Khi thực hiện tuyến bài LÀM GÌ ĐỂ KHỎE MẠNH cùng người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác nhau, chúng tôi mong muốn gửi tặng độc giả một cách nhìn mới và toàn diện về lối sống, cách chăm sóc sức khỏe của một nhân vật cụ thể, từ đó, mỗi người có thể rút ra được những bài học cho riêng mình.
Chúng ta cùng trao đổi chủ đề này với Ông Vũ Mão – chính khách, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn... Chúng tôi mong muốn những kiến thức quý báu này sẽ góp phần vào quá trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mỗi chúng ta được tốt hơn.
Chúng tôi hẹn ông Vũ Mão vào một buổi sáng trời nắng ấm, trong căn nhà tập thể cũ nhỏ nhắn nhưng vô cùng ngăn nắp gọn gàng, bốn phía của căn phòng đều là giá sách và những món đồ lưu niệm của những người nổi tiếng trong và ngoài nước, được lưu giữ từ khi ông còn nhỏ đến nay.
Ông mặc chiếc áo màu xanh đồng phục của thanh nguyên tình nguyện và trò chuyện với tâm trạng vui vẻ, ân cần. Chúng tôi đã được nghe ông kể về những kinh nghiệm bản thân để sống khỏe mạnh, đặc biệt là có thể làm việc, viết sách, làm thơ, sử dụng máy tính, minh mẫn và giàu năng lượng kể cả khi đã qua tuổi 80.
Tôi nghỉ hưu cũng đã hơn 10 năm rồi. Năm nay tính tuổi dương là tròn 81 tuổi. Như vậy cũng là người già rồi và tất nhiên là người già thì sức khỏe không phải được như thời kỳ trước đây nữa. Dù sao thì cũng sẽ có rất rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm.
Tuy nhiên nhìn lại chặng đường đã đi qua, bây giờ cũng cố gắng để rèn luyện sức khỏe, làm sao để sống một cách khỏe mạnh trong khả năng tốt nhất có thể, duy trì được thêm ngày nào thì vui ngày đó, ai già rồi cũng hy vọng như vậy.
Cuộc đời tôi thì do môi trường và điều kiện, ngoài giai đoạn thiếu niên, học hành, có một số yếu tố mà tôi cho rằng đó là lý do giúp mình trở nên khỏe mạnh vui vẻ như hiện nay.
Thời tuổi trẻ tôi chơi thể thao rất nhiều nên đã tạo ra cho mình một phong cách hoạt bát, nhanh nhẹn, khả năng chịu đựng của cơ thể và sức bền khá cao.
Trong khi chơi thể thao cũng là cách giúp mỗi người bộc lộ hết những tính cách của mình, khả năng chống đỡ của cơ thể cũng như sự linh hoạt cơ bắp.
Chơi thể thao không chỉ có thể rèn luyện thể chất, mà còn rèn luyện ý chí và những kỹ năng khác rất tốt. Ví dụ như chơi bóng đá, bóng bàn, tennis hay bất kỳ môn thể thao nào, nó đều bộc lộ tính cách rất rõ, từ đó có thể giúp mỗi người rèn luyện thêm nhiều phẩm chất khác nữa ngoài yếu tố nâng cao thể lực.
Cách mà chúng ta chơi thể thao cũng tác động đến tính cách của mỗi người. Thực hành vận động nhiều nó sẽ giúp mình rèn luyện sức khỏe, tạo ra sự kiên trì bền bỉ, tạo ra nghị lực. Khi muốn tập chơi cho tốt thì phải rèn luyện. Chơi môn gì cũng cần đến kỹ thuật, mà kỹ thuật nó đều khó cả nên từ đó nó rèn luyện cho mình cái tính kiên nhẫn, có thể tạo hứng thú cho chính mình và cũng là cơ hội tốt để hòa nhập với mọi người, tạo ra các mối quan hệ mới.
Sau khi bước vào khung tuổi 60 thì tôi đã thay đổi các môn chơi thể thao. Thay vì các môn đối kháng thì tôi chuyển sang chơi các môn có tiết tấu chậm hơn và cũng hạn chế va chạm trong khi tập luyện.
Không có khả năng chơi đối kháng thì mình chọn những môn nhẹ nhàng để tập đều đặn. Cái này cũng cần có sự chuyển đổi một cách từ từ. Ví dụ, ngày tôi bắt đầu chơi golf, mặc dù biết là môn này chơi lâu cũng có tác dụng tốt với sức khỏe nhưng lúc đầu thì nhìn chán lắm vì thấy cách chơi thầm lặng, có vẻ như là buồn tẻ. Nhưng khi tập rồi thì lại thấy có nhiều triết lý rất hay, có nhiều bất ngờ và hứng thú.
Do thời gian, sức khỏe có hạn nên mình lại phải tìm cách chơi phù hợp với khả năng của mình, kể cả về tài chính nữa. Ví dụ người ta chơi 18, 36 hố thì mình chỉ chơi 8 hố thôi.
Khi chơi golf thì người ta thường đánh một bên tay, còn nếu mình chơi không phải mục đích thắng thua mà vì mục đích rèn luyện sức khỏe nên mình sẽ chơi cả hai tay, làm cho hai bên cơ thể vận động cân bằng nhau, tránh việc chơi lệch sẽ làm cho một bên tay to một bên tay nhỏ.
Các môn thể thao khác cũng vậy, vừa tập vừa phải chú ý làm sao tác động đến cơ thể tốt nhất, giữ sự cân đối, hài hòa.
Bóng đá thì cố gắng chơi 2 chân. Bóng bàn, tennis thì mình chơi cả 2 tay. Trong một chặng thời gian dài thì tôi liên tục chơi các môn thể thao khác nhau.
Ưu điểm của việc chơi thể thao nói chung và chơi golf nói riêng là nó giúp cho cơ thể mình được rèn luyện, vận động thường xuyên, giúp khí huyết lưu thông. Hơn nữa nếu tập ở sân golf thì không khí trong lành hơn, nhiều cây xanh hơn cũng sẽ giúp cho mình được thư giãn nhiều hơn, thanh thản, thoải mái hơn sau những giờ phút lao động căng thẳng.
Tôi sắm một chiếc xe đạp và một chiếc ghế mát xa toàn thân để sử dụng song song với việc tập luyện. Mỗi ngày đều kết hợp với hít thở. Tôi thấy nhiều người còn tập thêm Thiền và Yoga nữa cũng thấy có hiệu quả rất tốt nhưng bản thân tôi cũng còn bận nên chưa ưu tiên nhiều cho môn này.
Đó là vấn đề rèn luyện thể dục thể thao. Nhưng ngoài ra còn có các yếu tố khác. Thời gian mỗi người đều có hạn, nên mình chọn những thứ phù hợp với mình, để mình có sự hứng thú.
Làn da đẹp không chỉ dựa vào bẩm sinh. Tôi thực hiện việc xông khô, xông ướt, sục nóng sục lạnh, sau đó về bôi kem để tránh khô hanh, nứt nẻ. Ở trung tâm thể dục thể thao có bể sục, mình vào đó tắm và sục mát xa để hỗ trợ tăng cường sức khỏe.
Ngoài ra, bây giờ tuổi cao rồi nên sức khỏe không tốt như xưa nữa, xương khớp và kinh mạch cũng có những vấn đề nhất định cho nên là thỉnh thoảng cũng nhờ người bên dịch vụ mát xa đấm bóp để giảm bớt những phần xương cốt bị đau, từ đó cảm thấy thư giãn gân cốt và tinh thần cũng dễ chịu hơn.
Việc tự bấm huyệt đều đặn và rèn luyện thể lực hàng ngày cũng là cách giúp cho các kinh mạch trên cơ thể lưu thông tốt. Điều này giúp cho mạch máu hoạt động hiệu quả hơn, hạn chế bớt những nguy cơ có thể gây ra đột quỵ.
Bên cạnh đó, khi có tuổi, nếu mình không tự làm tốt thì mình mua một cái ghế mát xa để tại nhà, hiện tôi tranh thủ sử dụng mỗi ngày một tiếng.
Gần đây tôi xem một cái tổng kết nghiên cứu có thông tin rất hay, nếu muốn khỏe mạnh trường thọ thì mình phải sống trong tâm trạng thoải mái. Trong đó, (1) việc ăn uống chiếm 25%, (2) tập luyện, vận động chiếm 25%, (3) yếu tố tinh thần, lạc quan yêu đời, chan hòa cởi mở, không tham sân si như Đạo Phật nói chiếm tới 50%.
Mình cần thảnh thơi, thoải mái, không bức xúc quá mức về những điều dễ làm cho mình bị tổn thương. Đây là một đánh giá khá toàn diện về việc cần phải tạo ra một lối sống tốt thì mới có được sức khỏe tốt.
Từ công thức này mà tôi điều chỉnh lối sống của mình sao cho đạt được mục tiêu sức khỏe bằng cách bỏ bớt những vướng bận không cần thiết, hạn chế những cái thuộc về tham sân si, mưu cầu vật chất. Do đó, cho đến giờ, tôi vẫn thấy tự hài lòng với lựa chọn của mình.
Từ khi còn đang công tác cho đến lúc nghỉ hưu, thường thì mình cố gắng sống vui vẻ chan hòa với người khác, không để lại những mâu thuẫn hay điều tiếng, rồi giữ gìn nếp sống giản dị.
Muốn cân bằng tinh thần nhiều khi là phải sử dụng giải pháp đấu trí, dùng tri thức và hiểu biết của mình để cân bằng cuộc sống, không đơn thuần là nghĩ sao làm vậy.
Ví dụ, khi mình làm việc ở Quốc hội, 15 năm làm ở Văn phòng Chủ tịch Quốc hội, là người đã quen việc ở đó, nhưng khi có chủ tịch Quốc hội mới thì mình phải thích nghi với công việc, cách trình bày giảng giải sao cho rõ ràng và thuyết phục.
Tôi là người đầu tiên, năm 1994, đã thực hiện việc trả lời chất vấn trực tiếp trong kỳ họp quốc hội. Khi đó, họp thì chỉ thực hiện nội bộ, nhưng tôi nghĩ rằng xã hội đã thay đổi, việc của đất nước thì người dân cũng nên được biết, nên tôi mới đề xuất là họp công khai thực hiện việc chất vấn, đưa ra đề án đó thì 2 năm sau mới thuyết phục được, qua nhiều cấp mới đồng ý. Giờ thành cái nếp rồi nên mỗi cuộc họp đều truyền hình trực tiếp. Đó là giai đoạn chuyển đổi, báo chí vào được quốc hội, chính tôi là người mở cánh cổng đầu tiên.
Mặc dù khi đó thì không phải lãnh đạo nào cũng thích. Nhưng tôi nghĩ nên mở rộng thông tin cho người dân biết. Tôi là người luôn luôn góp ý, thậm chí đấu tranh. Tôi muốn thực hiện luật trưng cầu dân ý, những vấn đề lớn của đất nước.
Có một điều tôi quan tâm nhất trong bất kỳ một việc gì, đó là mình duy trì thái độ "xây" là chính, không phải là "phá". Khi mình muốn làm việc gì mình đều cần có thiện chí để làm việc đó.
Khi mình suy nghĩ nhiều thì óc của mình sẽ có sự phản biện rất tốt.
Hiện tại, tôi chỉ ở căn nhà tập thể nhỏ bé như thế này thôi, không có của cải gì nhiều. Mình vẫn phải hài lòng với những gì mình đang có, hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình.
Mặc dù công việc thì đã từng bôn ba rất nhiều, làm nhiều vị trí khác nhau, làm 5 khóa Trung ương, tham gia công tác từ nhỏ, không quản ngại khó khăn vất vả, từ bé đến già.
Nhiều người nói vui, lẽ ra tôi phải có một cuộc sống sung túc hơn, một vị trí chức vụ cao hơn… Nhưng mà mình luôn nói vui rằng, tôi hài lòng với sự sắp đặt của số phận, những thứ đã có và đang có.
Cái quan trọng nhất là mình phải cảm thấy thoải mái, hài lòng với những gì mình đang có. Không tạo ra những bức xúc hay tham vọng quá lớn. Cần gạt bỏ những thứ tham sân si, gạt bỏ lòng tham cá nhân sang một bên để sống thật thoải mái.
Đạo Phật dạy mình rằng, không biết đủ thì nguy nan, không biết dừng thì nguy khốn.
Tình hình xã hội hiện nay có rất nhiều vấn đề, nhân dân có rất nhiều tâm tư. Bản thân mình cũng là nhân dân, cán bộ trung ương về hưu rồi cũng là thường dân, nhìn lại những gì mình đã làm được đều rất quý. Nhưng với những yêu cầu của đất nước trong tình hình mới, mọi thứ đã thay đổi thì chúng ta phải làm việc tốt hơn.
Khi mình thấy tình hình chuyển biến của đất nước vẫn còn chậm. Khi nghe những lời nói tâm huyết của những người đi trước, đôi khi có phần cực đoan thì mình cũng thấy nhiều vấn đề còn nhức nhối.
Trong trường hợp đó thì mình không bị cuốn theo những điều đó, tạo ra sự cực đoan. Phê phán quá mức cũng không mang lại hiệu quả. Quan trọng là mình phải suy nghĩ, tìm ra những giải pháp để đóng góp cho xã hội.
Hiện tôi là chủ tịch câu lạc bộ hưu Đại biểu Quốc hội – nơi các cựu đại biểu Quốc hội các khóa tham gia sinh hoạt, nhẹ nhàng, vui vẻ. Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập để các đồng chí từng trải có kinh nghiệm để sinh hoạt. Tham gia và đóng góp rất nhiều ý kiến cho các cơ quan lãnh đạo. Nhiều vấn đề cũng đã được lãnh đạo đương nhiệm tiếp thu.
Tôi thấy rằng việc tiếp tục làm nhiều việc bận rộn sau khi nghỉ hưu cũng là cách giúp cho mình trẻ lâu hơn, cả về cơ thể lẫn đầu óc. Tư duy nhiều thì mình cũng trở nên nhanh nhẹn hơn.
Thậm chí, tôi còn có cảm tưởng mình bây giờ làm việc còn năng suất và hiệu quả hơn trước nhờ sự tập trung cao độ, không vướng bận những việc lặt vặt và phân tâm nhiều vấn đề như trước.
Đóng góp cho đất nước và cho xã hội thì cần sự kiên trì. Mặc dù điều này là không dễ dàng, nhưng mình sẽ cố gắng làm được đến đâu hay đến đó.
Tôi viết về các nhân vật quốc hội, dấu son nghị trường. Nhiều người nói rằng hay quá nên lại viết thêm một quyển khác nữa. Rất công phu. Có những lúc tôi phải thức khuya để viết nhiều.
Nếu mình muốn trẻ khỏe và giữ được phong độ thì mình cần phải duy trì được nhịp độ làm việc. Không chỉ là làm việc tay chân mà còn phải làm việc đầu óc.
Trước đây khi còn làm việc thì tôi thường xuyên phải động não, nhưng khi về hưu, mình muốn giữ sự nhanh nhẹn đầu óc thì mình phải tiếp tục cố gắng. Tôi có thói quen sưu tập, viết lách. Hiện tại cũng đã viết được khoảng 10 đầu sách, các tham luận tham gia hội thảo, tổng hợp các tư liệu. Công việc này mang lại cho mình rất nhiều lợi ích sức khỏe.
Viết các tham luận hội thảo, tư liệu đảm bảo chính xác. Cái gì không hiểu hết, chưa nắm rõ thì mình tra cứu trên mạng. Điều tuyệt vời là bây giờ mình có thể vào mạng kiểm tra thông tin rất nhanh, từ đó có thể có được những kiến thức chính xác.
Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên cập nhật công nghệ. Viết lách bằng máy tính, sự dụng mạng xã hội và các thiết bị công nghệ rất thành thạo. Làm những điều này cũng giúp cho mình có được sự tiện lợi trong công việc mình đang làm, không bị cản trở bởi những vấn đề tuổi tác liên quan tới công nghệ.
Tôi làm thơ, sáng tác bài hát, viết nhạc, từ đó giúp tâm hồn mình trở nên phong phú, thanh thản. Làm cho con người mình luôn vui tươi, yêu đời. Đó là những yếu tố rất quan trọng giúp cho mình luôn cảm thấy phấn khởi, sống có ích, cảm thấy dễ chịu với cuộc sống hiện tại.
Tất nhiên cuộc sống còn có nhiều điều này kia, nhưng mình cũng không cần phải bức xúc làm gì. Thay vào đó là sự hài lòng với cuộc sống, hài lòng với những gì mình đang có.
Tôi tập hợp những bài viết về sức khỏe, viết thành cuốn Thuốc hay Bay bệnh. Ai cũng thích, trong đó có những bài rất hay. Làm sách tặng cho mọi người, rồi xin phép in rộng ra để tham khảo.
Mình mất công sưu tập và chọn lọc, qua lăng kính của mình thì những kiến thức đó cũng giúp cho mọi người dễ đọc, dễ thuộc hơn nhờ viết thành các bài thơ. Đó chỉ là những điều đơn giản nhưng nhiều người lại khen là rất thiết thực.
Tôi không chỉ tập luyện tốt từ nhỏ, mà còn học cách tự tu, có kiểm điểm bản thân. Cho đến giờ thì còn kiểm điểm bằng cách làm thơ. Có tâm trạng gì cũng sẽ viết thành thơ. Khi mình buồn bã hay suy nghĩ gì thì đều cần phải tìm cách giải tỏa ngay.
Bài 1: Bí quyết trường thọ
Thích nghi
Quà tặng phúc ban của đạo trời
Vô tư, thoải mái, nụ cười tươi
Thanh xuân, sinh khí vươn trường thọ
Sức khỏe, Ân duyên, trọn nghĩa đời
Chấp nhận với mình như số phận
Thích nghi hoàn cảnh quảng sầu âu
Tự mình điều chỉnh sao phù hợp
Bí quyết luyện tu được sống lâu
Hài hòa
Vui quá hại tim phận mỏng manh
Quá buồn sinh sự phổi không lành
Lại thêm bực tức gan khô nóng
Sợ hãi - thận suy sầu "sáu’ canh
Lo nghĩ – hại tỳ đâu có tốt
Niệm hoài cay đắng dễ nguy nan
Vợ chồng hòa thuận không tranh luận
Thua thắng làm chi thuốc thở than
Khẩu phần
Thường nhật khẩu phần duy trì đủ
Hành tươi một củ chống ung thư
Cà chua một quả êm đường huyết
Một lát gừng thơm viêm nhiễm trừ
Một củ khoai tây xây động mạch
Chuối tiêu một trái bớt lo âu
Trứng gà một quả giàu dinh dưỡng
Nước trắng đôi chai phép nhiệm màu
Quên – Nhớ
Già mấy cũng nên lờ tuổi tác
Nan y bệnh tật nhớ làm chi
Hận thù, tức giận không thèm chấp
Hòa nhã, tự tin vững bước đi
Tri ân tri kỷ xây bằng hữu
Nhân hậu thủy chung vẹn ước nguyền
Nghĩ mình bình dị thường dân vậy
Triết lý sinh tồn phúc đức duyên
Kiêng kỵ
Không thể mật ong trộn đậu nành
Hòa chung làm một dễ nguy nan
Thịt gà không thể cùng kinh giới
Phong ngứa tức thì ắt phát ban
Thịt chó – nước chè vốn đố kị
Sản sinh axit dễ ung thư
Nếu đem trứng vịt phi cùng tỏi
Độc tố coi chừng chứng não hư
Tương đồng
Củ tỏi – chè xanh duyên đắm say
Canh phòng viêm nhiễm vị thuốc hay
Trà – đường bổ khí hương tương hợp
Trà – giấm giảm đau lợi dạ dày
Trà – muối tiêu viêm thắp sáng mắt
Trà – gừng giải độc trị thương hàn
Mứt hồng – trà đậm thơm không khí
Trà – sữa tinh thần vượng chứa chan
Bài 2: Bí quyết sống cho là nhận
Biết nhận tự mình phải biết cho
Chớ như ai đó sống bo bo
Của nhiều tình ít đời mặn chát
Cô quạnh buồn tênh chuốc mối lo
Đằm thắm yêu thương vườn trái ngọt
Lộc dành trao trặng nghĩa nhân gian
Biết cho là nhận tình san sẻ
Rộn rã đời vui hạnh phúc tràn.
Bài 3: Biết đủ, biết dừng
Biết đủ cuộc đời không phải nhục
Tự mình biết đủ mới là hay
Vô tư thoải mái khi biết đủ
Biết đủ hương đời thơm gió bay
Tỉnh táo biết dừng không nguy khốn
Bớt dừng đúng lúc bớt chua cay
Biết dừng đời sẽ thêm hạnh phúc
Khôn khéo biết dừng hồn đắm say
Biết đủ biết dừng tâm nhân nghĩa
Thác ghềnh dâu bể bớt hao hanh
Chân thành mộc mạc thơm quân tử
Nhân thế ghi lòng mãi xứng danh
Biết đủ biết dừng lòng phơi phới
Dòng sông con suối mát trong lành
Thanh xuân trường thọ nguồn vui sống
Rạng rỡ gương đài khắc sử xanh.
Trong ăn uống thì tôi thực hiện chưa được tốt nên vẫn bị thừa cân so với chuẩn bình thường. Mặc dù muốn giảm cân nhưng nó lại sinh ra vấn đề khác. Quan trọng là phải đủ năng lượng để duy trì năng lượng, nếu mình giảm cân cho gầy đi thì lại không đủ năng lượng, trở nên ốm yếu.
Mỗi bữa ăn chỉ khoảng nửa bát, trước đây ăn 2-3 bát. Đảm bảo năng lượng và nhu cầu để có sức. Ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe, cả tâm thần và tư duy. Ăn uống mà không đủ thì đầu óc sẽ không suy nghĩ tốt được.
Đạo Phật dạy mình rằng, không biết đủ thì nguy nan, không biết dừng thì nguy khốn.
Những triết lý như vậy mình cần phải học, sau đó biến thành thơ thì rất sâu sắc, dễ nhớ và dễ đọc, mọi người đọc thơ của tôi thì rất là thích.
Bí quyết ăn uống của tôi thì chưa được tốt, chưa để tâm và khó giữ gìn nên tôi hơi thừa cân một chút. Nhưng nếu giảm cân thì cơ thể lại yếu. Vì quan trọng là phải đủ năng lượng. Nếu giảm ăn để gầy đi thì cơ thể sẽ yếu, cũng sẽ nguy hiểm.
Hiện nay nhu cầu ăn uống ít đi. Thức ăn duy trì ở mức hợp lý, đảm bảo năng lượng và nhu cầu để có sức làm việc. Ăn uống cũng ảnh hưởng đến tâm thần, tư duy. Mệt mỏi thì sẽ không thể hoạt động tốt. Ăn đủ cũng giúp tư duy và công tác tốt.
Trong suốt quá trình làm việc của mình, tôi được tiếp xúc mới nhiều người ở những tầng lớp khác nhau. Mỗi người đều có những công thức sống khỏe riêng để mình học hỏi, tham khảo. Tất nhiên không có ai là hoàn hảo cả. Do vậy mình cần phải học nhiều người, những ai có bí quyết gì hợp với điều kiện thực tế của bản thân mình thì mình học. Hiếm có ai có một "phép thần", nên mình phải học hỏi mỗi người một chút.
Nhiều người bạn của tôi cũng đều là những tấm gương tốt. Ví dụ như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, ông vốn có bệnh nhưng rất kiên trì điều trị, tăng cường chăm sóc sức khỏe bằng cách tập thể dục. Ông ấy là một tấm gương sáng về sự nỗ lực trong cách chăm sóc sức khỏe, kiên trì, vô tư, yêu đời.
Sự rèn luyện từ nhỏ và học hỏi người khác là điều đặc biệt quan trọng để khi lớn lên có một lối sống tốt.
Mỗi người đều có những phương pháp hay của riêng mình, nên sẽ chọn lựa những thứ phù hợp để học hỏi theo cách tốt nhất.
Tôi cũng từng chơi thân thiết với nhà thơ Tố Hữu, ông cũng là người kiên trì và nỗ lực lớn trong việc chăm sóc bản thân, dù đã trải qua tù đày thời chiến tranh nhưng ông vẫn cố gắng để khỏe mạnh.
Tôi cũng có những điều gây ân hận một phần nhưng một phần do hoàn cảnh. Hồi nhỏ thì hoàn cảnh sống khó khăn, lên 8-10 tuổi là lên Việt Bắc, đã đi vào đội thiếu sinh quân, học tập và rèn luyện từ đó.
Điều kiện sống thiếu thốn, đứt bữa. Phân công nhau xuống suối mò cá tôm rồi về chia nhau ăn. Mỗi người chỉ được ăn 1 bát cơm, mỗi người chỉ ăn được nửa bụng thôi, vì 6 người một mâm cơm mà thức ăn không có, cơm cũng thiếu, ai cũng đói cả.
Mùa đông ở Việt Bắc thì rất rét, không có đủ quần áo ấm, sống dựa nhờ vào người dân địa phương, ở các nhà sàn, ở dưới nuôi trâu bò, bên trên là phên nứa hở hoác. Gió mùa đông bắc về thì lùa mùi phân trâu lên, rất dễ sinh bệnh. Khăn quàng cổ không có nên thường xuyên viêm họng, ảnh hưởng đến tận bây giờ.
Nguyên nhân vừa khách quan vừa chủ quan. Từ nhỏ đã rời khỏi nhà và sống trong tập thể, kinh nghiệm bảo vệ sức khỏe không có nên từ đó mà sinh ra yếu ớt. Năm 1951 thì tôi bị sốt rét, khổ lắm. Nhưng nhờ có nghị lực rất tốt nên sau này lớn lên vẫn có sức khỏe tốt.
Hồi tôi ở Hải Phòng học 3 năm trường Ngô Quyền, ăn uống khổ. Ra cửa hàng cơm gần nhà hát lớn Hải Phòng mua một hào cơm rồi rót nước mắm ra ăn. Chỉ có như vậy.
Đi học không có xe đạp nên phải đi bộ hàng ngày. Ăn cơm với nước mắm thôi, nhưng khi đó sức khỏe tốt nên vượt qua được hết. Ngoài ra thì chơi thêm bóng rổ, tập chạy, một số năm đi thi chạy thì được đứng thứ nhất nhóm học sinh Hải Phòng.
Lao động thì ghê gớm, gánh đất, làm các công trình xây dựng. Hồi đó người ta khuyến khích anh em gánh mỗi bên một sọt đất nhưng nhiều người gánh 2 sọt, rồi đua nhau gánh 3 sọt, tôi cũng theo phong trào gánh tới 3 sọt, nghĩ lại thấy kể ra thời đó khỏe thật, giờ nghĩ lại thấy làm việc đó là hơi liều, hơi quá sức, không nên quá.
Con người có từng giai đoạn sức khỏe và suy nghĩ khác nhau, mọi thứ đều thay đổi. Tuổi nhỏ tôi khá khỏe mạnh, có lẽ là cho đến khi 34-35 cũng đang rất khỏe mạnh. Thời kỳ đó phương tiện di chuyển chính vẫn là xe đạp, mỗi ngày đi 150km, vì công việc mà phải đi, rồi sơ tán, đi từ Hà Bắc về Hà Nội, rồi lại từ Hà Nội đi Nam Định, rồi vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, đi rất nhiều, đều bằng xe đạp.
Bây giờ nghỉ hưu rồi nên một ngày của tôi diễn ra khá bình lặng. Sẽ dành khoảng 2-3 tiếng để rèn luyện, vận động. Trong đó gồm mát xa bấm huyệt khoảng 45 phút đến 1 tiếng, ngồi máy mát xa khoảng 1 tiếng, đi đến phòng tập thể dục khoảng 1 tiếng, chưa kể mỗi tuần đi tập golf khoảng 1 buổi nữa. Mỗi ngày đều dành thời gian làm việc khoảng 6 tiếng nên buộc phải rèn luyện đầy đủ.
Chúng ta biết rằng, học sinh đi học 1 tiết chỉ 45 phút, sau đó là ra chơi. Đó là nguyên tắc học tập và nghỉ ngơi đúng đắn để có sức khỏe bởi sự kết hợp giữa ngồi làm việc/học tập và giải lao/nghỉ ngơi.
Mỗi buổi tối tôi thường ngủ khá muộn, vì đi ngủ sớm thường trằn trọc không ngủ được. Khoảng 23h đi ngủ và dậy lúc 5h. Tôi làm việc cho đến khi thấy hơi mệt thì sẽ nghỉ khoảng 15 phút đến 1 tiếng. Duy trì kiểu làm việc với nghỉ ngơi đan xen nhau.
Buổi sáng thì dậy sớm nên rất tỉnh táo và viết rất tốt. Nghĩ về những thành tựu của mình để tiếp tục phấn đấu. Tôi có kỷ lục về sáng tác và các huy chương ghi nhận công lao đóng góp cá nhân cho nhà nước và cộng đồng. Tôi cũng cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc, văn, thơ, viết về cách chính khách của đất nước.
Những người cùng trang lứa với tôi, sau tôi, bây giờ họ rất đàng hoàng, nhà cửa khang trang, tiện nghi. Nhưng đó đều là những chuyện rất tế nhị. Nói chung cuộc sống này ai cũng thế. Tôi cũng cố gắng nén lại cái tham của mình, nén lại được thì mới thanh thản mà sống khi về già.