đang có cuộc thảo luận về một thỏa thuận, theo đó Moscow sẽ duy trì quyền kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine để đổi lấy việc Ukraine được gia nhập NATO hoặc được đảm bảo về an ninh”.
Tờ báo viết tiếp, "trong bối cảnh thành công của Lực lượng vũ trang Nga, ngày càng nhiều người Ukraine ủng hộ ý tưởng chấm dứt xung đột với Nga thông qua đàm phán hòa bình".
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 1/10 đã bác bỏ thông tin các quan chức ngoại giao Ukraine đã thảo luận với phương Tây về ý tưởng "đổi đất".
Cuộc xung đột Ukraine đã bước sang năm thứ ba chứng tỏ không thể giải quyết được bằng quân sự. Đàm phán là biện pháp duy nhất có thể chấm dứt đổ máu, đem lại hoà bình cho Ukraine và Nga.
Lẽ ra cuộc xung đột đã được giải quyết chỉ sau 1 tháng bùng nổ nếu không có sự can thiệp của Mỹ và phương Tây nhằm xóa bỏ các thoả thuận đạt được tại Istanbul ngày 29/3/2022. Theo thỏa thuận này, Nga và Ukraine đã nhất trí về các vấn đề cơ bản trong quan hệ giữa hai nước.
Ngày 6/4/2022, dưới sức ép của Mỹ và phương Tây, đoàn Ukraine đã trao cho phía Nga một dự thảo thỏa thuận mới, hoàn toàn khác với thoả thuận đã được hai bên ký tắt và công bố ngày 29/3/2022.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, mặc dù Tổng thống Zelensky kiên quyết yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn và yêu cầu Ukraine được gia nhập NATO, đồng thời bác bỏ bất kỳ cuộc mặc cả nào về chủ quyền hoặc lãnh thổ, nhưng mùa Đông đang đến gần và sự hỗ trợ của phương Tây giảm sút, Kiev đang thay đổi để đạt được hoà bình.