“Ông vua” ngành bia đầu tư 250 triệu USD, thuê 300 nhân sự Việt Nam sản xuất bia Budweiser, Beck’s và Hoegaarden phục vụ cả Đông Nam Á

Quỳnh Như |

Hiện Anheuser-Busch InBev đang có 2 nhà máy sản xuất 3 loại bia Budweiser, Beck’s và Hoegaarden tại Bình Dương. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước duy nhất mà ‘ông vua’ ngành bia này đặt nhà máy, nên ngoài phục vụ thị trường nội địa, sản phẩm còn xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.

Nhà máy sản xuất Budweiser và Beck’s của Anheuser-Busch InBev tại KCN VISIP - Bình Dương.

Anheuser-Busch InBev không phải là một cái tên quá quen thuộc ở Việt Nam, vì khi nói tới bia, người Việt Nam sẽ nghĩ ngay đến Sabeco (thương hiệu bia Sài Gòn) hoặc Heineken (thương hiệu bia Heineken - Tiger).

Tuy nhiên, trên bình diện thế giới, Anheuser-Busch InBev đang là doanh nghiệp đứng đầu ngành bia, với 500 nhãn hiệu bia khác nhau, trong đó có Budweiser và Hoegaarden – thuộc dòng bia cao cấp, đang được nhiều người dân Việt Nam biết đến trong thời gian gần đây.

Các thương hiệu bia nổi tiếng có thể kể đến của Anheuser-Busch InBev gồm: Budweiser, Corona, Stella Artois, Beck’s, Hoegaarden, Leffe. Bên cạnh đó, họ còn sở hữu những doanh nghiệp có thương hiệu bia ‘vô địch’ địa phương như Alexander Keith’s (Cananda), Bass (Anh), Modelo (Mexico)…

Từ năm 1366, bắt nguồn từ nhà máy bia Den Hoorn ở Leuven (Bỉ), qua hơn sáu thế kỷ cùng rất nhiều cuộc mua bán – sáp nhập (M&A) giữa những doanh nghiệp bia hàng đầu thế giới qua các thời kỳ như Anheuser-Busch, InBev, AmBev và SABMilner; Anheuser-Busch InBev có hình hài như bây giờ.

Doanh thu năm 2019 của doanh nghiệp này khoảng 52,33 tỷ USD và năm 2020 là 54,7 tỷ USD, có 260 nhà máy đang hoạt động tại 50 thị trường hàng đầu, cùng 170.000 công nhân viên.

Theo thống kê của Euromonitor, Anheuser-Busch InBev dẫn đầu thế giới về thị phần - cả số lượng lẫn giá trị, với khoảng 23% dung lượng thế giới. Tuy nhiên, ở châu Á, doanh nghiệp này chưa thể hiện được sự vượt trội, khi chỉ đứng thứ 2 về thị phần trong năm 2020, sau China Resources Beer.

Chọn Việt Nam đặt nhà máy vì thị trường tiềm năng và giao thương thuận lợi

Với việc tìm hiểu sâu sắc văn hoá thưởng bia của người Việt, Anheuser-Busch InBev nhận định Việt Nam không chỉ là thị trường bia tiềm năng, phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á mà còn là nơi thuận lợi để "kết nối" với các nước trong khu vực.

Đúng như nhận định của "ông lớn" này, Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng rất nhanh.

Theo thống kê của Viracresearch, năm 2019 tổng sản lượng sản xuất bia của Việt Nam đạt hơn 5 tỷ lít (tăng 22.9% so với cùng kỳ năm 2018), tiêu thụ đạt hơn 4 tỷ lít (tăng 29.1% so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu thị trường bia đạt hơn 65.000 tỷ đồng (tăng 0.5% so với cùng kỳ năm trước).

“Ông vua” ngành bia đầu tư 250 triệu USD, thuê 300 nhân sự Việt Nam sản xuất bia Budweiser, Beck’s và Hoegaarden phục vụ cả Đông Nam Á - Ảnh 1.

Cận cảnh nhà máy bia Anheuser-Busch InBev tại KCN VISIP - Bình Dương.

Về chủng loại tiêu thụ, tiêu thụ bia đóng lon chiếm 66.8% tổng tiêu thụ bia tại Việt Nam, tiếp theo là bia đóng chai 29.9%; bia hơi 3.1% và chiếm 1 thị phần khiêm tốn là bia tươi 0.1%.

Về nhập khẩu, sản lượng bia nhập khẩu đạt hơn 37 triệu lít (tăng trưởng 8.9% so với cùng kỳ năm 2018), 3 nguồn cung ứng bia chính của Việt Nam là Hà Lan (25%), Mexico (17%) và Bỉ (16%).

So với lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam, nhập khẩu bia vào Việt Nam chiếm tỷ trọng khá nhỏ. Doanh nghiệp nội địa và FDI chiếm lĩnh thị trường bia trong nước, với ưu thế giá bia rẻ, hợp khẩu vị của đông đảo bộ phận khách hàng.

Với cơ cấu dân số nằm trong nhóm trẻ nhất thế giới – 56% dân số dưới 30 tuổi, VBA dự đoán tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi và đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020.

Theo báo cáo của Nielsen, 56% người tiêu dùng Việt Nam dưới 30 tuổi và tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp đôi từ 12 triệu người (2014) lên 33 triệu người (2020). Ước tính Việt Nam sẽ có thêm khoảng 2 triệu người tiêu dùng gia nhập vào tầng lớp trung lưu, đạt tốc độ hình thành tầng lớp trung lưu nhanh nhất châu Á.

Anheuser-Busch InBev gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2012 và đến tháng 5/2015 mới chính thức khánh thành nhà máy bia tại Khu công nghiệp (KCN) VSIP II-A - Bình Dương.

Đến năm 2016, nhà máy thứ hai của họ được xây dựng tại KCN Mỹ Phước cũng ở Bình Dương. Tổng mức đầu tư của 2 nhà máy tầm 250 triệu USD, với tổng công suất khoảng 1 triệu Hectolitre ().

2 nhà máy bia Anheuser-Busch InBev Việt Nam được đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hoá, công nghệ tiên tiến nhất của tập đoàn như: sử dụng phần mềm quản lý của Siemens, sản xuất khép kín, tự động hóa từ công đoạn nấu, ủ, lên men, lọc, làm lạnh đến chiết, rót, đóng gói. Do đó họ chỉ cần 1 đến 2 người điều khiển và theo dõi trên máy tính ở mỗi công đoạn.

Đó là nguyên do, cả 2 nhà máy của họ chỉ cần 300 nhân viên, bao gồm cả những lao động phổ thông như bảo vệ, nhân công vệ sinh, bán hàng… Nhà máy tại KCN VISIP có công suất 500.000 HL chỉ cần hơn 70 nhân viên để hoạt động tốt.

Nhà máy tại KCN VISIP chuyên sản xuất Budweiser và Beck’s, còn nhà máy tại Mỹ Phước sản xuất Hoegaarden và gia công cho tập đoàn bia Nhật Asahi. Sản phẩm Budweiser, Beck’s và Hoegaarden, ngoài phân phối nội địa, còn xuất khẩu ra các nước Đông Nam Á.

2 nhãn hiệu cao cấp Budweiser và Hoegaarden được ưa chuộng ở các thành phố lớn như HCM, Đà Nẵng, Hà Nội; trong khi thương hiệu trung cấp Beck’s được yêu thích tại Đông Nam Bộ và miền Trung. Ngoài ra, Anheuser-Busch InBev còn nhập khẩu bia Corona, Stella Artois và Leffe vào Việt Nam.

“Ông vua” ngành bia đầu tư 250 triệu USD, thuê 300 nhân sự Việt Nam sản xuất bia Budweiser, Beck’s và Hoegaarden phục vụ cả Đông Nam Á - Ảnh 2.

Danh mục sản phẩm của Anheuser-Busch InBev tại Việt Nam.

Trong năm 2020, do Covid-19, các nhà máy của Anheuser-Busch InBev tại Việt Nam chỉ hoạt động chưa đến 50% công suất. Trong hôm chúng tôi đến thăm nhà máy, dây chuyền đóng gói ở đây đang tạm ngưng hoạt động. Tuy nhiên, các cán bộ công nhân viên của Anheuser-Busch InBev không ai bị giảm lương thưởng trong năm 2020.

Không có bất kì sự khác biệt nào giữa các loại bia toàn cầu của Anheuser-Busch InBev

Ở khía cạnh khác, sau khi xây dựng 2 nhà máy tại Bình Dương, Anheuser-Busch InBev ngưng nhập khẩu Budweiser, Hoegaarden và Beck’s mà thay vào đó là những sản phẩm sản xuất trong nước. Và không ít khách hàng cho rằng, những chai Budweiser, Hoegaarden và Beck’s sản xuất trong nước không ngon bằng loại nhập khẩu trước đây.

"Tôi có thể trả lời chắc chắn rằng: Không có bất kì sự khác biệt nào giữa các loại bia toàn cầu của Anheuser-Busch InBev. Quy trình sản xuất các loại bia của Anheuser-Busch InBev ở toàn cầu giống nhau. Mỗi loại bia có hàng ngàn hương vị, bia Budweiser có hương dầu chuối còn Beck’s có vị chua táo xanh.

Sau khi hoàn tất các mẻ bia, chúng tôi phải gửi mẫu thử ngẫu nhiên của Budweiser qua Mỹ và Hoegaarden qua Bỉ; và chỉ khi những nhà nếm bia ở 2 trung tâm này của công ty mẹ kết luận nó đạt chuẩn, chúng tôi mới được phép tung ra thị trường. Các nhân viên nếm bia tại Việt Nam cũng báo cáo trực tiếp qua công ty mẹ chứ không phải cho bản thân tôi.

Thêm nữa, một mẻ bia Budweiser được nấu thành công phải cho ra những hương vị và cấu trúc giống ‘lý lịch’ vốn có của nó, chứ không phải ở cảm quan ngon dở của người nếm.

Tôi nghĩ, việc ai đó uống bia Budweiser ở nước ngoài ngon hơn Việt Nam có thể bởi sự tác động của tâm trạng vui vẻ khi đi du lịch.

Hoặc việc uống bia nhập khẩu ngon hơn sản xuất trong nước, có thể bởi thời gian vận chuyển lâu, khiến quá trình lên men dài hơn làm bia ngọt hơn, phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam hơn?!", ông Phan Trọng Chinh - Giám đốc Nhà máy bia Anheuser-Busch InBev VSIP Bình Dương, nêu vấn đề.

Về nguyên tắc, bia càng tươi thì càng ngon. Loại bia đầu tiên chiết xuất từ vòi ở nhà máy là ngon nhất. Tuy nhiên, để có thể bảo quản lâu và vận chuyển xa, bia buộc phải tiệt trùng. Sở dĩ, bia tươi ở các bar, nhà hàng hoặc club chỉ có hạn sử dụng khoảng 3 tháng, bởi nó được tiệt trùng nhanh còn bia chai/lon có thời hạn 1 năm vì được tiệt trùng kỹ.

Những nguyên liệu chính tạo nên Budweiser gồm nước (chiếm 92%), malt – lúa mạch đã nảy mầm, gạo, men - yeast, hoa bia – hop (gỗ sồi) và trải qua quá trình nấu dịch đường, thủy phân tinh bột, cho men vào để ủ bia, thêm hoa bia (độ đắng trước + mùi vị sau)…

Và sở dĩ Budweiser hoặc nhiều loại bia khác được xếp vào phân khúc cao cấp, ngoài cảm quan mùi vị ngon hơn các loại bia khác còn vì quá trình sản xuất của chúng công phu và mất nhiều thời gian hơn.

“Ông vua” ngành bia đầu tư 250 triệu USD, thuê 300 nhân sự Việt Nam sản xuất bia Budweiser, Beck’s và Hoegaarden phục vụ cả Đông Nam Á - Ảnh 3.

Ông Phan Trọng Chinh - Giám đốc Nhà máy bia Anheuser-Busch InBev VSIP - Bình Dương

Hầu hết nguyên liệu nói trên đều nhập khẩu do Việt Nam không sản xuất được, trừ nước và gạo. Hiện có 2 nhà sản xuất gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đang cung cấp toàn bộ nguyên liệu gạo cho Anheuser-Busch InBev.

Việc đánh giá các nhà cung cấp tại Việt Nam đều do công ty mẹ tiến hành, nên 2 nhà sản xuất nói trên đã phải vượt qua rất nhiều tiêu chuẩn đánh giá khắt khe, mới thành công hợp tác cùng doanh này.

Ngoài ra, họ còn đưa ra nhiều chương trình tuyển dụng nhân tài khác nhau, để thu hút các nhân sự quản lý – kỹ sư giỏi từ các trường đại học ở Bình Dương và TP. HCM.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại