Trùng với ngày lễ kỷ niệm 30/4 vừa qua chính là kỷ niệm 241 năm ngày sinh của "ông vua toán học" người Đức: Johann Carl Friedrich Gauss (1777-1855). Ngày kỷ niệm này đã được Google Doodle lấy làm cảm hứng cho thiết kế của mình.
Xem video Vietsub:
Kỷ niệm 241 năm ngày sinh của "ông vua toán học". Nguồn: Time. Phụ đề: Thành Luân
Đôi nét về "ông vua toán học" Johann Carl Friedrich Gauss
Ngày kỷ niệm này đã được Google Doodle lấy làm cảm hứng cho thiết kế của mình. Ảnh: Google Doodle
Từ bé, Gauss đã nổi tiếng là thần đồng toán học với khả năng tính nhẩm siêu việt của mình, từ năm 3 tuổi, ông đã giúp cha mình nhận ra lỗi tính sai của mình, sau này ông còn nói đùa rằng: "tôi đã học tính trước khi học nói"!.
Chính thiên tư thông minh của mình, mới chỉ 15 tuổi, ông đã được Quận công vùng Brunswick cho học bổng ăn học ở trường chuyên dành cho những học sinh có năng khiếu đặc biệt là trường Trung học Collegium Carolinum
Gauss đã giải quyết triệt để bài toán cổ Hy Lạp: Dựng đa giác đều 17 cạnh bằng thước và compass. Ảnh: Unbiased Research
Ba năm sau, Gauss được vào Đại học Gottingen và bắt đầu từ đây, con đường khoa học và tài năng của ông được mọi người chú ý đến. Có câu chuyện kể rằng khi đang phân vân giữa việc chọn Toán học hay Triết học khi vào đại học, ông đã quyết định giải bài toán:
Dựng đa giác đều 17 cạnh bằng thước và compass (đây là 1 bài toán cổ đại mà trước đó chưa ai có thể giải trọn vẹn), chính nhờ điều này, ông biết mình sinh ra để làm toán và đó có lẽ là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời Gauss.
Gauss đã tính toán chính xác vị trí tiểu hành tinh Ceres bằng toán học. Ảnh: Fineartamerica
Gauss còn tỏ ra vô cùng thích thú với nghiên cứu của mình đến nỗi ông muốn khắc lên mộ mình một hình thất thập giác đều nhưng không một người thợ khắc bia nào nhận vì chẳng ai đủ kỹ thuật để làm điều này.
Khi mới 24 tuổi, ông đã có một nghiên cứu khiến giới khoa học kinh ngạc khi tính toán quỹ đạo của tiểu hành tinh Ceres.
Kể từ đó, tiếng tăm của ông trở nên vang dội và giúp ông chính thức bước chân vào lĩnh vực thiên văn học, là người theo chủ nghĩa hoàn hảo một cách cuồng nhiệt, Gauss thậm chí còn đặt khoa học trên cả gia đình.
Từ 1989 đến 2001, hình của ông cùng với biểu đồ phân bố Gauss được in trên tờ tiền giấy 10 mark Đức. Ảnh: Deutschlandfunk
Có giai thoại kể rằng khi biết tin vợ ông sắp mất, Gauss đã nói: "Bảo cô ấy đợi chút cho đến lúc tôi xong việc". Chính vì điều này nên cuộc sống riêng tư gia đình của ông không mấy êm ấm, ông đã lấy 2 vợ và có 6 người con trước khi qua đời.
Sự kỹ tính của ông tới mức Gauss ít khi công bố các công trình nghiên cứu của mình vì khẩu hiệu của mình pauca sed matura (ít, nhưng chín chắn), ông chỉ công bố khi chúng đã... hoàn hảo!
Nhà viết lịch sử toán học, Eric Temple Bell còn cho rằng toán học đã có thể đi trước 50 năm nếu Gauss xuất bản hết mọi công trình của mình.
Không những thế, việc "giấu kín" các nghiên cứu khi ông thấy chúng chưa hoàn hảo đã khiến Gauss ngần ngại không dám công bố ý nghĩ về hình học phi Euclide, đành để vinh quang này cho 2 nhà toán học Lobatchevski và Bolyai.
Gauss qua đời năm 1855 sau một cơn đau tim, bộ não của ông còn được bảo quản và nghiên cứu bởi Robert Heinrich Wagner. Ông được xếp ngang hàng cùng Leonhard Euler, Isaac Newton và Archimedes như là những nhà toán học vĩ đại nhất của lịch sử.
Nguồn tham khảo: Independent, Britannica, Storyofmathematics