Ông Zelensky bóng gió về quyết định lịch sử trong tháng 6, Ukraine vẫn không dễ vào EU

Mai Trang |

Khả năng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine có thể sẽ đầy rẫy những khó khăn khi nước này cần sự chấp thuận của các thành viên thuộc khối, và quyết định này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) trao bảng câu hỏi tư cách thành viên cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev hôm 8/4. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) trao bảng câu hỏi tư cách thành viên cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev hôm 8/4. Ảnh: Reuters

EU có thể chuẩn bị hỗ trợ Ukraine trở thành thành viên mới nhất của khối, nhưng quá trình này sẽ không hề dễ dàng.

Vài ngày sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng các lãnh đạo Ukraine đã ký đơn xin gia nhập EU.

Kể từ đó, một số quan chức EU đã ủng hộ việc Ukraine gia nhập liên minh, song nói rõ rằng đây sẽ là một quá trình lâu dài, ngay cả khi họ cố gắng đẩy nhanh tiến độ.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, dự kiến sẽ đưa ra ý kiến về việc Ukraine gia nhập EU trong vài tuần tới. Tuy nhiên, bước đi này có thể sẽ chỉ đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình dài và khó khăn.

Ngay cả Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cũng thừa nhận rằng việc chấp thuận các thành viên mới gia nhập EU sẽ là một thách thức.

“Việc kết nạp thêm thành viên luôn phức tạp. Có các quốc gia khác nhau, các con đường khác nhau, các bước khác nhau để thực hiện và các quy tắc khác nhau để tuân thủ. Nhưng đây là thời điểm chúng ta cần gửi một thông điệp chính trị mạnh mẽ nhất, đó là Ukraine thuộc về gia đình châu Âu”, bà Metsola cho biết.

EU có đang thiên vị Ukraine?

Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu (CEPS) có trụ sở tại Brussels, cho biết, việc nhận được sự ủng hộ chính trị để gia nhập EU thể hiện “sự thúc đẩy tinh thần đối với Ukraine và là tín hiệu cho Nga thấy EU sẽ không bị nhụt chí”.

Nhưng đối với EU, việc ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine là một hành động “cân bằng mong manh”, có thể ảnh hưởng đến nhiều quốc gia.

Chẳng hạn, các quốc gia ở Tây Balkan từ lâu đã được hứa gia nhập EU nhưng tới nay các cuộc đàm phán vẫn chưa bắt đầu. Bắc Macedonia thậm chí đã đổi tên nước nhằm tăng cường cơ hội gia nhập EU.

Moldova, giáp Ukraine và Georgia, giáp với Nga, cũng đã xin gia nhập EU sau khi Nga tiến hành hoạt động quân sự.

Khu vực Tây Balkan bao gồm 6 quốc gia ở Nam Âu và Đông Âu là Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Kosovo, Bắc Macedonia và Serbia.

Khó khăn đối với EU là liên minh có thể bị coi là “thiên vị” với Ukraine, làm đảo lộn các khu vực khác của lục địa và có khả năng đẩy họ đến gần Nga hơn.

Trong bức thư gửi nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell hồi cuối tháng 5, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg và Bộ trưởng các vấn đề EU của Áo Karoline Edtstadler cho biết: “Chúng tôi muốn và cần những quốc gia đó (những nước Tây Balkan) có vị trí vững chắc trong liên minh. Chúng tôi cần chứng minh cho họ thấy rằng họ là những đối tác quan trọng và chúng tôi nghiêm túc với tương lai ở châu Âu của họ”.

Ngay cả sau khi EC công bố ý kiến về việc Ukraine gia nhập EU, có thể sẽ mất nhiều năm để các quốc gia thành viên chấp thuận Kiev gia nhập liên minh. Ukraine sẽ phải thực hiện một số cải cách kinh tế và chính trị để tuân thủ các quy tắc của châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã lên tiếng về việc Ukraine xin gia nhập EU. Bà von der Leyen cho biết, quá trình gia nhập EU diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào chính quốc gia xin gia nhập cũng như sự hỗ trợ từ EU. “Các tiêu chuẩn và điều kiện của chúng tôi trong quá trình gia nhập EU phải được đáp ứng”, bà nói.

Vào tháng 5, người đứng đầu EC đã ủng hộ viện trợ tài chính cho Ukraine để tái thiết và cũng là một cách để giúp nước này gia nhập liên minh.

Ngày 7/6, Tổng thống Zelensky đã cung cấp thông tin cập nhật về đơn xin gia nhập EU của Ukraine.

“Nỗ lực ngoại giao không dừng lại dù chỉ một ngày. Tôi vẫn nghe báo cáo mỗi ngày về việc chuẩn bị cũng các quyết định mang tính thủ tục của EU. Một nhóm của Bộ Ngoại giao cùng các nhân viên khác vẫn đang nỗ lực để đạt được một quyết định lịch sử vào tháng 6, điều mà chúng tôi mong đợi. Về phần mình, Ukraine đã làm tất cả những gì cần thiết trong khả năng của chúng tôi”, ông Zelensky cho biết.

“Quyết định cuối cùng bây giờ nằm trong tay EU và các quốc gia thành viên”, Tổng thống Ukraine nói thêm.

Quá trình khó khăn đối với Ukraine

Các chuyên gia chính trị cho rằng việc Ukraine trở thành thành viên chính thức của EU sẽ tốn một khoảng thời gian dài.

“Mặc dù Ukraine sớm gia nhập EU là điều khó có thể xảy ra, có một sự thay đổi rõ ràng về thái độ đối với việc mở rộng liên minh giữa lãnh đạo các nước EU”, Anna Rosenberg, chuyên gia tại công ty tư vấn Signum Global, cho biết.

“Lãnh đạo các nước EU hiện nay có phần cởi mở hơn trong việc mở rộng quy mô so với trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine, nhưng điều này vẫn rất khó khăn. Các vấn đề với các quốc gia như Hungary là bằng chứng cho điều đó. Không nhà lãnh đạo EU nào muốn cho phép một Hungary thứ hai gia nhập khối”, bà Rosenberg nói thêm.

Hungary, gia nhập EU vào năm 2004, từ lâu đã là một “cái gai” đối với các thể chế của châu Âu.

Điều này được thể hiện rõ gần đây trong quyết định áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga. Hungary phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, cho rằng quyết định này sẽ hủy hoại an ninh năng lượng của đất nước. Điều này khiến quá trình đạt thỏa thuận về cấm vận dầu Nga của EU kéo dài hơn nhiều so với dự kiến.

Các quyết định chính sách đối ngoại quan trọng của EU yêu cầu sự nhất trí của các quốc gia thành viên. Điều này đôi lúc gặp khó khăn do liên minh gồm 27 quốc gia với các ưu tiên hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt, quá trình này có thể trở nên khó khăn hơn nếu khối được mở rộng.

Tuy nhiên, một vấn đề phức tạp khác là hiện chưa có sự rõ ràng về thời điểm chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine kết thúc.

“Điều kiện tiên quyết cho một quá trình gia nhập có ý nghĩa không chỉ là việc Ukraine kiểm soát được lãnh thổ của mình, mà còn là một thỏa thuận hòa bình thực tế được ký kết với Nga. Tình hình xung đột sẽ không thể trao cho Ukraine tư cách thành viên EU”, Jacob Kirkegaard, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, cho biết./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại