Vương Kỳ Sơn tái xuất, gặp gỡ "cá mập" tài chính Mỹ: Chiến tranh thương mại sắp có bước ngoặt lớn?

Thủy Thu |

Nếu ông Vương Kỳ Sơn thành công trong cuộc gặp sắp tới, một cuộc đàm phán chính thức có thể được mở ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ leo thang căng thẳng.

Tờ Financial Times mới đây đưa tin, Trung Quốc đã mời những tinh anh - người đứng đầu các công ty tài chính lớn ở Phố Wall của Mỹ tới tham dự một cuộc gặp được tổ chức ở Bắc Kinh vào ngày 16/9 để thảo luận về xung đột thương mại song phương.

Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang căng thẳng khi Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc 

Đáng chú ý, sau hội nghị này, ông Vương Kỳ Sơn - Phó Chủ tịch Trung Quốc - cánh tay phải đắc lực của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng sẽ gặp gỡ những nhân vật này để thảo luận vấn đề thương mại song phương.

Giới chuyên gia nhận định rằng, nếu sự kiện trên thành công, kết hợp với kết quả cuộc gặp giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil tại Bắc Kinh hôm 7/9 sẽ mở ra một bước ngoặt mới trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.

Như vậy, một cuộc đàm phán chính thức có thể sẽ được mở ra và ông Vương Kỳ Sơn sẽ đóng vai trò quan trọng trên bàn đàm phán sau thời gian dài "ở ẩn".

Trước đó, kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, giới phân tích luôn kỳ vọng ông Vương sẽ đích thân cầm trịch trong các cuộc đàm phán thương mại song phương bởi kinh nghiệm đàm phán phong phú cũng như mối quan hệ thân thiết với nhiều nhân vật quan trọng ở Mỹ.

Tuy nhiên, việc ông liên tục vắng mặt trong các cuộc hội đàm thương mại song phương đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. 

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông) từng cho rằng, việc ông Vương không tham dự vào các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ trước đây là một cách để "giữ gìn hình ảnh cho bộ máy lãnh đạo Trung Quốc".

"Ông Vương Kỳ Sơn sẽ không ra mặt cho đến khi cho đến khi có những bảo đảm chắc chắn hơn về những thỏa thuận và thỏa thuận này có hiệu lực", Scott Kennedy, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington nhận định.

Tờ Kyodo News (Nhật Bản) ngày 25/8 đưa tin, tuy không tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ nhưng ông này vẫn dõi theo sát sao diễn biến tình hình. Phó Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, Trung-Mỹ nảy sinh xung đột là điều hoàn toàn tự nhiên và ông không cho rằng đây là một cuộc chiến thương mại.

Cựu trùm "đả hổ" Trung Quốc còn tiết lộ, song song với tình hình về xung đột thương mại, ông cũng đang phân tích vấn đề đối nội của nước Mỹ để đưa ra các phương án đối phó hiệu quả. 

Được biết, trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã tích cực đưa ra những phương án nhằm cân bằng, phá vỡ ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại như: ông Lý Khắc Cường và Vương Kỳ Sơn mở các cuộc tiếp xúc ngoại giao với châu Âu, Nhật Bản, còn Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm Nga, thúc đẩy quy hoạch Vành đai và con đường cũng như quan hệ Trung Quốc - Châu Phi.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Mỹ và giới tài chính phố Wall đều ủng hộ toàn cầu hóa, việc mời các ông lớn trong giới thương mại Mỹ sang Bắc Kinh được cho là phương pháp hạ nhiệt căng thẳng cũng như là bước tháo gỡ khó khăn hiệu quả của Trung Nam Hải. 

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cho rằng, đây là cuộc chiến dài hạn và Mỹ-Trung cần có những bước đi cụ thể hơn cho cuộc chiến này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại