Đại tướng Lê Đức Anh - người đưa sáng kiến, thúc đẩy việc vinh danh Bà mẹ VNAH
Nhắc tới Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, rất nhiều kỷ niệm đã ùa về trong tâm trí của ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Ông Vũ Mão kể, khi Đại tướng Lê Đức Anh là Tư lệnh quân tình nguyện của Việt Nam tại Campuchia, ông là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Thời kỳ đó, quân đội ta giúp nước bạn và cán bộ chiến sỹ đều trẻ tuổi nên ông Mão thường xuyên sang thăm, động viên anh em, cũng như góp sức giải quyết khó khăn để các chiến sỹ phấn khởi, có tinh thần thoải mái, lạc quan, yêu đời mặc dù hoàn cảnh cực kỳ gian khổ.
Khi sang, ông thường gặp Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia Lê Đức Anh để nghe đánh giá về thanh niên ta trên đất bạn làm nghĩa vụ quốc tế. Ông đồng thời nắm bắt tình hình các cán bộ, chiến sỹ đã sống, chiến đấu, hy sinh như thế nào và những điều kiện, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với anh em.
Bên cạnh quân tình nguyện chiến đấu, thời gian đó, theo ông Mão chúng ta thường có các đoàn chuyên gia của một số ngành, lĩnh vực sang giúp nước bạn xây dựng nhân lực, bộ máy chính quyền, quản ý Nhà nước, xây dựng các đoàn thể.
Trong đó, việc xây dựng các đoàn thể rất quan trọng, nên TƯ Đoàn có cử đoàn thanh niên sang giúp xây dựng Hội thanh niên cứu nước Campuchia và Đoàn thanh niên Campuchia.
"Thời gian đó, Tư lệnh Lê Đức Anh rất bận công việc nên đêm mới dành được thời gian làm việc với chúng tôi, nhưng cách làm việc rất sâu sắc, lắng nghe đưa ra các ý kiến. Có nhiều cuộc trao đổi rất muộn về đêm, ăn uống chẳng có gì nhưng làm việc rất tận tình", ông Mão kể.
Ông chia sẻ, bản thân ông cảm nhận ở tướng Lê Đức Anh là người tâm huyết, tận tâm, chân thành, tác phong gần gũi, thân tình với mọi người.
Nguyên Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn chia sẻ, trong ấn tượng chung của ông về những thắng lợi, hồi sinh, phát triển của nước bạn Campuchia có vai trò quan trọng của người lãnh đạo quân tình nguyện Việt Nam lúc đó là Tư lệnh Lê Đức Anh.
Đại tướng Lê Đức Anh (ngồi giữa, đội mũ) cùng các cán bộ, chiến sỹ. Ảnh: Tư liệu.
Ông Vũ Mão chia sẻ thêm, năm 1992, khi Đại tướng Lê Đức Anh được bầu làm Chủ tịch nước, ông được giao trọng trách là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Thời điểm đó, Văn phòng Chủ tịch mới được tách ra khỏi Văn phòng Quốc hội còn rất nhiều khó khăn. Sau khi làm việc với Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, ông có gặp gỡ báo cáo Chủ tịch nước Lê Đức Anh về các vấn đề có liên quan.
"Tôi nói với Đại tướng Lê Đức Anh "có việc gì đồng chí cứ chỉ đạo" và khi đó, Đại tướng Lê Đức Anh rất chân thành, tận tình, nói rõ những khó khăn của Văn phòng Chủ tịch nước và đề nghị tôi giúp để anh em ổn định làm việc tốt, phát huy theo chức năng của mình", ông Mão nhớ lại.
Ông Mão khẳng định, những đóng góp của Đại tướng Lê Đức Anh trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch nước rất to lớn trong công tác lập pháp, đối ngoại.
Đặc biệt, ông ấn tượng nhất về việc Đại tướng Lê Đức Anh là người đưa sáng kiến, thúc đẩy việc cần ra một Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phong tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
"Là tướng lĩnh, trưởng thành từ một chiến sỹ đi lên và trải qua tất cả các cuộc chiến tranh của đất nước nên Đại tướng Lê Đức Anh rất thông hiểu, biết rõ sự hy sinh to lớn của cả dân tộc, đặc biệt, trong đó có các bà mẹ.
Do đó, ông đã góp công sức rất lớn để đề xuất xây dựng Pháp lệnh phong tặng Danh hiệu Bà mẹ VNAH .
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký ban hành văn bản đó.
Những bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng đầu tiên chính Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã tiếp ngay tại phủ Chủ tịch, rất cảm động. Điều này đã nói lên tư tưởng uống nước nhớ nguồn rất rõ ràng trong con người vị tướng này", ông Mão chia sẻ thêm.
Bức thư hồi đáp của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi ông Vũ Mão
Trong câu chuyện với PV, ông Vũ Mão đã nhắc khá kỹ về một kỷ niệm sâu đậm giữa ông với Đại tướng Lê Đức Anh, thông qua một bài thơ và một bức thư hồi đáp.
Ông Mão kể, vào năm 2000, khi Đại tướng Lê Đức Anh đang là cố vấn Ban Chấp hành TƯ Đảng, tròn 80 tuổi, ông có tặng Đại tướng một bài thơ có 8 khổ nói lên đóng góp của vị tướng này với đất nước, cách mạng và sự hy sinh "nằm gai nếm mật, tinh thần đồng đội rất cao".
Ít ngày sau, rất bất ngờ, ông Mão nhận được thư tay trả lời của Đại tướng Lê Đức Anh nói về việc đã nhận được bài thơ và khen lời thơ thân thiết, chân thật khiến nguyên Chủ tịch nước rất cảm động.
Bức thư viết:
"Thân gửi đồng chí Vũ Mão.
Tôi đã nhận được bài thơ của đồng chí mừng 80 tuổi đời, lời thơ thân thiết và chân tình, tôi rất cảm ơn và giữ mãi làm kỷ niệm.
Chúc đồng chí và gia đình vui khỏe, hạnh phúc".
Bức thư của Đại tướng Lê Đức Anh gửi ông Vũ Mão.
"Nhận được thư của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tôi rất xúc động. Đây không phải lần đầu tiên mình có bài thơ, bài viết ca ngợi người này, người khác, nhưng không ngờ, ông có việc làm thể hiện hành vi văn hóa mà tôi cho rất đẹp là viết thư hồi đáp, cảm ơn.
Trước đó và cho đến nay tôi thường có trao đổi về công việc, đề xuất, kiến nghị việc này, việc khác với các cán bộ có trách nhiệm, nhưng nhận lại sự phản hồi rất ít. Tuy nhiên, Đại tướng Lê Đức Anh lại viết hẳn thư tay để gửi cho tôi.
Qua đó, có thể thấy Đại tướng Lê Đức Anh là người rất chu đáo", ông Mão bày tỏ.
Ông cho rằng, nếu nhiều cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm cũng mang trong mình tinh thần như của Đại tướng Lê Đức Anh sẽ tốt cho nhân dân.
"Dân có khúc mắc, kiến nghị xây dựng, đóng góp hoặc có tình cảm mà cán bộ gửi đôi lời đáp lại hoặc bận cũng nhờ người giúp mình có lời phản hồi lại sẽ rất tốt. Quan điểm, nhận thức, ý thức ở Đại tướng Lê Đức Anh khi hồi âm lại như vậy, theo tôi cần học tập", ông Mão chia sẻ.
Một ấn tượng sâu sắc khác được ông Vũ Mão nhắc đến về nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, đó là sinh thời, dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn rất quan tâm đến tình hình đất nước và thường xuyên có những góp ý chân thành, thẳng thắn.
Ông nói, việc Đại tướng Lê Đức Anh lên tiếng trong vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) hồi năm 2012 mà báo chí đăng tải đã cho thấy rõ sự tâm huyết, lo nghĩ, đóng góp cho đất nước của ông dù đã về nghỉ.
Điều đó rất cần thiết và là bài học đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thể hiện rõ trách nhiệm với nhân dân, đất nước.
Đại tá Khuất Biên Hòa, Trợ lý của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh chia sẻ kỉ niệm về người thủ trưởng. Thực hiện: Kingpr